5 năm sau lần đối mặt đầu tiên, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã gặp lại nhau tối 20/4 trong một cuộc tranh luận mới giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp.
Cuộc tranh luận được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình
quốc gia và tư nhân Pháp. Đây là sự kiện được mong đợi nhất trong các
chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở nước này.
Trong gần 3 giờ đồng hồ tranh luận được phát sóng trực tiếp trên
kênh truyền hình Nhà nước France 2, đài tư nhân TF1..., hai ứng cử viên
cho vị trí tổng thống đã có những trao đổi sôi nổi về nội dung, chỉn chu
về hình thức.
Khác với lần đối thoại tranh cử năm 2017, bà Le Pen bước vào cuộc đấu lượt về lần này với một sự kiềm chế và điềm tĩnh hơn.
Ngay cả ứng cử viên - Tổng thống đương nhiệm Macron cũng thể hiện
phong thái tự tin và làm chủ tình huống hơn nhờ những kinh nghiệm mà ông
đúc kết được trong quá trình 5 năm lãnh đạo nước Pháp.
Tuy quan điểm có nhiều mâu thuẫn nhưng cả hai đều tỏ ra tôn trọng đối
thủ. Buổi tranh luận diễn ra "quyết liệt" nhưng "có kỷ luật hơn" so với
5 năm trước, theo sự nhìn nhận của Tổng thống Macron với sự tán thành
của đối thủ Le Pen.
8 chủ đề đã được đưa ra để đối thoại gồm sức mua, chính sách quốc
tế, mô hình xã hội Pháp - đặc biệt là chế độ hưu trí, môi trường, khí
hậu, năng lượng..., khả năng cạnh tranh, thanh niên (giáo dục, đào tạo),
an ninh và nhập cư và cuối cùng là thể chế.
Bà Le Pen là người đầu tiên phát biểu và ông Macron được ưu tiên trong phần kết luận, theo kết quả bốc thăm.
Với rất nhiều số liệu và lập luận, hai ứng cử viên đã đưa ra những
quan điểm của mình để chỉ trích đối phương hoặc phản đối một cách có hệ
thống các dự án rất khác nhau của họ trên nhiều chủ đề.
Nếu Tổng thống sắp mãn nhiệm Macron bảo vệ các kế hoạch của ông về
chủ quyền và sự độc lập của nước Pháp, cải thiện giáo dục và y tế, tạo
thêm nhiều việc làm và làm việc nhiều hơn, thì ứng cử viên cực hữu Le Pen lại hứa hẹn sẽ kiên quyết với nạn nhập cư, chống lại chủ nghĩa Hồi giáo
cực đoan và nâng cao sức mua, với mục đích "trả lại tiền” và “đất nước”
cho người Pháp.
Nếu như bà Le Pen chỉ trích hồ sơ kinh tế của Tổng thống Macron, mà
bà gọi là "tồi tệ" và "không công bằng", thì ông Macron lại nhằm vào
chính sách đối ngoại của đối thủ.
Đặc biệt hai ứng cử viên chủ nhân tiếp theo của Điện Elysée cùng
quan tâm vấn đề sức mua, một chủ đề mà các bài phát biểu của họ trở
thành đối lập, đặc biệt là về lạm phát và tiền lương.
Phát biểu trong cuộc tranh luận, rút ra từ kinh nghiệm lãnh đạo đất
nước, Tổng thống Macron đã ngay lập tức hướng sự chú ý tới các vấn đề
của cuộc tranh luận vì tương lai của nước Pháp.
Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đã cùng nhau trải qua một giai đoạn
khó khăn, những cuộc khủng hoảng chưa từng có, một đại dịch và ngày nay
là sự trở lại của chiến tranh trên đất châu Âu. Tôi đã cố gắng đưa ra
những quyết định đúng đắn để đất nước vượt qua giai đoạn này và tôi muốn
tiếp tục làm điều đó vì tôi tin rằng chúng ta có thể làm cho đất nước
ta độc lập hơn và mạnh mẽ hơn. Nước Pháp của chúng ta sẽ mạnh hơn nếu
biết giải quyết vấn đề sinh thái, châu Âu cũng nhờ đó sẽ mạnh hơn".
