Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 10/2/2017 15:52'(GMT+7)

Bảo vệ tài nguyên du lịch và trách nhiệm của du khách

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dịp Tết vừa qua, lượng du khách tới thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cao kỷ lục. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho thấy, từ ngày 26/1 đến 1/2 (tức từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 Tết), khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt ước đạt 265.000 lượt. Lượng du khách quá lớn đã gây ra nhiều hệ lụy mà nghiêm trọng nhất là tình trạng rác thải. Khắp nơi trong thành phố, từ các công viên, chợ, quảng trường tới các khu, điểm du lịch... ở đâu cũng tràn ngập rác thải, nhiều nhất là các loại túi ni-lông, vỏ chai bia, rượu, thuốc lá, thức ăn thừa…

Lượng rác thải lớn khiến các công nhân vệ sinh vô cùng vất vả. Hình ảnh Đà Lạt ngập rác trong những ngày Tết được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây bức xúc cho nhiều người yêu mến Đà Lạt, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu Đà Lạt.

Xả rác, phóng uế, đốt vàng mã, ném tiền lẻ bừa bãi; tự ý vẽ, bôi bẩn lên các công trình, di tích văn hóa, lịch sử; dẫm đạp lên tượng, lên cỏ; bẻ hoa và cây xanh... là những hành vi phản văn hóa. Năm nào đến mùa lễ hội, du lịch cao điểm, những hành vi kém văn minh này cũng xảy ra khắp nơi. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, xuống cấp của các di tích, khu, điểm du lịch; ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của ngành.

Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; bố trí lực lượng hướng dẫn, nhắc nhở du khách; tăng cường hệ thống biển báo, thùng rác, nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, nhiều địa phương cũng đã có nhiều giải pháp sáng tạo và quyết liệt. Thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp xả rác ra bãi biển, các khu nhà tắm nước ngọt và bãi tắm công cộng trên địa bàn, với mức tiền phạt từ 50.000 đến 500.000 đồng/người/lần. Tỉnh Ninh Thuận ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, trong đó có nội dung yêu cầu du khách khi tới địa phương du lịch phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường; không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi; đi vệ sinh đúng nơi quy định; không hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên cỏ, chọc phá thú nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng; không viết, vẽ, khắc lên tường, tượng, cây xanh. Tỉnh Lâm Đồng kêu gọi du khách khi tới địa phương tham quan “không để lại gì ngoài những dấu chân” và tổ chức tour du lịch vì môi trường “Trồng cây lưu dấu, góp xanh đại ngàn”. Những biện pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý những hành vi thiếu ý thức của du khách vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ngành du lịch của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, nhu cầu du lịch của người dân ngày càng lớn. Tại diễn đàn bộ trưởng các nước ACMECS được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cuối năm 2016, đại diện các quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua tuyên bố về “Du lịch có trách nhiệm” với nội dung then chốt chính là du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho du khách chính là góp phần bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam văn minh, bảo đảm cho ngành du lịch Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.../.

Vũ Đình Đông (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất