Thứ Hai, 9/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 27/3/2019 14:15'(GMT+7)

Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát ở Hà Nội

Ngủ màn, diệt bọ gậy, khơi quang bụi rậm... là một trong những biện pháp phòng bệnh SXH

Ngủ màn, diệt bọ gậy, khơi quang bụi rậm... là một trong những biện pháp phòng bệnh SXH

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 554 trường hợp mắc sởi, 150 trường hợp mắc SXH, 158 trường hợp mắc tay chân miệng và 46 trường hợp mắc ho gà. Đặc biệt, từ ngày 18-24/3, số ca mắc SXH và ho gà có xu hướng tăng.

Theo các chuyên gia y tế, thông thường, từ tháng 6-8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-11. Thế nhưng, năm nay, ngay từ tháng 3 dịch bệnh đã gia tăng.

Thêm vào đó, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh SXH gia tăng, phát triển. Vì thế, công tác giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh SXH cần phải được tăng cường.

Trong tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã giám sát trọng điểm tại 24 điểm có nguy cơ bùng phát dịch SXH. Kết quả cho thấy các chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh còn ở ngưỡng thấp.

Dù vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn không được chủ quan, phải chủ động lên phương án phòng, chống dịch bệnh. Sở cũng chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền huy động lực lượng và nguồn lực triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất