Các nhà khoa học đã xây dựng thành công mô hình nghiên cứu bằng cách kết hợp sự vận động giữa mảng Ấn Độ và sự tăng cường gió mùa Ấn Độ Dương trong suốt thời gian 10 triệu năm qua.
Theo tiến sĩ Giampiero Iaffaldano, thuộc Đại học Quốc gia Australia, lượng mưa do gió mùa mang lại tăng lên theo từng năm. Điều này khiến cho sự vận động của mảng Ấn Độ cũng biến đổi nhanh chóng theo từng năm. Các nhà khoa học đã nạp các số liệu vào máy tính để nghiên cứu cách thức gió mùa trong thời gian 10 triệu năm qua đã xâm thực vào phía Đông dãy Himalaya.
Kết quả cho thấy phía Đông dãy Himalaya bị số lượng đá xâm thực rất lớn. Sự thay đổi địa chất này đủ để giải thích vì sao sự vận động theo chiều ngược kim đồng hồ lại xảy ra tại mảng Ấn Độ. Biên độ biến động này thậm chí có thể lên tới 1 cm/năm.
Tiến sĩ Giampiero Iaffaldano cho biết: "Phát hiện trên lần đầu tiên xác nhận sự biến đổi khí hậu lâu dài có ảnh hưởng đến sự vận động của các mảng. Chúng ta biết rằng nhiều hiện tượng địa chất là do sự vận động của các mảng gây ra ví như sự di chuyển của đại lục, sự đóng kín đại dương và sự hình thành dãy núi. Những hiện tượng địa chất này về lâu dài có thể gây ảnh hưởng sâu sắc tới khí hậu."
Các nhà khoa học hy vọng quan điểm mới được đưa ra trong nghiên cứu trên có ý nghĩa quan trọng giúp dự báo các hoạt động địa chấn quy mô lớn như trận động đất mạnh ở Nhật Bản vừa qua./.
(Theo Vietnam+)