Cùng dự có lãnh đạo các ban,
bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại sứ, đại diện các tổ chức quốc
tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học,
tổ chức hỗ trợ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước.
SẴN SÀNG CÙNG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ,
thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công
nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường
toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp
sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100
triệu USD. Cả nước có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm
việc chung, 208 quỹ đầu tư, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở
ươm tạo và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt
động khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã
tăng 2 bậc từ vị trí thứ 58 lên 56, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và
thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ số đổi mới sáng tạo
toàn cầu của Việt Nam năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ
44/133 quốc gia, nền kinh tế.
Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là
một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát
triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái
Bình Dương. Trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam đã và đang từng
bước khẳng định, vươn ra thế giới.
Qua 9 lần tổ chức, Techfest Việt Nam đã thu hút 21 nghìn lượt người
tham dự, hơn 450 nhà đầu tư, hơn 1,4 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng
tạo cùng hơn 800 lượt kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.
Techfest 2024 diễn ra từ ngày 26 - 28/11 tại thành phố Hải Phòng, với
gần 150 hoạt động như: Diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp
nghiệp sáng tạo, với chủ đề “Từ địa phương ra quốc tế”; Triển lãm các
sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo; Chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài
năng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam...
Techfest 2024 là cơ hội để tìm hiểu về cơ chế, chính sách; nơi gặp gỡ
để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư; kết nối tìm kiếm nguồn lực, đối tác
để triển khai các sáng kiến về thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi
mới sáng tạo; giới thiệu công nghệ, sản phẩm, dịch vụ… Qua đó, các doanh
nghiệp khởi nghiệp sáng tạo định hình hành trình cho những chiến lược
mới trong tương lai, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát biểu tại sự kiện, cũng là lần thứ 4 dự Ngày hội khởi nghiệp sáng
tạo Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh
nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc
biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một
trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Trong
đó, khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới,
tạo lực lượng sản xuất mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới.
Nêu bật nội dung các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội, các luật, nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển
khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt
được những kết quả quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
sáng tạo quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian, trí tuệ,
sự quyết đoán để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó có vượt lên
giới hạn của bản thân mình; ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ
lực và những kết quả quan trọng bước đầu mà các cấp, ngành, địa phương,
cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt được thời gian qua, đóng
góp cho thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn
chế như còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển; chậm đổi
mới tư duy, chưa tạo đột phá trong xây dựng pháp lý; nội hàm, khái niệm
về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn chưa được chuẩn
hóa; chưa nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho khởi
nghiệp sáng tạo; không gian, cơ sở hạ tầng về thí điểm, thử nghiệm công
nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu…
Chỉ ra một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và phân tích bối cảnh,
tình hình thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thế giới ngày nay
đang biến đổi nhanh, phức tạp; đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ,
đổi mới sáng tạo. Yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh
thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là phải thu hút được các nguồn lực từ
các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và
phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới…
DÁM CHẤP NHẬN RỦI RO, DÁM HÀNH ĐỘNG, VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, khởi
nghiệp sáng tạo cần có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính
trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân,
doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực
chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy mới, nhận thức mới, cách
làm mới; phải có tư duy hỗ trợ, thay vì không quản được thì cấm; tư duy
hợp tác phát triển, thay vì xin - cho; tư duy dài hạn, thay vì chỉ nghĩ
đến lợi ích trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, khởi nghiệp
sáng tạo cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám tiên
phong, dám hành động, vượt lên chính mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia,
dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
Trên tinh thần “Đổi mới để bay cao; sáng tạo để vươn xa; hội nhập để
tiến lên”, Thủ tướng Chính phủ nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để
phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam gồm: tập trung
hoàn thiện thể chế cho đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xác định rõ lĩnh
vực ưu tiên, trong đó cần tập trung tạo ra lực lượng sản xuất mới, các
lĩnh vực chiến lược như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,
những công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán
đám mây, internet vạn vật…; xác định rõ hướng đi cho khởi nghiệp sáng
tạo; bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân
lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh hội
nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo…
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa
phương trong nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động
lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng
tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy; mở rộng mạng lưới kết nối
tri thức toàn cầu, đặc biệt là huy động sự tham gia của cộng đồng trí
thức người Việt ở nước ngoài. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp đề ra để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tập trung nghiên cứu,
đề xuất các giải pháp sáng tạo, mô hình phù hợp để thúc đẩy khởi nghiệp
sáng tạo trong cộng đồng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,
người dân tham gia các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhất là tiếp cận
nguồn tài chính, phòng thí nghiệm, mạng lưới chuyên gia, cố vấn trong
nước, quốc tế…
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu
tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt
động khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu
vực, trên thế giới. “Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là
một "hạt nhân đổi mới" góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng
định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế. Các tổ chức hỗ
trợ khởi nghiệp sáng tạo phát huy vai trò là cầu nối, kết nối các doanh
nghiệp khởi nghiệp với các nguồn lực; cập nhật liên tục những mô hình hỗ
trợ tiên tiến, ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong việc đánh giá,
phát triển và theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng hành, hỗ trợ
doanh nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến mở rộng quy mô và vươn
ra quốc tế, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện
thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng
tạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế,
chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi
nghiệp sáng tạo với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích
hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp nhà đầu tư và người
dân.
Với vai trò kiến tạo, Chính phủ xây dựng thể chế thông thoáng, hạ
tầng thông suốt, quản trị thông minh; xác lập mô hình quản lý tập trung
đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tạo thị trường
cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chính sách ổn định, lâu dài; xây
dựng chính sách hỗ trợ như về nhà ở, thị thực, vốn ưu đãi cho doanh
nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nhấn mạnh phương châm 3 chung (chung sức đồng lòng, chung tay hành
động, chung hưởng thành quả), Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin
tưởng, với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân,
dám đổi mới sáng tạo", đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tự lực, tự cường,
tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và nhân
dân cả nước, cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ
tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; dám
đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại; với động lực mạnh
mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng; tạo nên những "kỳ lân"
tầm cỡ khu vực và thể giới. Qua đó, đạt được những thành tựu to lớn hơn
nữa về khởi nghiệp sáng tạo; góp phần đưa đất nước ta vững bước vào Kỷ
nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.
TTXVN