Là một quốc gia với nền công nghiệp giải trí đang phát triển, khái niệm
bảo vệ quyền tác giả đối với nhân vật hư cấu trong các tác phẩm phim,
truyện và truyện tranh... còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Vụ việc tranh chấp về hình tượng nhân vật gần đây giữa họa sỹ Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Truyền thông và Giải trí Phan Thị (Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh liên quan đến nhân vật hư cấu là một tình huống khá điển hình để xác định các tiêu chí cho một nhân vật được bảo hộ bản quyền dưới góc nhìn của các nhà làm luật Việt Nam.
Các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo" và "Cả Mẹo" trong bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt theo tuyên án của Tòa án nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh là các hình tượng nhân vật được bảo hộ. Bởi vậy, Tòa cũng tuyên phía Phan Thị sẽ không được tiếp tục khai thác các hình tượng nhân vật này mà không được sự đồng ý của tác giả. Điều này đồng nghĩa theo quan điểm của Tòa án, các hình tượng nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo" và "Cả Mẹo" đã vượt ra khỏi ranh giới bộ truyện tranh và được bảo hộ như một tác phẩm độc lập.
Việc bảo vệ bản quyền cho các hình tượng nhân vật truyện tranh cũng rất phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Australia, Nhật Bản… Tại Hoa Kỳ, các nhân vật truyện tranh nổi tiếng như chuột Mickey, vịt Donald, Wonderwoman, người nhện… đều được bảo hộ bản quyền.
Tuy nhiên, quyền tác giả đối với nhân vật không chỉ dừng lại ở các nhân vật nhìn thấy được thông qua nét vẽ của các họa sỹ mà còn bao gồm cả các nhân vật được mô tả bằng ngôn từ. Tại Hoa Kỳ, nhân vật hư cấu bắt đầu được bảo hộ từ năm 1954 trong vụ DC Comics kiện Towle. Ở Australia, nhân vật hư cấu được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật hoặc tác phẩm văn học. Tòa án tại Anh và Nhật Bản cũng công nhận bảo hộ nhân vật hư cấu trong các phán quyết liên quan đến các nhân vật Stormtrooper (phim Star Wars) và Mario Brothers (trò chơi điện tử).
Tuy vậy, pháp luật các quốc gia kể trên thường đặt ra yêu cầu khá khắt khe đối với các nhân vật chỉ được mô tả bằng ngôn từ vì về bản chất, quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện chứ không bảo hộ ý tưởng. Đối với các nhân vật truyện chữ, rất khó để phân tách nhân vật khỏi ý tưởng về nhân vật. Nhưng không vì thế mà các nhân vật truyện chữ lại bị gạt khỏi “cánh tay che chở” của luật bản quyền. Các tòa án Hoa Kỳ đã nhiều lần công nhận bản quyền đối với các nhân vật truyện chữ như James Bond, Tarzan, Harry Potter, Sherlock Holmes…
Việc bảo hộ bản quyền cho các nhân vật truyện chữ đã là đề tài tranh luận dài hơi tại Hoa Kỳ cho đến khi nhân vật James Bond được bảo hộ thông qua phán quyết của Tòa án Liên bang năm 1995. Tòa án lý giải, nhân vật James Bond, với tổng thể tất cả những đặc điểm đặc sắc như đẹp trai, có tài quyến rũ phụ nữ, có gu và đam mê xe phân khối lớn... khiến nhân vật được bảo hộ độc lập khỏi tác phẩm văn học gốc. Sau phán quyết James Bond, có thể khẳng định chắc chắn rằng các nhân vật truyện chữ cũng là đối tượng của pháp luật bản quyền.
Ngược lại, các nhân vật không được bảo hộ sẽ là những nhân vật chỉ mang những đặc điểm cơ bản mà bất kỳ nhà văn nào cũng sử dụng khi mô tả một kiểu nhân vật nhất định.
Trong một phán quyết của mình, vị thẩm phán lừng danh của nước Mỹ về luật bản quyền Learned Hand đã đưa ra một kết luận rất súc tích về bảo hộ bản quyền đối với nhân vật truyện chữ “nhân vật càng sơ sài, đơn giản thì càng khó được bảo hộ”.
Soi chiếu dưới pháp luật Hoa Kỳ, liệu các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo" và "Cả Mẹo" có được bảo vệ quyền tác giả không nếu chỉ được mô tả bằng ngôn từ? Trạng Tí là một cậu bé nhà nghèo nhưng thông minh, hiếu thảo và hay giúp đỡ mọi người. Sửu Ẹo là một cô bé dịu dàng, lanh lợi và tốt bụng. Dần Béo ham ăn, chậm chạp, khờ khạo nhưng cũng rất hiểu chuyện. Cả Mẹo là công tử nhà giàu, tuy có phần khinh khỉnh nhưng cũng rất hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Với những đặc điểm tính cách như trên, nếu không được mô tả hình họa, các nhân vật này không thực sự đặc sắc để được bảo hộ quyền tác giả.
Trong nền văn học Việt Nam, một nhân vật khác dù không được thể hiện dưới dạng hình họa nhưng cũng có thể đứng độc lập so với tác phẩm gốc và được bảo hộ bản quyền - nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo dưới ngòi bút của Nam Cao với những đặc điểm như “đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm, ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy”, rồi hành động “vừa đi vừa chửi” và cào mặt ăn vạ trước cửa nhà Bá Kiến, tất cả tạo nên một Chí Phèo “nổi tiếng” đến mức “Chí Phèo” trở thành tính từ miêu tả những người có tính cách như nhân vật Chí Phèo.
Như vậy, các nhân vật như Vương Thúy Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du), Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), Lão Hạc (Lão Hạc - Nam Cao) liệu có đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả hay không? Tất cả chỉ là quan điểm cho đến khi pháp luật Việt Nam chính thức thừa nhận bảo hộ quyền tác giả đối với các nhân vật truyện chữ thông qua hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán hoặc án lệ./.
Bích Ngọc (Vietnam+)