Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/11/2012 22:22'(GMT+7)

"Biển Đông là mối quan tâm chung của cả khu vực"

 

2012: Gắn kết cộng đồng và mở rộng hợp tác

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định: Năm 2012 là một năm mà ASEAN đã tiếp tục đẩy mạnh gắn kết với bên ngoài để cùng chung tay xây dựng hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và và mở rộng ra ngoài khu vực sang Đông Á.

Vừa qua, ASEAN đã chính thức khởi động quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Khu vực được hiểu ở đây là Đông Á, gắn kết ASEAN với toàn bộ khu vực Đông Á, nếu triển khai thành công thì sẽ tạo thế phát triển khu vực mạnh mẽ hơn. Hiện nay, từng nước đã có mối quan hệ thương mại, nhưng nếu gắn kết toàn bộ ASEAN thì sẽ tạo nên một lực mới, để đối mặt và giải quyết các thách thức đang mở ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh an toàn hàng hải.

Ngược lại, các nước đối tác không chỉ cam kết giúp ASEAN phát triển mà một số đối tác còn quan tâm đến những liên kết, hợp tác thúc đẩy các tiểu vùng khu vực, đặc biệt là tiểu vùng Mekong. Vừa giúp đỡ, hợp tác với các nước Mekong trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội đi cùng bảo vệ quyền sử dụng bền vững nguồn nước.

Năm 2012, ASEAN với vai trò trung tâm trong khu vực đang định hình cũng như vai trò trong thúc đẩy môi trường ổn định, hòa bình, an ninh và hợp tác đã vượt qua những vấn đề thách thức cả an ninh truyền thống lần phi truyền thống, để thúc đẩy hợp tác nội khối đồng thời gắn kết bên ngoài để xây dựng cộng đồng và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, điểm khác biệt trong năm 2012 của ASEAN là việc xây dựng cộng đồng đã được nâng lên một tầm mới. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN chính thức được khởi động toàn diện từ 2009, sau khi lộ trình toàn bộ về xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua, nhưng việc khởi thủy xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà trước hết về trụ cột kinh tế đã được tiến hành từ năm 1997. Tiếp đó, từ năm 2002 lĩnh vực chính trị an ninh được đẩy mạnh. Đó là cả một quá trình nỗ lực dần dần và đến các năm 2010, 2011 và 2012 là những năm bản lề để hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN, mốc mục tiêu là 31/12/2015.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhận thấy rằng, cần đến những nỗ lực vượt bậc cả ởtầm khu vực lẫn tầm mỗi quốc gia để tạo thành những cú hích, những đột phá đểxây dựng trước hết là một Cộng đồng kinh tế ASEAN, tiếp theo là chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội, trong bối cảnh có nhiều thách thức. Ngoài những khó khăn truyền thống của khu vực, thì gần đây là biến đổi khí hậu, lụt lội thiên tai rất nặng nề... vấn đề nước biển dâng, quản lý bền vững nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi sự hợp tác, chung tay xử lý.

Cụ thể, về chính trị-an ninh, để xây dựng một môi trường ASEAN hòa bình ổn định cần được đảm bảo chắc chắn hơn qua những trao đổi, bao gồm những trao đổi cấp cao để xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau một cách thường xuyên, sâu sắc. Xây dựng các chuẩn mực và tạo thành quy tắc về ứng xử trong khu vực ngày càng tốt hơn.

Về kinh tế, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN thực sự là một thị trường duy nhất, một không gian sản xuất chung thống nhất, đi đôi với nỗ lực phấn đấu phát triển đồng đều bền vững trong khu vực nhưng vẫn duy trì được tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Các liên kết của ASEAN để hướng tới một thị trường chung duy nhất, luân chuyển hàng hóa tự do, thúc đẩy thuận lợi hơn về đầu tư, dịch chuyển lao động... hiện đã có nhiều tiến triển tích cực.

