Đến VN để chuẩn bị cho hai sự kiện, trong đó có phiên tòa công luận quốc tế về vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam VN, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Paris (Pháp), ông Jitendra Sharma - chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế - trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này. TCTG xin đăng tải cuộc trò chuyện này.
* Ông có thể cho biết thành phần nhân sự tham gia phiên tòa và mục đích của phiên tòa này?
- Chúng tôi tổ chức tòa án công luận quốc tế ở Paris vào tháng 5 tới. Đó không phải tòa án có tính pháp lý mà đó là sự kiện cộng đồng quốc tế thảo luận, đưa ra ý kiến về việc thực hiện công lý với nạn nhân VN.
Chúng tôi đã thảo luận với các người bạn VN về các dẫn chứng, chứng cứ và tài liệu cần thiết cho sự kiện.
Việc Tòa án tối cao Mỹ quyết định bác đơn của nạn nhân chất độc da cam với phiên tòa này là hai sự kiện độc lập. Trên thực tế, nó gắn với quá trình đấu tranh cho những gì mà chất độc da cam, dioxin đã hủy hoại. Sự kiện này là bước tiếp theo sau quyết định của tòa án Mỹ.
Chúng tôi sẽ có bảy thành viên xuất sắc, họ sẽ đại diện nói chuyện với công chúng tại sự kiện đó, cùng với chứng cứ của các nạn nhân. Tại đây, có chứng cứ của các chuyên gia, báo cáo đã được chứng nhận bởi các chuyên gia quốc tế ở nhiều lĩnh vực như sinh thái học, tâm lý học, luật. Tất cả đều có các báo cáo trước khi sự kiện diễn ra. Các chuyên gia như là các quan tòa cùng tranh luận với nhau và đưa ý kiến về quyết định của tòa án Mỹ.
Mục đích của phiên tòa là yêu cầu các bên liên đới cần xem lại quyết định bác đơn của nạn nhân chất độc da cam VN, nếu không làm điều đó thì thật là tệ, thật đáng buồn. Trong phiên tòa, chúng tôi có chuyên gia từ Nam Phi, từng là bộ trưởng dưới thời cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, có quan tòa xuất sắc của Chile chống lại chế độ độc tài Pinochet, những nhà hoạt động xã hội của Mỹ, chuyên gia luật quốc tế của Trường luật quốc tế San Diego - người đã từng đứng trước các nghị sĩ Mỹ để lấy ý kiến về báo cáo.
* Các nạn nhân VN sẽ tham gia với vai trò gì trong phiên tòa này, thưa ông?
- Chúng tôi rất mong muốn lắng nghe các nạn nhân VN. Đồng nghiệp VN sẽ mang chứng cứ của các nạn nhân tới sự kiện. Chúng tôi không đưa nạn nhân sang Paris tham dự phiên tòa, nhưng trước khi sự kiện diễn ra chúng tôi nghe nạn nhân tường thuật lại. Chúng tôi sẽ có bản báo cáo tường thuật của các chuyên gia về y học, kiến thức về sinh thái, tâm lý học và sẽ có nhiều chuyên gia nói về trách nhiệm của Chính phủ Mỹ, các công ty hóa chất Mỹ về sự hủy hoại cuộc sống của người dân, đòi công bằng cho nạn nhân và gia đình của họ. Nhiều chuyên gia, tiếng nói quốc tế đến để ủng hộ nạn nhân VN. Sau phiên tòa, chúng tôi sẽ gửi thông điệp chú ý tới Chính phủ Mỹ, công ty hóa chất Mỹ.
* Thưa ông, một sự kiện đang làm tất cả những người quan tâm tới vụ kiện và yêu chuộng hòa bình bất bình là quyết định của tòa án Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam VN. Ý kiến của ông về quyết định này như thế nào?
- Tôi không nghi ngờ gì về những gì Chính phủ Mỹ và công ty hóa chất Mỹ làm với VN. Việc Mỹ rải chất độc da cam tại VN trước năm 1975 không chỉ ảnh hưởng tới những người sống ở những vùng bị rải, binh sĩ của cả hai phía mà cả các thế hệ sau họ. Mỹ đã bồi thường cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, những cựu binh làm nhiệm vụ rải độc. Công ty hóa chất Mỹ phải trả giá cho những người bị nhiễm độc. Nạn nhân VN cũng phải được đền bù công bằng.
* Trước chuyến đi này, ông đã tới VN nhiều lần và Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN. Vì sao vậy?
- Chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác của liên hiệp tổ chức nạn nhân chất độc da cam. Họ giúp tôi về vấn đề chứng cứ của các nạn nhân. Về lý do dẫn đến những hành động của chúng tôi, điều đó xuất phát từ những điều chúng tôi mắt thấy tai nghe. Tôi đã gặp nhiều nạn nhân da cam của VN, những người không có chân, không có tay, không thể nói, không thể làm gì, kể cả tự lo sinh hoạt cá nhân mình. Thật đáng buồn, đáng tiếc khi nhìn thấy hình ảnh đó. Tôi đã thăm các làng, các gia đình có nạn nhân da cam. Chất độc bị rải ở VN không biết bao nhiêu thế hệ sau bị ảnh hưởng. Tất cả những điều đó cần được cộng đồng quốc tế biết đến. Phải có người chịu trách nhiệm và trả giá cho điều này.
* Các ông có những kế hoạch gì tiếp sau phiên tòa công luận quốc tế kể trên, vì chắc chắn đây là sự kiện còn cần sự đấu tranh bền bỉ, kiên trì của mọi giới, mọi người yêu chuộng công lý?
- Chúng tôi sẽ đưa thông điệp tới giới truyền thông, Chính phủ Mỹ, các nghị sĩ Mỹ, công ty hóa chất là cần phải lưu tâm chăm sóc các nạn nhân. Không thể chỉ cho nạn nhân tiền, điều đó không đủ, phải cung cấp cho họ bệnh viện, phương tiện sống, phương tiện sinh hoạt cho những người tàn tật, trong dài hạn phải cung cấp bác sĩ, nghề nghiệp cho họ.
Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) thành lập năm 1946 tại Paris, Pháp, hiện có thành viên tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên phiên tòa công luận quốc tế được hội tổ chức. Bản thân ông Jitendra Sharma (luật sư cấp cao thuộc Tòa án tối cao Ấn Độ, chủ tịch IADL) từng tham dự một phiên tòa như vậy được tổ chức tại Hàn Quốc với tư cách chủ tọa.
Thành lập với một nhóm luật sư từng sống sót sau cuộc chiến tranh chống phát xít và tham gia các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh tại Nuremberg (Đức), IADL là một tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy trao đổi giữa các nhóm luật sư các nước, thúc đẩy hòa bình và hợp tác, bảo vệ và ủng hộ nhân quyền… Cho đến nay hoạt động của IADL bao gồm cả việc bảo vệ môi sinh, môi trường.
Kể từ khi thành lập, IADL đã tham gia kêu gọi chống chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi, lên tiếng bảo vệ một số nhà hoạt động như Angela Davis, nhà thơ Nazim Hikmet của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh tụ Nelson Mandela và một số thành viên của Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). IADL cũng chống việc sử dụng vũ khí hạt nhân và tham gia một số phong trào đấu tranh khác. Chiến dịch đoàn kết với các nạn nhân da cam VN là một trong sáu chiến dịch mà IADL đang theo đuổi hiện nay như: bảo vệ điều 9 của hiến pháp Nhật Bản, độc lập cho hệ thống tư pháp Pakistan, bảo vệ những luật sư đang bị đe dọa ở Philippines... |
(Theo Tuổi trẻ online)