(TG)-Bảy bác sỹ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I chính thức được Bộ y tế bàn giao công tác tại 4 tỉnh miền núi là Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn và Điện Biên.
Đây là nhóm đầu tiên trong tổng số 78 bác sỹ đang được đào tạo theo dự
án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn."
Những bác sỹ đầu tiên của dự án, gồm 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán
hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Trước
đó, những bác sỹ này tôt nghiệp Đại học y loại khá, giỏi và được đào tạo
thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu
ngành tuyến trung ương.
Đó là các bác sỹ: Nguyễn Chiến Quyết được bàn giao về Bệnh viện đa khoa
huyện Bắc Hà (Lào Cai); bác sỹ Cao Thị Hồng Yến và Trần Thị Loan về Bệnh
viện Đa Khoa huyện Mường Khương (Lào Cai); bác sỹ Phùng Đức Sơn về Bệnh
viện Đa Khoa huyện Sốp Cộp (Sơn La); bác sỹ Phùng Văn Tuấn về Bệnh viện
Đa Khoa huyện Ba Bể (Bắc Kạn); bác sỹ Đỗ Phương về Bệnh viện đa khoa
huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn); bác sỹ Nguyễn Văn Hiếu về Bệnh viện đa khoa
huyện Mường Nhé (Điện Biên).
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao sáng 28/6 được tổ chức tại huyện Bắc Hà
(Lào Cai), bác sỹ trẻ Nguyễn Chiến Quyết bày tỏ sự vinh dự khi là một
trong 7 bác sỹ trẻ đầu tiên được tiếp nhận đào tạo và tình nguyện lên
công tác tại vùng cao lần này.
"Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện thiếu 10 đến 20 bác sỹ chuyên khoa,
việc có bác sĩ đảm nhiệm cả những chuyên khoa không phải là của mình
làm tôi rất khâm phục. Tôi xin hứa, với những gì đã được các thầy cô
truyền dạy, chúng tôi sẽ phát huy tối đa năng lực của mình để chăm sóc
sức khỏe tốt hơn nữa cho người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng
xa," bác sỹ Quyết nhấn mạnh.
Hiện nay, người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải
đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận
các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn một số bất cập. Một
trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế nhất là đội ngũ
bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.
Dự án đưa bác sỹ trẻ về vùng khó khăn được Bộ Y tế triển khai thực hiện
từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế
chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ
trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.
Hiện tại dự án đang đào tạo chuyên khoa I cho 78 bác sỹ thuộc 10 chuyên
ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi
sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền) trong thời gian
24 tháng.
Sau đó, các bác sỹ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm
(đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời
hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế,
nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại
các vùng khó khăn.
Trong hai ngày 27-28/6, tại huyện Bắc Hà, Lào Cai, 70 bác sỹ trẻ của
Trường Đại học Y Hà Nội đã khám sức khỏe tình nguyện cho 400 hộ gia đình
chính sách, người nghèo, người già, trẻ em và phát thuốc, tặng quà cho
bà con nơi đây. /.
Duy Phong