Tại lĩnh vực văn hóa-xã hội, ASEAN đang hướng tới người dân là mục tiêu chính với những tuyên bố nhân quyền ASEAN, tuyên bố về bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. ASEAN đã thực sự góp phần liên kết thành một khối. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo các nước cũng cam kết thúc đẩy tuyên truyền và đưa các chính sách của ASEAN thiết thực hướng vào người dân, để mỗi người dân ASEAN thấy mình là một phần trong khối gắn kết đó cũng như có kế hoạch quảng bá một hình ảnh ASEAN gắn kết ra toàn thế giới.

Biển Đông là mối quan tâm chung của khu vực và giữa các nước

Trả lời câu hỏi đặt ra về vấn đề quốc tế hóa hay không vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định: Biển Đông là mối quan tâm chung và lợi ích chung của ASEAN và của tất cả các nước. Nếu nói đến quốc tế hóa hay không quốc tế hóa vấn để Biển Đông để phủ nhận và nói rằng vấn đề Biển Đông và hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là không thuộc quan tâm chung và lợi ích chung của các nước và khu vực là hoàn toàn không đúng.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, điểm nổi bật trong ứng xử Biển Đông trong năm qua cũng như nhiều năm gần đây là nhận thức chung cũng như lợi ích chung, quan tâm chung là hòa bình ổn định an ninh khu vực, đặc biệt là an ninh-an toàn hàng hải là vấn đề cực kỳ quan trọng của khu vực và của tất cả các nước và các nước đều mong muốn cùng chung tay đóng góp để đảm bảo mục tiêu này.

Thứ hai là người ta thừa nhận khu vực có những tranh chấp về lãnh thổ, có những đòi hỏi chồng lấn về chủ quyền để đảm bảo mục tiêu chung nói trên thì làm sao để quản lý để tranh chấp không leo thang gây căng thẳng, các nước đều nhất trí cao là tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ công ước quốc tế. Riêng về tranh chấp lãnh thổ thì nếu là tranh chấp hai bên thì hai bên giải quyết, tranh chấp nhiều bên thì nhiều bên giải quyết, nhưng cần nằm trong mục tiêu chung là hòa bình, ổn định không xung đột và cần có sự hợp tác giữa các nước.

Biển Đông có những tuyến giao thương hàng hải liên quan đến lợi ích của tất cả các nước chứ ko chỉ của riêng khu vực ASEAN và các nước có liên quan.

Trên phạm vi quốc tế, Công ước Luật biển đã được thông qua, giữa ASEAN và Trung Quốc có DOC, trong nội bộ ASEAN có Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, vì vậy trách nhiệm thực hiện Công ước Quốc tế về Luật biển là trách nhiệm chung của các nước. Trách nhiệm thực hiện DOC hay tuyên bố kỷ niệm DOC thì ASEAN và Trung Quốc cần phải thực hiện, còn những trách nhiệm liên quan đến Nguyên tắc 6 điểm thì nội bộ ASEAN phải thực hiện.

Các nước bên ngoài muốn có hòa bình, ổn định thì phải ủng hộ, yêu cầu các bên liên quan thực hiện đúng các quy tắc, nguyên tắc đã thông qua, tuyên bố và cam kết. Không ai kéo người khác vào để xung đột gia tăng hay làm bên này bên khác chống lại nhau, tất cả đều vì trách nhiệm chung, mối quan tâm chung là duy trì đảm bảo an ninh, an toàn và quyền thương mại tự do hàng hải.

Trong những năm gần đây, các nước đối tác rất quan tâm ASEAN và luôn ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm của mình. Cần phải nhìn thấy hai mặt là trong bối cảnh các nước lớn hỗ trợ cho ASEAN nâng cao vai trò, nhưng mặt khác bản thân họ cũng có lợi. Xác định đâu là lợi ích song trùng hay không song trùng của ASEAN với các nước lớn, của các nước lớn với nhau để giữ gìn lợi ích của ASEAN trong bối cảnh thúc đẩy hợp tác xây dựng của đối tác mà không rơi vào vị trí khó xử đòi hỏi ASEAN phải nỗ lực và đoàn kết.

