Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 16/11/2014 9:0'(GMT+7)

Bến Tre: Còn nhiều bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 Người nghèo chưa mặn mà

Từ năm 2010 đến năm 2014, toàn tỉnh Bến Tre đã tổ chức đào tạo nghề cho 25.657 người (đạt 48,27% so với chỉ tiêu đề ra), số lao động được đào tạo có việc làm là 16.898 người (chiếm tỷ lệ 65,8%). Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, đối tượng học nghề thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (đối tượng 1 và 2) tham gia học nghề còn thấp, chỉ chiếm 26% trong tổng số người tham gia học nghề.

Ông Đặng Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thạnh Phú cho biết, phần đông lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo chưa mạnh dạn tham gia học nghề do những rào cản về tâm lý, trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, mưu sinh hàng ngày nhất là về vốn, tư liệu sản xuất, việc làm sau khi học nghề; người nghèo chưa thấy được học nghề thật sự là cơ hội tìm kiếm, chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, ở ấp Phú, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, thuộc diện hộ nghèo, chồng phải rời quê lên Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, chị ở nhà vừa lo cho hai con nhỏ vừa tham gia học nghề đan giỏ, ghế nhựa (thuộc Đề án 1956). Sau khi học, vì không có vốn để tự mở xưởng nên chị đến cơ sở của chị Lê Thị Kim Hương để nhận nguyên liệu về làm, thu nhập khoảng 600.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập này, gia đình chị Quyên không đủ trang trải chi tiêu hàng ngày.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, sở dĩ có tình trạng đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề ít hơn các đối tượng khác là do công tác tuyên truyền, quan tâm của lãnh đạo một số xã còn yếu. “Khi chúng tôi đến nhà một hộ nghèo để khảo sát kết quả sau khi đào tạo nghề theo Đề án 1956, họ nói Ủy ban nhân dân xã bảo học thì đi học thôi chứ không biết vì sao đi học và không biết học về để làm gì?”, ông Hoàng cho hay.

 Có thiết bị, có giáo viên nhưng không thể phát huy

Hiện nay, ở tỉnh Bến Tre những nghề nào không thể huy động được học viên đủ biên chế lớp (20-35 người) thì bị từ chối thanh toán kinh phí. Tuy nhiên, trong thực tế những nghề thuộc khối kỹ thuật như cơ khí cắt gọi kim loại, nghề điện, máy nổ, sửa xe gắn máy… thì hầu như không đủ số lượng để biên chế lớp. Vì vậy, những lao động nông thôn có nhu cầu học các nghề này thì không được đáp ứng, trong khi đó cơ sở dạy nghề có thiết bị, giáo viên, nhưng không thể phát huy.

Đại diện Trung tâm dạy nghề huyện Chợ Lách cho biết, từ khi triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 thì ở Trung tâm chưa mở được một lớp dạy nghề cơ khí. Giữa năm 2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã điều chuyển số máy móc phục vụ dạy nghề cơ khí tại Trung tâm dạy nghề huyện Chợ Lách như: Máy hàn, máy tiện, máy khoan… sang Trung tâm dạy nghề huyện Ba Tri để phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn tại đây. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Trung tâm dạy nghề huyện Ba Tri, ông Nguyễn Thiện Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Ba Tri cho biết, xưởng cơ khí chỉ đào tạo các học viên trung cấp nghề, học viên đóng học phí. Riêng đối tượng là lao động nông thôn được tham gia đào tạo theo Đề án 1956 thì chưa có ai được học vì 4 năm nay chưa khi nào có đủ số lượng mở lớp, mặc dù vẫn có người muốn được đào tạo nghề cơ khí.

Theo thống kê của Trung tâm dạy nghề các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, thì nghề được người lao động nông thôn theo học là những nghề thiết thực, dễ đem lại thu nhập như: May công nghiệp, bó chổi, đan ghế nhựa, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… Hầu hết các Trung tâm dạy nghề ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre mỗi năm chỉ mở một đợt dạy nghề theo Đề án 1956 cho lao động nông thôn, khoảng từ tháng 8 – tháng 11, thời gian còn lại… giáo viên “ngồi chơi xơi nước”, máy móc nằm im.

Lý giải nguyên nhân trên, ông Đặng Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thạnh Phú cho biết, do quy trình phê duyệt kế hoạch dạy nghề phải qua nhiều khâu, làm cho hoạt động dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề phải gián đoạn, làm mất thời gian, ảnh hưởng đến nhu cầu học của người lao động nông thôn. Theo ghi nhận của chúng tôi, để mở được một lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở, tối thiểu phải qua 10 bước từ khâu khảo sát, đăng ký nhu cầu học nghề của lao động nông thôn đến khâu lập dự toán và hợp đồng mở lớp. Với chừng ấy khâu trong quy trình trên thì mất khá nhiều thời gian để bắt đầu cho một lớp dạy nghề và có thể lấy đi cơ hội được học nghề của người lao động nông thôn. Ví dụ: đầu năm, Trung tâm dạy nghề huyện Thạnh Phú tiếp nhận rất nhiều hồ sơ của người lao động đăng ký học nghề nuôi tôm, để chuẩn bị cho đợt xuống giống vào tháng 3. Và thời điểm này, Trung tâm cũng đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Thế nhưng, nguồn vốn lại chưa về, nên không thể mở lớp dạy. Đến khoảng tháng 7, vốn về thì người lao động lại không có nhu cầu học.

Hiệu quả sau đào tạo nghề chưa bền vững

Hàng năm, Bến Tre có khoảng 8.000 lao động chưa có việc làm, trong đó có 5.600 lao động từ 15 – 35 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bến Tre, thị trường lao động Bến Tre đang tồn tại một nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn nguồn cung lao động (người tìm việc) tại Trung tâm, nhưng Trung tâm thì không thể giới thiệu, cung ứng hết lao động đang tìm việc. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng không tuyển đủ lao động cần tuyển để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Một số nhóm ngành cần tuyển nhiều lao động phổ thông như: Thủy sản, điện tử, dệt may thì tuyển không đủ số lượng, trong khi đó lực lượng lao động phổ thông nam có đến 80% không tìm được việc làm. Ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành cho rằng, việc liên kết giữa các doanh nghiệp – thị trường – cơ sở dạy nghề là rất mấu chốt, giúp định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác phối hợp này chưa được chặt chẽ. Huyện Châu Thành có 2 khu công nghiệp lớn đóng trên địa bàn (Khu công nghiệp Giao Long và Khu công nghiệp An Hiệp), nhiều doanh nghiệp đến liên hệ, tìm kiếm lao động, nhưng sau đó lại từ chối vì các lao động này không đáp ứng yêu cầu. Trung tâm dạy nghề huyện cho biết các thiết bị, máy móc của trung tâm quá lạc hậu, cũ kĩ, không tương ứng với thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp, sau khi nhận lao động qua đào tạo ở địa phương, các doanh nghiệp mất thời gian, kinh phí đào tạo lại. Từ năm 2010 – 2014, huyện Thạnh Phú có 5.875 lao động nông thôn được học nghề. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là 2.820 người (sau khi học nghề có 2.415 người có được việc làm, chiếm 85,63%).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thạnh Phú, việc phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề chưa thật sự bền vững. Thạnh Phú là huyện cách xa trung tâm thành phố Bến Tre nhất, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp rất ít, và quy mô nhỏ vì thế nhu cầu sử dụng lao động không nhiều. Do đó, nhiều lao động sau khi tham gia học nghề không tìm được việc làm tại địa phương, phải đi làm xa hoặc chuyển nghề khác.

Ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Bến Tre cho rằng, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2014 và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh Bến Tre đạt 60% vào năm 2020, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để tham gia học nghề; chú trọng bồi dưỡng nghề cho người lao động có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ, tập trung đào tạo nghề cho lao động ở các xã xây dựng nông thôn mới, xã có tỷ lệ nghèo cao, xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khan; đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề; tiếp tục điều chuyển trang thiết bị không có khả năng sử dụng ở một số cơ sở dạy nghề đến các cơ sở dạy nghề có nhu cầu sử dụng để phát huy hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, cần tổ chức biên soạn giáo trình và chương trình giảng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của người học, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế tại các địa phương./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất