Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 3/8/2010 7:51'(GMT+7)

Bế mạc “Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”

Chương trình Đại lễ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp

Chương trình Đại lễ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp

Tham dự lễ bế mạc có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ Phật giáo. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, các ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao và các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, …thuộc Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội và đông đảo các tăng, ni, Phật tử đến từ khắp nơi trên cả nước.

Đánh giá về công tác tổ chức Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ", Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ khẳng định: Đây là hoạt động lễ nghi tâm linh văn hóa truyền thống có quy mô, thời gian, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội. Những hoạt động có ý nghĩa diễn ra trong suốt Đại lễ đã có sức thu hút to lớn, để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với các tăng ni, Phật tử không chỉ của Việt Nam mà còn của bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Cầu truyền hình quốc tế Hà Nội - Viêng Chăn - Pari - UNESCO, với chủ đề “Hòa điệu văn hóa-Khát vọng hòa bình” diễn ra tại chùa Trấn Quốc và Đêm hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long” tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tối 31/7, để lại ấn tượng đẹp về sự kết tinh trí tuệ Phật pháp và nghệ thuật của cuộc sống, để ánh sáng từ bi và trí tuệ thăng hoa trong dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và hướng về tương lai tốt đẹp.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn vui mừng thông báo sự kiện khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Ủy Ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là một di sản văn hoá của thế giới vào thời điểm gần như ngay sau khi chúng ta thực hiện thành công Cầu truyền hình quốc tế “Hà Nội-Viêng Chăn-Paris/UNESCO: Hoà điệu văn hoá – Khát vọng hoà bình” tại khu vực chùa Trấn Quốc - một trong những linh địa bậc nhất của Hà Nội. Theo ông, thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa của Đại lễ Phật giáo chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chương trình "Kiều bào với Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ", “nhân dân ta dù ở trong và ngoài nước tri ân các thế hệ đi trước đã có công gây dựng và bảo vệ Thủ đô Thăng Long - Hà Nội qua các thời đại, tưởng nhớ và ghi công các anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất đã làm rạng rỡ hơn đất nước ta, dân tộc ta; bạn bè quốc tế cùng nghiêng mình trước những tấm gương oanh liệt của những người con của dân tộc Việt Nam”. Thông qua Chương trình, “đồng bào trong nước và ở nước ngoài cùng bạn bè quốc tế bày tỏ tình cảm đối với thủ đô của Việt Nam, tôn vinh Thăng Long-Hà Nội, các giá trị cao cả của dân tộc Việt Nam và tôn vinh Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh. Nhân dịp này, ông cũng bày tỏ mong muốn “bạn bè quốc tế có mặt hôm nay sẽ hiểu rõ hơn tấm lòng Việt Nam, nhân nghĩa Việt Nam và mong muốn chân thành của Việt Nam làm bạn với các nước để xây dựng một thế giới ấm no hơn, hạnh phúc hơn, giàu lòng nhân ái hơn và luôn được hưởng hoà bình”.

Đại lễ Phật giáo chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chương trình "Kiều bào với Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ" kết thúc với việc làm đặc biệt có ý nghĩa khi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng đại diện các vị Hòa thượng, Thượng tọa của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành trao các bài vị của chân linh tử trận trong chiến tranh Việt Nam đến Đại sứ các nước Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, New Zealand, Australia và Thái Lan.

Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra trong các ngày từ 27/7 – 02/8 với rất nhiều hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa như: Rước Long vị vua Lý Thái Tổ và Quốc sư Vạn Hạnh về Hoành thành Thăng Long; Rước Xá lợi Phật; Đại lễ cầu quốc thái dân an; Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước qua các triều đại; Triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo; Hội thảo Phật giáo với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; Lễ hội hoa đăng và giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn Thăng Long” cùng nhiều buổi thuyết pháp về cầu quốc thái dân an…./.

  • Quý Trọng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất