Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/1/2013 18:57'(GMT+7)

Biến chính sách thành hành động của doanh nghiệp

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cho rằng những giải pháp được Chính phủ đưa ra trong Thông điệp đầu năm 2013 chính là yếu tố quan trọng tiếp sức, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song theo ông Cao Sỹ Kiêm, điều cốt yếu hiện nay là không phải là chỉ dựa vào sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, Nhà nước, mà trước hết các doanh nghiệp cũng phải tự đánh giá, xem lại tiềm năng, thế mạnh và cả hạn chế yếu kém trong nội tại doanh nghiệp. Phân tích, làm rõ nguyên nhân của thành công, thất bại trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại ngành hàng, chi phí quản lý để thích nghi, thích ứng với tình hình mới.

“Doanh nghiệp cần biến những chính sách mới thành những nội dung hành động của chính mình để khai thác, củng cố, phát triển sản xuất”, ông Kiêm nói.


Đồng quan điểm này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên bày tỏ: “Tôi thấy có những tín hiệu tích cực trong cả 6 giải pháp của Thông điệp của Thủ tướng, quan trọng hơn cả là sự nỗ lực mang lại niềm tin cho thị trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là khả năng tự tin của doanh nghiệp chúng ta đang rất yếu ớt và để tạo lập, xác lập lại sẽ cần nỗ lực cao độ”.

Ông Vũ cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhìn nhận xem đâu là năng lực lõi của mỗi doanh nghiệp. Gạt bỏ những gì không phải là sở trường, thu hẹp quy mô những lĩnh vực không có nhiều cơ hội để tập trung cao độ vào năng lực lõi, đồng thời cũng phải tính toán tối ưu hóa mọi hoạt động của doanh nghiệp để tiếp tục tồn tại và phát triển.

“Tuy nhiên, đó mới chỉ là vấn đề đối phó, để phát triển bền vững về lâu dài, thì doanh nghiệp cần phải xác lập tâm thế, đưa ra chiến lược phát triển đặc sắc của mình trong bối cảnh mới”, ông Vũ chia sẻ quan điểm.

“Từ góc độ thị trường, chúng tôi kỳ vọng các giải pháp trọng tâm mà Chính phủ nêu sẽ tác động tích cực đến người dân, cụ thể niềm tin tiêu dùng và sức tiêu dùng trong năm tới. Ngay trước mắt, đây là tín hiệu tốt để Nguyễn Kim khai trương thêm 6 Trung tâm mới ngay trong tháng 1 này”, ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim cho biết.

Song ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc tháo gỡ về thể chế đúng là vấn đề lớn nhất hiện nay, “bởi nó đang mắc mớ, đang khó khăn”. Nếu có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ cơ chế, đường lối, định hướng giải quyết cũng như có những giải pháp lớn để tháo gỡ về mặt pháp lý thì sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng hoạt động sát với nội dung và giải pháp lớn của Chính phủ đưa ra.

Theo nhận định của ông Kiêm: “Chúng ta đang làm rất mạnh mẽ một số biện pháp như: giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, bất động sản, bắt đầu làm chuyển động các đề án đã có như mô hình tổ chức, mô hình tăng trưởng, cơ cấu, các nút thắt thể chế… Chắc chắn rằng năm 2013 sẽ triển vọng hơn 2012, tạo ra những yếu tố phát triển bền vững cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp các năm tiếp theo”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên chia sẻ ở góc độ vĩ mô, quan trọng nhất là phải đưa ra những lựa chọn chiến lược đúng đắn, thiết kế những chính sách và hạ tầng để giúp thực thi những chiến lược đó.

Bởi chính sách vĩ mô trên những lựa chọn đúng đắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động thành công, hình thành nên những ngành mạnh của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Cộng đồng chia sẻ khó khăn, đồng lòng thực thi những chiến lược đã lựa chọn để cùng vượt qua thời kỳ khó khăn này thì không gì là không thể”, ông Vũ nói./.

Thanh Thủy-Hải Hoa/VGP

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất