Đôi điều về “rừng vàng”
Rừng là tài nguyên sinh vật và là nguồn sống chính của loài người, nền tảng của mọi nền văn minh trong lịch sử phát triển của nhân loại. Trên thực tế, rừng đã có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng những hiểu biết về rừng chỉ mới thực sự có được từ đầu thế kỷ thứ XIX. Rừng là dạng đặc trưng và tiêu biểu nhất của tất cả các hệ sinh thái trên cạn, đồng thời cũng là đối tượng tác động sớm nhất và mạnh nhất của con người. Việc hình thành các kiểu rừng có liên quan chặt chẽ giữa sự hình thành các thảm thực vật tự nhiên với vùng địa lý và điều kiện khí hậu. Trong mỗi kiểu rừng được hình thành thì khí hậu, đất đai và độ ẩm sẽ xác định thành phần cấu trúc và tiềm năng phát triển của thảm thực vật rừng.
Theo báo cáo gần đây nhất của một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc chuyên trách về quan trắc đất rừng, thì các kiểu thảm thực vật rừng quan trọng trên thế giới là: Rừng lá kim (rừng Tai-ga), vùng ôn đới có thành phần khá đồng nhất, phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Bắc Trung Quốc và một số vùng núi cao nhiệt đới. Kiểu rừng này có năng suất thấp hơn vùng nhiệt đới. Rừng rụng lá ôn đới, phân bố ở vùng thấp hơn và gần vùng nhiệt đới hơn, chủ yếu ở Đông Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, một phần Trung Quốc, Nhật Bản. Rừng mưa nhiệt đới, có độ đa dạng sinh học cao nhất. Phân bố chủ yếu ở vùng xích đạo thuộc lưu vực sông A-ma-zon (Nam Mỹ), sông Con-go (Châu Phi), Ấn Độ, Ma-lay-si-a. Rừng được chia thành 3 loại chính như: Rừng phòng hộ được sử dụng cho mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. Rừng phòng hộ lại được chia thành 3 loại là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chống cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng ven biển. Rừng đặc dụng, được sử dụng cho các mục đích đặc biệt như bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động thực vật rừng, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, cho nghỉ ngơi du lịch. Rừng đặc dụng, bao gồm các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu văn hóa - lịch sử và môi trường. Rừng sản xuất, bao gồm các loại rừng sử dụng để sản xuất kinh doanh gỗ, lâm đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp bảo vệ môi trường.
Trong thời gian 30 năm (1960 – 1990) độ che phủ rừng trên toàn thế giới đã giảm đi gần 13%, với tốc độ giảm trung bình 160.000 km2/năm. Sự mất rừng lớn nhất xảy ra ở các vùng nhiệt đới, ở A-ma-zon (Bra-xin) trung bình mỗi năm rừng bị thu hẹp 19.000 km2 trong suốt hơn 20 năm qua. Bốn loại rừng bị hủy diệt khá lớn là rừng hỗn hợp và rừng ôn đới lá rộng 60%, rừng lá kim khoảng 30%, rừng ẩm nhiệt đới khoảng 45% và rừng khô nhiệt đới lên đến khoảng 70%. Châu Á là nơi mất rừng nguyên sinh lớn nhất, khoảng 70%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làm mất rừng trên thế giới, như: mở rộng diện tích đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực; chặt phá rừng cho nhu cầu lấy củi đốt; chăn thả trâu bò và các gia súc; khai thác gỗ và các tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác cũng làm tăng quá trình phá rừng trên thế giới. Đó là các chính sách quản lý rừng, chính sách đất đai, chính sách di cư, định cư và các chính sách kinh tế , xã hội. Các dự án phát triển kinh tế, xã hội như xây dựng đường giao thông, các công trình thủy điện, các khu dân cư, khu công nghiệp đã làm gia tăng đáng kể tốc độ mất rừng ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, tốc độ mất rừng đang diễn ra chậm hơn nhờ trồng mới và sự phát triển tự nhiên của những cánh rừng hiện có. Rừng đã che phủ gần 4 tỷ ha, khoảng 30% diện tích trái đất. Tuy nhiên, trên thế giới, rừng vẫn đang bị tàn phá rất nặng nề.
Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
Rừng nguyên sinh nước ta với đa dạng sinh học được các nhà nghiên cứu thực vật xếp vào loại giàu nhất nhì trên thế giới. Có người đã nói ở nước ta “đi vào rừng là đạp lên cây thuốc". Đó là một nhận định có phần phóng đại, nhưng cũng chứng tỏ rằng các tài nguyên lâm sản, các chủng loại gỗ quý của rừng nước ta rất phong phú và đa dạng. Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước, năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29% diện tích tự nhiên), và đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (19,7%). Do đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam và địa hình với nhiều cao độ khác nhau so với mực nước biển nên rừng phân bố trên khắp các dạng địa hình, với nét độc đáo của vùng nhiệt đới và rất đa dạng: có nhiều rừng xanh quanh năm, rừng già nguyên thủy, rừng cây lá rộng, rừng cây lá kim, rừng thứ cấp, truông cây bụi và đặc biệt là rừng ngập mặn...
Rừng nước ta là trung tâm thu nhập các luồng thực vật và động vật từ phía bắc xuống, phía tây qua, phía nam lên và từ đây phân bố đến các nơi khác trong vùng. Ðồng thời, nước ta có độ cao ngang từ mực nước biển đến trên 3.000 m nên có nhiều loại rừng với nhiều loại thực vật và động vật quý hiếm, độc đáo mà các nước ôn đới không có. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, có khoảng 12.000 loài thực vật, nhưng chỉ có khoảng 10.500 loài đã được mô tả, trong đó có khoảng 10% là loài đặc hữu; 800 loài rêu; 600 loài nấm... Khoảng 2.300 loài cây có mạch đã được dùng làm lương thực, thực phẩm, làm thức ăn cho gia súc. Cây lấy gỗ có 41 loài cho gỗ quí (nhóm 1), 20 loài cho gỗ bền chắc (nhóm 2), 24 loài cho gỗ đồ mộc và xây dựng (nhóm 3), loại rừng cho gỗ này chiếm khoảng 6 triệu ha. Ngoài ra, rừng nước ta còn có loại rừng tre, trúc chiếm khoảng 1,5 triệu ha, gồm khoảng 25 loài đã được gây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài những cây làm lương thực, thực phẩm và những cây lấy gỗ, rừng nước ta còn có những cây được sử dụng làm dược liệu với khoảng 1500 loài, trong đó có khoảng 75% là cây hoang dại. Những cây có chứa hóa chất quý hiếm như cây Tô hạp, có nhựa thơm ở vùng núi Tây Bắc và Trung Bộ; cây Gió bầu sinh ra trầm hương, phân bố từ Nghệ Tĩnh đến Thuận Hải; cây Dầu rái cho gỗ và dầu nhựa.
Động vật cũng rất đa dạng, ngoài các loài động vật đặc hữu, nước ta còn có những loài mang tính chất tổng hợp của khu hệ động vật miền Nam Trung Hoa, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện. Hiện tại, đã thống kê được khoảng 774 loài chim, 273 loài thú, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 475 loài cá nước ngọt và 1.650 loài cá ở rừng ngập mặn và cá biển; chúng phân bố trên những sinh cảnh khác nhau, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa khoa học. Nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ của thế giới.
Đáng lo ngại là, trung bình mỗi năm rừng nước ta bị thu hẹp từ 160 - 200 ngàn ha. Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút nghiêm trọng về diện tích là do khai hoang trong chiến tranh, do tập quán sống du canh du cư của người dân tộc ở vùng cao, do cháy rừng, khai phá rừng bừa bãi lấy gỗ, lấy đất canh tác. Nguồn tài nguyên động vật đa dạng của rừng nước ta cũng bị giảm sút nghiêm trọng là do sự săn bắt thú bừa bãi để lấy da, lông, thịt, sừng và các sản phẩm khác để làm thuốc. Trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Những năm gần đây, do lợi ích trước mắt của nguồn lợi thủy hải sản, dẫn đến sự tàn phá các rừng ngập mặn để lấy chất đốt và làm ao hồ nuôi các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế; điều này xảy ra nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và một số các tỉnh ven biển và hậu quả của nó là phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái rừng ngập mặn, làm mất đi nơi sinh sản của một số loài tôm cá nước ngọt và biển, đồng thời gây nên hiện tượng xói mòn bờ biển do sóng và gió.
Độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng của rừng ở các vùng còn rừng đã bị hạ thấp quá mức. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên thủy. ở nhiều tỉnh miền núi, độ che phủ của rừng tự nhiên, nhất là rừng già còn lại rất thấp. Ví dụ, ở Lai Châu chỉ còn 7,88%, Sơn La là 11,95% và Lào Cai là 5,38%. ở Tây Nguyên trung bình mỗi năm diện tích rừng tự nhiên mất 10 ngàn ha. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững. Cho dù các công trình trồng rừng đang đạt được những kết quả khả quan, nhưng cũng chưa thể bù đắp ngay được mức phá rừng hiện tại và cũng khó thực hiện được mục tiêu đề ra là đến năm 2020 đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%, kể cả diện tích cây công nghiệp lâu năm.
Vùng rừng núi, nơi tập trung hơn 3/4 quỹ đất, suy thoái môi trường đất do phương thức canh tác nương rẫy còn thô sơ lạc hậu của đồng bào các dân tộc; tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi. Suy thoái môi trường đất kéo theo sự suy thoái các quần thể động thực vật và chiều hướng giảm diện tích đất rừng đến mức báo động. Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nước ta có những lợi thế quan trọng về tài nguyên rừng. Nếu biết bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên này thì chúng sẽ có lợi thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế hiện nay và tương lai lâu dài.
Thực tế đó cho thấy, việc bảo vệ và khôi phục nguồn tài nguyên rừng để bảo đảm sự cân bằng sinh thái, đồng thời bảo tồn tính đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài, nhất là các loài quý hiếm của rừng nước ta là một việc làm hết sức cấp bách.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện mục tiêu đó, trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ được duy trì ở mức cao hơn. Sự tăng trưởng cao là rất cần thiết, nhưng đồng thời cũng kéo theo một khối lượng lớn tài nguyên rừng được khai thác phục vụ công nghiệp chế biến, sản xuất và tiêu dùng. Những thách thức về rừng càng khó giải quyết. Chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng như nạn phá rừng, sự khai thác quá mức tài nguyên sinh học, sự xuống cấp của tài nguyên đất. Do vậy, cần chú trọng trồng rừng, phục hồi rừng và đất; giữ gìn đa dạng sinh học; nghiêm cấm mọi hoạt động, khai thác rừng quá mức cho phép.
Chiến lược chung của Liên Hợp quốc về khôi phục và bảo vệ rừng hiện nay là, chú trọng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài, nhất là các loài quý hiếm. Liên Hợp quốc cũng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: sử dụng phương thức nông – lâm kết hợp và lâm – nông kết hợp; Đẩy mạnh công tác giáo dục cho mọi người dân về vai trò của rừng cũng như hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi; ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, nhất là rừng nhiệt đới; xây dựng và bảo vệ các khu rừng quốc gia.
Nước ta đang bảo vệ và phát triển da dạng sinh học ở 10 vườn quốc gia (khoảng 254.807 ha), 52 khu dự trữ (khoảng 1.401.658 ha), 18 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 22 khu bảo vệ cảnh quan và dự kiến có 16 khu bảo tồn biển Việt Nam. Các vườn quốc gia đã và đang được bảo vệ có hiệu quả như vườn Quốc gia Ba Vì (7.337 ha), Ba Bể (23.340 ha), Bạch Mã (22.030 ha), Bến En (16.634 ha), Cúc Phương (22.200 ha), Cát Bà (15.200 ha), Côn Đảo (15.043 ha), Nam Cát tiên (37.900 ha), Tam Đảo (36.883 ha), Yokdon (58.200 ha). Các nhà khoa học nước ta đưa ra giải pháp cải tạo các hệ sinh thái nhạy cảm, kém bền vững thành các hệ sinh thái bền vững hơn, giảm mức độ suy thoái môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân - đó là, xây dựng các Làng sinh thái, một mô hình vừa phát triển kinh tế vừa bền vững sinh thái dựa trên sự hiểu biết các quy luật vận động của các hệ sinh thái, những kiến thức cổ truyền của từng dân tộc về trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp với những kiến thức khoa học hiện đại.
Thành công trong việc xây dựng Làng sinh thái khởi đầu bằng cải thiện môi trường vùng đất trống, đồi núi trọc. Môi trường được cải thiện dần thì đa dạng sinh học rừng sẽ tăng lên. Sự song hành môi trường và đa dạng sinh học vùng rừng núi là quy luật chặt chẽ, nghiêm khắc mà chúng ta biết vận dụng sẽ tạo ra cuộc sống tốt đẹp, vi phạm sẽ hứng chịu sự tàn phá của thiên nhiên, của đói nghèo và bất an.
Điều quan trọng là, phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về rừng và phát triển, trồng mới rừng cho mọi người. Tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi chặt phá rừng bừa bãi đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm, đúng mức mọi vi phạm. Bảo vệ rừng phải được coi là mục tiêu, nội dung cơ bản của phát triển bền vững và phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương có rừng. Thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học. Phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta./.
TS. Chu Thái Thành, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường/TCCS