Về phần mình, ứng cử viên Le Pen khẳng định: "Tài sản lớn nhất của
nước Pháp là con người. Trong 5 năm, tôi đã thấy nước này đau khổ và lo
lắng về sự tụt hạng, về tương lai và sự hoài nghi. Nếu có thể được lựa
chọn, tôi sẽ là tổng thống của cuộc sống thường nhật, của giá trị của
công việc, sức mua, trường học, chìa khóa của tri thức, sức khỏe ở mọi
nơi và cho mọi người, của nền cộng hòa và tiến bộ xã hội".
Cuộc tranh luận đã được hai ứng cử viên tận dụng đến phút cuối để
bảo vệ các quan điểm của mình và xây dựng hình ảnh trong mắt khán giả
truyền hình, đồng thời cũng là để thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự
hoặc có thể vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu vòng 2, dự kiến diễn ra ngày
24/4 tới.
Dư luận đánh giá cao chất lượng cuộc tranh luận lần này. Theo nhận
xét của Guillaume Tabard, phóng viên nhật báo Le Figaro, "5 năm trước,
họ đã quá ám ảnh về cuộc ganh đua 'một mất một còn'. Trong cuộc tranh
luận tay đôi trực tiếp lần này, Tổng thống Macron và bà Le Pen đã quan
tâm nhiều hơn đến việc làm cho cử tri Pháp hiểu mình hơn. Điều này góp
phần nâng cao chất lượng chiến dịch vận động cử tri của họ, thay vì phá
hoại chiến dịch như năm 2017".
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng ứng cử viên Le Pen đã
lại một lần nữa để đối thủ chi phối, đặc biệt trong các vấn đề về kinh
tế (lương thưởng, năng lượng…)
Sau 5 năm, bà Le Pen tuyên bố đã rút ra những bài học sâu sắc của
năm 2017 để có thể gặp lại đối thủ Macron trong cuộc tranh luận mới. Tuy
nhiên, câu chuyện hiện nay sẽ khác rất nhiều.
Ông Arnaud Mercier, Giáo sư chuyên ngành truyền thông chính trị tại
trường Đại học Paris Panthéon-Assas, nhận định: “Trong bối cảnh hiện
nay, chiến thắng trong cuộc tranh luận có thể mở đường cho một thắng lợi
trong bầu cử”.
Các cuộc thăm dò khán giả truyền hình ngay sau khi chương trình
tranh luận kết thúc, do các kênh truyền hình và cơ quan điều tra dư luận
(Elabe/BFMTV/L'Express/SFR) thực hiện, cho thấy ông Macron vẫn đang tạm
dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ là 59% trong số những người được hỏi, so với
tỷ lệ 39% ủng hộ bà Le Pen.
Còn theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận 4 ngày trước thời điểm bầu
cử vòng 2, Tổng thống sắp mãn nhiệm luôn dẫn trước với 53% đến 56% số
người ủng hộ, trong khi tỷ lệ này của bà Le Pen là 43,5% - 46%.
Tuy vẫn có khoảng cách, nhưng đã hẹp hơn nhiều so với cuộc bầu cử
tổng thống năm 2017 khi ông Macron giành chiến thắng với 66% số phiếu
bầu, so với 34% dành cho bà Le Pen.
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã trở thành truyền thống kể từ năm 1974. Đây là đỉnh điểm của chiến
dịch tranh cử, thường có ảnh hưởng quan trọng đối với kết quả của cuộc
bỏ phiếu và để lại những dấu ấn khó quên trong ký ức chính trị Pháp.
Cuộc tranh luận truyền hình không mang tính quyết định ai sẽ được lựa
chọn vào vị trí tổng thống, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy năng lực của
các ứng cử viên và tác động phần nào sự lựa chọn của các cử tri còn
đang do dự và thúc đẩy nhiều cử tri đi đến hòm phiếu hơn.
Cuộc tranh luận lần này còn cho thấy hai ứng cử viên với hai dự án xã hội, hai nhân cách, hai nước Pháp…/.
Nguyễn Thu Hà (TTXVN)