Ngày 30/7, Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami cho biết cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến của nước này diễn ra suôn sẻ và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đông đảo, ngoại trừ một số sự cố riêng lẻ buộc lực lượng an ninh phải can thiệp.
Theo Tân Hoa Xã, trả lời báo giới sau khi bỏ phiếu tại bang miền Trung Aragua, ông El Aissami gọi cuộc bầu cử trên là “một bước ngoặt đối với Venezuela” hướng tới một xã hội công bằng và bình đẳng.
Theo Phó Tổng thống, từ rạng sáng cùng ngày, nhiều người dân Venezuela đã đổ đến các điểm bỏ phiếu để bầu Quốc hội lập hiến.
Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra bầu cử, một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khiến ít nhất 5 người thiệt mạng tại các bang Đông Bắc Sucre, bang miền Trung Lara và bang miền Tây Tachira.
Trong khi đó, thủ lĩnh lực lượng đối lập Venezuela Leopoldo Lppez, người đang bị quản thúc tại gia, kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận kết quả cuộc bầu cử thành viên Quốc hội lập hiến diễn ra theo đề xuất của Tổng thống Nicolas Maduro.
Các nước Mỹ, Colombia, Canada, Panama, Brazil và Peru cũng đã tuyên bố không thừa nhân kết quả bầu cử Quốc hội lập hiến của Venezuela, cơ quan sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban hiến pháp Elias Jaua tuyên bố không cần sự thừa nhận cơ quan Quốc hội lập hiến của các nước khác vì đây là ý nguyện và quyền tự quyết của người dân Venezuela.
Ông khẳng định tính hợp hiến của cuộc bầu cử và yêu cầu các Tổng thống Mỹ Donald Trump và Colombia Juan Manuel Santos tôn trọng quyết định của Venezuela.
Trước đó, người dân Venezuela đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến mà Tổng thống Nicolas Maduro cam kết sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.
Hơn 6.200 ứng cử viên đã đăng ký tham gia tranh cử vào cơ quan Quốc hội lập hiến gồm 545 ghế, trong đó có 364 người sẽ đại diện cho các địa phương và 181 người sẽ đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề.
Sau khi thành lập, Quốc hội lập hiến sẽ có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 theo đề xuất của Tổng thống Maduro.
Phản ứng về cuộc bầu cử nói trên, giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành sản xuất dầu mỏ chủ chốt của Venezuela.
Các lệnh trừng phạt trên, khả năng sẽ được thông báo sớm nhất vào ngày 31/7, theo đó sẽ cấm Venezuela xuất khẩu dầu ngọt nhẹ sang Mỹ.
Quan chức trên cho biết thêm khả năng Mỹ cũng sẽ trừng phạt thêm một số quan chức cấp cao Venezuela.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Bolivia Evo Morales cùng ngày 30/7 đã lên tiếng bác bỏ việc Mỹ đe dọa và áp dụng các biện pháp trừng phạt các quan chức Venezuela, đồng thời cảnh báo Nhà Trắng có kế hoạch can thiệp vào tình hình nước Nam Mỹ này.
Theo ông Morales, Chính phủ Mỹ và Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đang tìm mọi cớ để có thể can thiệp vào Venezuela hòng chiếm nguồn tài nguyên dầu khí.
Tổng thống Morales khẳng định tin tưởng người dân Venezuela và Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sẽ đứng lên chống lại mọi hành động can thiệp của Mỹ có thể dẫn tới xung đột vũ trang./.
Theo TTXVN