Thời gian qua, ASEAN đã làm được điều đó, tuy rằng có không ít khó khăn, ASEAN đã cùng hướng tới xây dựng cộng đồng, duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ tương tác và trong mối quan hệ ngày càng gắn kết với các nước lớn. Chứng minh được thực sự là tổ chức có đóng góp rất tích cực về hòa bình ổn định hợp tác phát triển khu vực là một nhân tố không thể thiếu với các mục tiêu chung trong khu vực; tranh thủ tạo gắn kết lớn hơn và giữ vững nguyên tắc để không rơi vào bẫy cạnh tranh của các nước lớn - Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhận định.

Tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC: Tái khẳng định DOC, cụ thể và nâng lên tầm cao mới

Trong Hội nghị cấp cao ASEAN 21 vừa rồi, có một sự kiện rất quan trọng là tuyên bố kỷ niệm 10 năm tuyên bố DOC. Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, nhìn vào nội dung vừa được ký kết thì các nhà lãnh đạo của hai bên ASEAN-Trung Quốc đã có những khẳng định mãnh mẽ về giá trị cũng như cam kết của mình đã được đề ra trong tuyên bố DOC và khẳngđịnh rằng sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này.

Các nhà lãnh đạo của hai bên ASEAN-Trung Quốc đã khẳng định lại những nguyên tắc rất căn bản điều chỉnh những ứng xử các bên cần phải tuân thủ trong vấn đềbiển Đông, duy trì đảm bảo quyền, ổn định an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật biển cũng như các thỏa thuận đã đạt được trong đó có DOC, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác TAC...

Các nhà lãnh đạo của hai bên ASEAN-Trung Quốc nhấn mạnh lại những cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thực hiện không làm phức tạp thêm tình hình khiến xung đột leo thang gây căng thẳng cho khu vực. Khẳng định hỗ trợ xây dựng môi trường ứng xử Biển Đông, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin.

“Như vậy giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của DOC đã được các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc khẳng định lại một cách mạnh mẽ, và cam kết cùng hợp tác để hướng tới xây dựng COC - Bộ Quy tắc về ứng xử Biển Đông mà hiện tại tất cả các bên đều trông chờ để quản lý một cách tốt hơn và đảm bảo một cách tốt hơn về ổn định, an ninh, an toàn hàng hải.

Một ý nghĩa đặc biệt là việc theo dõi, bảo đảm thực hiện đã được giao cho các bộ trưởng tiến hành kiểm điểm thường xuyên tiến trình thực hiện. Đây là điểm rất quan trọng vì trước đây DOC chỉ giao cho lãnh đạo cấp cao (SOM) đến nay đã giao cho các cấp Bộ trưởng hỗ trợ.

Có thể nói rằng, thời gian qua đã có những diễn biến tích cực trong xây dựng lòng tin, trong ứng xử, dù có lúc này lúc khác đã có những phức tạp nhưng việc DOC được tái khẳng định và cam kết ở cấp cao, đồng thời cụ thể hóa việc theo dõi, kiểm tra sát sao sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và hòa giải hòa bình những tranh chấp quốc tế trong khuôn khổ luật pháp quốc tế một cách tốt nhất - Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Điểm rất mới nữa là lần đầu tiên, việc khẳng định ở cấp cao nhất ASEAN và Trung Quốc về những giá trị đối với những nguyên tắc đã đề ra trong DOC sẽ là nền tảngđể các tất cả các cấp thuộc các nước ASEAN và Trung Quốc thực hiện. Việc lãnhđạo cấp cao cùng hướng tới COC, sẽ tạo nên đường hướng cho các quan chức đàm phán, cùng hợp tác xây dựng xây dựng COC.

Điều này thực sự sẽ là điểm tựa để ASEAN giải quyết các vấn đề Biển Đông, sẽ giúp đạt được những kết quả cao trong mục tiêu chung không chỉ của ASEAN hay của ASEAN-Trung Quốc mà của tất cả các nước đó là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất