Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Johnson kêu gọi nhân loại không coi hành tinh này như một "đồ chơi không thể phá hủy", đồng thời cảnh báo về những thiệt hại không thể phục hồi do biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo này cho rằng: "Chúng ta đang biến hành tinh xinh đẹp này thành nơi không thể ở được, không chỉ đối với riêng chúng ta mà ngay cả với nhiều loài khác. Điều đó lý giải tại sao Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow là bước ngoặt cho nhân loại".
Thủ tướng Johnson ủng hộ mục tiêu các quốc gia phát triển loại bỏ than đá vào năm 2030, trong khi các quốc gia đang phát triển sẽ loại bỏ nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm này sau đó một thập kỷ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Johnson cũng nêu một số thành tựu của nước Anh trong việc giảm khí thải đi đôi với duy trì tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh còn hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc Bắc Kinh ngừng tài trợ cho các dự án nước ngoài sử dụng than đá. Tuy vậy, Thủ tướng Johnson cũng kêu gọi quốc gia phát thải khí lớn nhất thế giới này chấm dứt sử dụng than đá ngay tại nước này.
Anh là một trong số các quốc gia đặt mục tiêu tham vọng nhất thế giới với việc cắt giảm 68% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Thủ tướng Johnson bày tỏ hy vọng tất cả các quốc gia sẽ hưởng ứng mục tiêu trên, đồng thời nhấn mạnh Anh "có mọi thứ để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp xanh này".
Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lý tưởng hơn cả là ở mức 1,5 độ C. Mỗi quốc gia đã có những cách làm riêng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này. Tuy nhiên, các nhà khoa học LHQ cho rằng thế giới đang đi chệch hướng mục tiêu 1,5 độ C nói trên. Đây là ngưỡng giúp hành tinh của chúng ta có thể tránh được các tác động tiêu cực nhất của tình trạng biến đổi khí hậu gồm thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng./.
TTXVN