Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 19/4/2011 10:55'(GMT+7)

Cần phải nỗ lực và chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai

Thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nặng nề

Những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn về cường độ, cũng như phạm vi ảnh hưởng. Động đất, rung chấn, bão, lũ và lũ quét,v.v.. xảy ra thường xuyên hơn, trên diện rộng hơn ở nhiều quốc gia, nhiều địa phương. Đi liền với nó, là những thiệt hại nặng nề về kinh tế , cũng như sinh mạng của biết bao con người. Thiên tai đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân các nước chịu tác động từ biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.

Chỉ trong năm 2010, thiên tai dường như xảy ra trên khắp thế giới, và hậu quả của nó để lại đã trở thành gánh nặng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Đó là núi lửa phun ở Aixơlen, Inđônêxia, động đất tại Haiti, Chilê và Trung Quốc, cháy rừng tại Nga, lũ lụt tại Pakixtan, hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mêkông,v.v... Gần đây nhất, đầu năm 2011 là trận động đất tại Niu Dilân, là tai họa kép – động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua, làm 25.000 người chết và mất tích; là động đất ở Philippin, ở Miến Điện, Đài Loan và liên tục các trận động đất, rung chấn ở Nhật Bản những ngày gần đây.

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, “người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ”. Thực tế cho thấy, trong năm 2010 vừa qua, Việt Nam cũng hứng chịu 6 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 4 đợt lũ lớn lịch sử ở miền Trung và Nam Trung Bộ. Nắng nóng, hạn hán kéo dài, mực nước nhiều sông lớn xuống rất thấp, trong khi đó triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh lại lên cao, thất thường. Chưa “thu xếp ổn thỏa” những hậu quả của trận lũ lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung, chúng ta lại phải đối phó với ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài, làm chết hàng chục ngàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với sản xuất của Nhà nước và nhân dân các tỉnh miền Bắc. Thiên tai, bão, lũ trong năm 2010 tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của 362 người, trên 470.000 ngôi nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến trên 16.000 tỷ đồng,v.v..

Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu “đã làm thiên tai cực đoan hơn” đối với Việt Nam. Trong đó, nông nghiệp và khu vực nông thôn là lĩnh vực “dễ bị tổn thương” và chịu tác động nặng nề nhất, và đó là tổn thất to lớn về cả vật chất và tinh thần đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thế giới chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu

Trước những thay đổi khó lường của sự biến đổi khí hậu, của những thảm họa về thiên tai, phát biểu trong cuộc Hội thảo tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 21/3/2011, các chuyên gia về kinh tế, môi trường đã đưa ra khuyến cáo: Thế giới cần nỗ lực, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu hơn nữa, nhằm hạn chế thiệt hại về người và của vì các thảm họa tự nhiên, đồng thời phải tăng cường công tác dự báo, dự phòng thảm họa. Sau đó, Hội nghị về môi trường của Liên Hợp Quốc (8/4/2011) diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang phải vất vả đối phó với sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3, với mức nguy hiểm cao nhất - mức 7 như thảm họa Chernobyl năm 1986, cũng đã nhấn mạnh: Sự cố này và những trận động đất, rung chấn liên tiếp sau đó đã đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại trước thách thức mới.

Trên tinh thần đó, các cuộc thương lượng về mục tiêu cắt giảm khí thải, gây hiệu ứng nhà kính chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, khi thảm họa Fukushima có nguy cơ “khuyến khích” các nước quay trở lại dùng các nhiên liệu hóa thạch, thải nhiều khí CO2 (than đá, dầu mỏ, khí đốt). Thực tế cho thấy, sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở Fukushima, rất nhiều quốc gia đã xem xét lại chính sách điện hạt nhân của mình (Bungari, Nga). Một số quốc gia định hạn chế sử dụng điện hạt nhân, thậm chí có nước còn định từ bỏ loại năng lượng này, quay lại sử dụng nhiệt điện hoặc các loại năng lượng khác. Điều đó có nghĩa là, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ gia tăng và mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 sẽ khó có thể thực hiện được,v.v..Và như vậy là, chống biến đổi khí hậu vẫn còn là bài toán rất nan giải của cộng đồng quốc tế.

Nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn và những thách thức ngày càng gia tăng như vậy, ngay từ năm 1960, hằng năm Nhật Bản đã tổ chức ngày phòng chống thiên tai (1/9) để kỷ niệm trận đại động đất năm 1923 ở vùng Kanto. Ở các trường học của Nhật Bản, ngày lễ kỷ niệm này được bắt đầu bằng một cuộc diễn tập di tản, và Thủ tướng cũng tham gia sự kiện này. Các cuộc diễn tập khẩn cấp thường do các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân tổ chức. Một trong những nội dung diễn tập là vận chuyển những hành khách mắc kẹt từ cơ quan, công sở về nhà. Thị trấn Ofunato – nơi xuất hiện sóng thần vào năm 1960, có hàng chục biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh và Nhật đánh dấu lối thoát hiểm, còn còi báo động khẩn cấp thì được kiểm tra ba lần/ngày. Theo một chuyên gia về sóng thần, ý nghĩa của việc “chủ động” trước những thảm họa đó là “với những công dân đã được huấn luyện, thì chỉ cần 5-10 phút là bạn đã có thể tìm được đến vùng đất cao hơn để tránh lũ”.

Còn Anh, dù là một nước công nghiệp phát triển, nhưng thiên tai cũng thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, tuy nhiên, tổn thất về người rất ít. Tổn thất ít như vậy, phần lớn là do công tác dự báo thời tiết được thực hiện tốt, có hệ thống cảnh báo thời tiết sớm và hoạt động truyền thông hiệu quả. Nước Anh là quốc gia, trong đó có một số trung tâm thuộc Chính phủ và có cả các công ty tư nhân tham gia vào hoạt động dự báo thời tiết. Và để phòng và chống thiên tai, Thái Lan đã thành lập lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp gồm cả quân đội và các tình nguyện viên làm các nhiệm vụ sơ tán người, tài sản, cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho dân, cứu người khi bị mắc kẹt... Lực lượng của các hội đoàn, nhà chùa, nhà thờ,v.v..khá đông đảo, nên tham gia rất có hiệu quả mỗi khi có bão gió và lũ lụt.

Việt Nam chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu

Với Việt Nam, phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu,càng ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, và của cả cộng đồng. Thực tế những năm gần đây cho thấy, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổ chức rất thành công các chương trình: đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, khu neo đậu cho tàu thuyền tránh, trú bão; Tổ chức chương trình phòng tránh ngập úng cho các thành phố lớn; Rà soát quy hoạch thủy lợi trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu; Xây dựng quy hoạch phòng chống thiên tai. Bộ cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trườngUNISDR tổ chức Hội thảo kỹ thuật, Diễn đàn Quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng dẫn 5 thành phố của Việt Nam tham gia chiến dịch của Liên hợp quốc về thành phố an toàn. Hiện tại, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai, v.v..

Không chỉ tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, chia sẻ khó khăn, ủng hộ nhân dân các nước khi gặp thiên tai, bão lũ, mà chúng ta còn cùng các quốc gia trong khu vực tăng cường hợp tác, chủ động phòng, chống thiên tai. Ngày 15/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị số 547/CT-TTg về Công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, đồng thời yêu cầu các địa phương phải rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi định cư mới an toàn. Thủ tướng yêu cầu trong trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài, các địa phương phải xây dựng phương án sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, đồng thời, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đến từng thôn, xã, đặc biệt những vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ; bố trí thiết bị, phương tiện, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp huyện...Còn các địa phương ở vùng cao, vùng sâu, vùng ven bờ sông, bờ suối thường có lũ quét khi mưa to ở thượng nguồn, ngập úng do ách tắc dòng chảy, sạt lở ta luy khi mưa lớn và đào đánh ta luy không theo quy trình kỹ thuật... cũng cần phải có sự chủ động phòng tránh mỗi khi mùa mưa đến.

Từ thực tế và trước những thách thức của thiên tai, chúng ta phải chủ động phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu và sự chủ động đó đó phải được thể hiện bằng những công việc cụ thể, kịp thời như sau:

Một là, nhanh chóng xây dựng Luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai, xây dựng các chiến lược cụ thể (trước mắt và lâu dài) cho công tác phòng chống và quản lý thiên tai trên phạm vi cả nước, đồng thời có cơ chế chia sẻ thông tin và tham gia cứu trợ cụ thể, tránh chồng chéo và manh mún. Cùng với việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông minh, là việc xác định rõ (bằng luật) trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người, cộng đồng cũng như chính quyền trong công tác quan trọng này, coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi thành phần kinh tế, chứ không chỉ của riêng Nhà nước.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các bản đồ, các cơ sở dữ liệu về lũ, lũ quét, úng ngập, sạt lở đất... tại những địa điểm, địa phương có mức độ rủi ro cao. Xây dựng các mô hình dự báo nguy cơ xảy ra thiên tai hay hiểm họa cho những vùng có tình trạng nguy hiểm, trên cơ sở tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai, nhằm hạn chế tối đa các sai số không đáng có.

Ba là, công tác đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khi có thiên tai phải đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, trên cơ sở cập nhật thông tin, chia sẻ thông tin về thiên tai và cứu trợ, tránh lãng phí, thất thoát ngân sách quốc gia và đảm bảo hàng cứu trợ đến được đúng người, đúng nơi trong thời gian ngắn nhất, để mọi người, mọi tổ chức trong nước và quốc tế có thể truy cập, chia sẻ (trừ những thông tin có liên quan đến an ninh quốc gia), nhằm đưa ra các giải pháp hành động nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Bốn là, huy động mọi nguồn lực để nâng cấp về quy mô của Quỹ phòng chống lụt bão, giúp quỹ hoạt động độc lập, phục vụ công tác chuẩn bị, ứng phó và cứu trợ nhanh nhất, đồng thời phải có một cơ chế giám sát, đánh giá công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai, thống nhất qua hội Chữ thập đỏ Việt Nam, để tránh chồng chéo./.

Lưu Trần Nam Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất