Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 18/1/2009 21:15'(GMT+7)

Bể than lớn trong lòng đất đồng bằng sông Hồng

Chương trình phát triển bể than đồng bằng sông Hồng (ÐBSH) được Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam giao Công ty năng lượng Sông Hồng (SHE) nghiên cứu soạn thảo để cụ thể hóa các văn bản pháp lý. Mục tiêu phát triển của chương trình này là, phấn đấu đến năm 2010 thăm dò tỉ mỉ một phần tài nguyên của bể than ÐBSH: Ðến năm 2015 thăm dò đánh giá xong phần tài nguyên của bể than.

Theo các tài liệu địa chất hiện có, mật độ chứa than của bể than ÐBSH tương đối lớn. Cụ thể như sau: Miền võng Hà Nội với diện tích 2.500 km2, chứa 210 tỷ tấn. Riêng dải nâng Khoái Châu - Tiền Hải với diện tích 1.500 km2, chứa 100 tỷ tấn, bình quân 63 tấn/m2. Trong đó, diện tích có triển vọng là 1.200 km2, chứa 65-75 tỷ tấn, bình quân 62 tấn/m2. Các đề án thăm dò địa chất vùng than ÐBSH được triển khai trên một địa bàn tương đối thuận lợi. Tuy có tổng kinh phí khá lớn (khoảng gần 47 nghìn tỷ đồng) tương đương 2,8 tỷ USD, nhưng hiệu quả tương đối cao. Giá thành thăm dò (nếu chỉ tính 30 tỷ tấn) bình quân cho một tấn trữ lượng than khoảng 0,9 USD/tấn, chỉ bằng một nửa giá thành thăm dò than tại bể than Quảng Ninh và bằng một phần ba giá thành thăm dò than của thế giới.

Căn cứ vào các khối kiến tạo địa chất và điều kiện tự nhiên, toàn bộ bể than ÐBSH dự kiến được chia thành tám khoáng sàng than. Trong đó, tỉnh Hưng Yên có ba khoáng sàng, Thái Bình có bốn và Nam Ðịnh có một khoáng sàng. Các khoáng sàng nói trên sẽ được phân chia thành các ruộng mỏ để xây dựng các mỏ (độc lập về mặt kỹ thuật) có công suất từ 3 đến 10 triệu tấn/năm, có trữ lượng đủ lớn để thời gian hoạt động của mỗi mỏ ít nhất là 50 đến 100 năm.

Tiềm năng của bể than ÐBSH tương đối lớn, nhưng trong thời điểm hiện nay chỉ có thể dự tính trữ lượng có khả năng khai thác khoảng 65 tỷ tấn, phần lớn tập trung khoảng 1.200 km2. Trong đó, trữ lượng than dự kiến nêu trên được phân bố chủ yếu và tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm gần 90%), tỉnh Hưng Yên 8,5% và Nam Ðịnh chiếm 1,5%. Vì vậy, dự kiến trọng tâm phát triển bể than ÐBSH sẽ thuộc các khoáng sàng than trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, khoáng sàng Kiến Xương - Tiền Hải là lớn nhất và có triển vọng cao nhất, chiếm 35% trữ lượng bể than ÐBSH.

Ðịnh hướng phát triển của bể than ÐBSH là không áp dụng công nghệ khai thác lộ thiên, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác than đến môi trường kinh tế - xã hội trên địa bàn. Áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu, từ thăm dò địa chất đến khai thác chế biến than để bảo toàn các khu dân cư, các công trình công nghiệp trên mặt đất và không gây các hiệu ứng lún sụt lớn trên mặt đất, ảnh hưởng đất canh tác nông nghiệp. Các vỉa than có thể khai thác chủ yếu nằm ở độ sâu từ -450 m đến -1.700 m. Vì vậy, hai công nghệ chính được lựa chọn áp dụng cho việc phát triển bể than ÐBSH là khai thác hầm lò và khí hóa than. Bể than ÐBSH sẽ được phát triển trên cơ sở tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, nhất là kinh nghiệm và tiềm lực sẵn có của chủ đầu tư là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Công nghệ khí hóa than ngầm (UCG) hiện đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm phát triển và áp dụng khai thác các khoáng sàng than trong các điều kiện tương tự bể than ÐBSH, không thể khai thác bằng các công nghệ truyền thống như lộ thiên và hầm lò. Về mặt kỹ thuật, theo báo cáo của các chuyên gia EC, độ sâu tối ưu để áp dụng UCG là từ 600 m - 1.200 m. Sản phẩm của công nghệ UCG là khí tổng hợp có giá trị sử dụng cao hơn rất nhiều so với sản phẩm của các công nghệ khai thác than lộ thiên, hầm lò truyền thống chỉ là than nguyên khai. Khí tổng hợp thu được từ công nghệ UCG cho phép áp dụng các công nghệ phát điện hiện đại và tiên tiến với hiệu suất cao hơn rất nhiều (gần gấp hai lần so với công nghệ lò tầng sôi (CFB) và lò than phun (PC) của TKV hiện nay).

Vì vậy, công nghệ UCG có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển toàn bộ bể than ÐBSH. UCG là một công nghệ năng lượng sạch tiềm năng, được nhiều quốc gia đánh giá cao hơn so với điện nguyên tử, là một "kho chứa các-bon khổng lồ" của thế giới, là định hướng của nhiều nước trong vấn đề an ninh năng lượng. Theo tính chất và đặc tính kỹ thuật, than ÐBSH có thể sử dụng hiệu quả cho các nhu cầu như phát điện, sản xuất xi-măng, sản xuất phân bón hóa chất, luyện kim đen và luyện kim mầu, chất đốt sinh hoạt...

Theo quy hoạch của ngành điện và than, thì than ÐBSH sẽ được sử dụng chủ yếu cho nhu cầu phát điện. Vì vậy, công nghệ chế biến than ÐBSH chủ yếu theo hướng khí hóa, bao gồm khí hóa dưới lòng đất đối với công nghệ khai thác UCG và khí hóa trên mặt đất (sau khi khai thác, đối với công nghệ hầm lò). Theo đánh giá của các chuyên gia, than ÐBSH có đặc tính công nghệ và chất lượng rất phù hợp cho phát điện (than mềm, chất bốc cao, nhiệt năng cao; lưu huỳnh và độ ẩm thấp).

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, kết quả triển khai các đề án về thăm dò địa chất theo chiến lược nêu trên sẽ góp phần làm thay đổi cơ bản bức tranh toàn cảnh về cân bằng nhiên liệu năng lượng của nền kinh tế Việt Nam và mở ra một hướng phát triển mới cho ngành than - khoáng sản nước ta trong những năm tới.

Vũ Kiểm - báo ND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất