Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 15/11/2015 9:21'(GMT+7)

Biến đổi khí hậu tác động đến an ninh toàn cầu

Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri phát biểu tại Trường Đại học Old Dominion hôm 12-11. Ảnh: WSJ

Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri phát biểu tại Trường Đại học Old Dominion hôm 12-11. Ảnh: WSJ

Phát biểu tại Trường Đại học Old Dominion hôm 12-11, ông G.Ke-ri kêu gọi Mỹ cần giữ vai trò đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng G.Ke-ri đã liệt kê các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do biến đổi khí hậu gây nên, bao gồm tình trạng hạn hán, nước biển dâng, tan chảy băng ở Bắc Cực, những cơn bão ngày càng mạnh hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. “Vấn đề biến đổi khí hậu phải được coi là một ưu tiên, đơn giản vì nó là mối đe dọa không chỉ đối với môi trường mà còn cả với an ninh và sự ổn định của các quốc gia trên thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo Ngoại trưởng G.Ke-ri, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu các khía cạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc gia khi phân tích chính sách đối ngoại. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tăng cường xem xét yếu tố biến đổi khí hậu trong các tính toán về an ninh, đơn cử như nhu cầu hỗ trợ nhân đạo trong khu vực dễ bị thiên tai hoặc tăng cường các khả năng cần thiết để hoạt động tại Bắc Cực.

Điều đáng nói là cũng trong ngày 12-11, Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (Anh) và Tổ chức Oil Change International (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu rất đáng chú ý. Theo đó, các nền kinh tế lớn của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, EU và Mỹ, đã chi 452 tỷ USD/năm để hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, bất chấp việc cam kết ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. S.Uýt-li (Shelagh Whitley), chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại, chỉ trích chính phủ các nước nhóm G20 đang trả tiền cho doanh nghiệp làm xói mòn chính sách chống biến đổi khí hậu của họ.

Chính vì thế, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ khiến người ta đặt câu hỏi về mục đích chính trị trong đó. Giới phân tích nhận định việc Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) và Ngoại trưởng Ke-ri trong thời gian qua tập trung phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc gia là nhằm chỉ trích đảng Cộng hòa. Từ nhiều năm qua, đa số các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong quốc hội luôn cản trở nỗ lực của Chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma trong việc hạn chế hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy nguồn năng lượng sạch. Trong một bài phát biểu hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Ô-ba-ma đã chỉ trích những người không ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu là có tội "cố ý chối bỏ nhiệm vụ".

Dù vậy, phần lớn các nhà phân tích khác cho rằng, phát biểu của ông Ke-ri hoàn toàn có cơ sở. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ trực tiếp đe dọa đến an ninh toàn cầu. Theo Diễn đàn thế giới về con người, mỗi năm thế giới có khoảng hơn 300 nghìn người thiệt mạng và hơn 300 triệu người khác bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khí hậu Trái Đất nóng lên. Kết quả thống kê của các tổ chức quốc tế còn cho biết, trong vài thập kỷ gần đây, GDP toàn cầu đã giảm 20% do biến đổi khí hậu-mức thiệt hại còn lớn hơn tổn thất từ hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc đại suy thoái vào những năm 1930 cộng lại. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, biến đổi khí hậu có thể làm mất ổn định môi trường địa chính trị, từ đó dẫn tới xung đột, giao tranh, thậm chí chiến tranh.

Từ lâu, Mỹ coi biến đổi khí hậu là thách thức chiến lược đối với an ninh quốc gia. Chính phủ nước này cho rằng, trong vài thập kỷ tới, Mỹ có thể phải sử dụng đến quân đội để đối phó với hậu quả bão lũ, hạn hán, bệnh tật tràn lan và nạn di cư (tị nạn khí hậu) trên diện rộng. Việc gắn biến đổi khí hậu với an ninh quốc gia cũng phản ánh chiến lược thống nhất trong quân đội Mỹ, Anh và NATO. Pháp đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia châu Phi. Các vị tướng Ô-xtrây-li-a đã về hưu đang kêu gọi Can-bê-ra tập trung hơn vào những thách thức mà biến đổi khí hậu mang lại cho quân đội nước này. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia nhiều năm qua đã phản đối quan điểm cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến an ninh, nay cũng bắt đầu suy nghĩ lại về việc mực nước biển tăng và nhiệt độ ấm hơn có thể ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của nước này.

Trở lại với bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, mặc dù vẽ ra bức tranh thảm khốc về một thế giới bị tàn phá do các cuộc xung đột, nguồn nước cạn kiệt, mực nước biển tăng và sản lượng thu hoạch giảm, song ông G.Ke-ri cho rằng, "phối hợp hành động" vẫn có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất. Ông nhấn mạnh, Mỹ phải đóng vai trò đi đầu tại COP 21 sau khi hội nghị ở Cô-pen-ha-ghen vào năm 2009 thất bại. “Chúng ta càng tiến nhanh tới nền kinh tế ít các-bon thì chúng ta càng giải quyết sớm tận gốc vấn đề này”, ông Ke-ri nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, Mỹ thực sự đạt được tiến bộ đáng kể trong việc định hình lại ngành năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 nhờ sự bùng nổ về công nghệ sản xuất khí đốt tự nhiên và việc áp dụng các quy định môi trường chặt chẽ hơn. Trong khi đó, Trung Quốc vốn bị cho là gây ra hiệu ứng nhà kính lớn nhất, cũng đang vạch kế hoạch đầy tham vọng để “làm sạch” nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong 5 năm tới.

Kể từ Hội nghị Cô-pen-ha-ghen, cuộc đàm phán đã bị sa lầy. Hội nghị Durban năm 2011 đã ấn định thời hạn cho một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu sẽ được ký kết vào tháng 12-2015 và có hiệu lực vào năm 2020. Do đó, COP 21 tại Pa-ri sẽ có một ý nghĩa quan trọng. Thế giới kỳ vọng COP 21 sẽ góp phần xóa bỏ bức tranh thảm khốc về một thế giới bị tàn phá do các cuộc xung đột, nguồn nước cạn kiệt, mực nước biển tăng và sản lượng thu hoạch giảm.

NGỌC HÀ/Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất