Sau khi hoàn thành chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều
21/6, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, được truyền hình trực tiếp tại hội trường.
Trong buổi làm việc cuối kỳ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc kéo dài
thời hạn đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ
gia đình, cá nhân; Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu
tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012;” Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất
vấn.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban
kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý
kiến của các vị đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn
đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình,
cá nhân. Với 474 đại biểu tán thành (chiếm 95,18% tổng số Đại biểu Quốc hội),
Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết này.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của
Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các
vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thi hành
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu
Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.” Tiến hành bỏ phiếu,
với 478 đại biểu tán thành (95,98%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết
này.
Theo nội dung Nghị quyết, để thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Quốc hội yêu
cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất
đai; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, ban hành Luật Đầu
tư công gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội cũng yêu cầu Chính
phủ rà soát, đánh giá báo cáo Quốc hội các dự án, công trình đang được đầu tư từ
nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng còn thiếu vốn. Trước
mắt sử dụng nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 cho một
số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn, ưu tiên một số dự án quan
trọng, cấp bách. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ nguồn dự phòng vốn trái
phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét,
quyết định. Việc phát hành thêm vốn trái phiếu chính phủ cho một số công trình
quan trọng, cấp bách, Chính phủ xem xét thận trọng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ
mô, an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia trình Quốc hội quyết
định.
Quốc hội cũng giao cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa
phương rà soát quy hoạch, bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với khả năng thực hiện;
sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ chế phân cấp; chấn chỉnh công tác lập, thẩm định,
phê duyệt và quyết định đầu tư, đấu thầu, quyết toán công trình bảo đảm tiết
kiệm, hiệu quả….
Tiếp đó, Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ
Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh
Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội
và dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội
khóa XIII. Với 472 đại biểu tán thành (94,78%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết
về chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân
chủ và trách nhiệm cao trước nhân dân, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam đã hoàn thành Chương trình Kỳ họp thứ 5.
Quốc hội hoan nghênh
quyết tâm của Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn
dân, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều mặt
chưa thuận, đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Quốc
hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong những tháng cuối
năm tập trung triển khai thực hiện có kết quả Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh
tế; tạo cho được bước chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước tháo gỡ khó
khăn, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh phát triển; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô ổn
định hơn, nợ xấu, hàng tồn kho giảm, tạo thêm nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã
hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ...; phấn đấu hoàn thành tốt
nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm
2013, mở ra triển vọng thực hiện tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5
năm 2011-2015.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và trân
trọng cảm ơn đồng bào ở trong nước và đồng bào ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng
ứng và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan,
trung thực ý kiến của nhân dân; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ
thể các ý kiến này; chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc
hội.
Tại kỳ họp này, bằng trí tuệ và tâm huyết của mình và trên cơ sở ý
kiến của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn với
tinh thần trách nhiệm cao các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhất là
các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến bản chất của Nhà nước và hệ thống
chính trị nước ta, đến quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người và quyền gắn
liền với nghĩa vụ của công dân. Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến
của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân đến
ngày 30/9/2013 để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét,
thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại kỳ họp này,
lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín
nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy
phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng
nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và
hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm
được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và đồng bào, cử tri
cả nước theo dõi, giám sát. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh
chân thực tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt
động tư pháp của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các Đại
biểu Quốc hội tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện Nghị quyết của
Quốc hội trong quá trình thi hành lấy phiếu tín nhiệm ở địa phương để bảo đảm
tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong
mỏi của nhân dân.
Như vậy, sau 27 ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã
hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của Kỳ họp đã đề ra. Kỳ họp thứ 5 với
việc xem xét, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh
vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã góp
phần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc kiềm chế lạm phát, ổn
định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và duy
trì tăng trưởng hợp lý, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo./.
Quang Vũ
(TTXVN)