Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/11/2012 16:20'(GMT+7)

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VII

Đại diện tăng ni, phật tử cả nước chào mừng Đại hội

Đại diện tăng ni, phật tử cả nước chào mừng Đại hội

 

Chứng minh tối cao Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII là Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Chủ toạ đoàn hiện diện gồm 2 vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Trung ương GHPGVN: Hòa thượng Thích Chơn Thiện và Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu.

Trước khi bắt đầu Khai mạc Đại hội, các đại biểu cử hành nghi lễ cầu nguyện tại chùa Quán Sứ. Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII chính thức bắt đầu bằng nghi lễ chào Quốc kỳ và Đạo kỳ, niệm Phật cầu gia bị, phút tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chư tôn đức giáo phẩm đã viên tịch qua các thời kỳ.

Trong hơn 1.500 đại biểu tham dự đại hội Phật giáo toàn quốc lần này có 954 đại biểu chính thức gồm các đại biểu bao gồm chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, đại biểu đại diện cho các Ban, Viện T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo, Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu, Tăng, Ni, Cư sĩ, Phật tử trong nước và ngoài nước; cùng đại diện các đoàn Phật giáo Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka và hàng nghìn tăng ni phật tử thủ đô và các tỉnh thành đã tham dự.

Thay mặt Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Chơn Thiện – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đọc diễn văn khai mạc. Với Chủ đề “Kế thừa – Ổn định – Phát triển”, Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012); hoạch định chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017); thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ V; suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự và một số Phật sự quan trọng khác. Đại hội sẽ tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với giai đoạn phát triển mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hành Phật sự của Giáo hội để thực hiện thành công phương châm Đạo Pháp-Dân Tộc-Chủ nghĩa Xã hội.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện bày tỏ tâm nguyện, mỗi thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần trau dồi trí tuệ và đạo đức, ra sức tu tập, thực hành Phật sự để ngày càng hoàn thiện, xứng đáng nối tiếp truyền thống của Giáo đoàn Thánh đệ tử Phật; trau dồi trí tuệ, đức hạnh vì lợi ích của số đông. Hòa thượng Thích Chơn Thiện cũng nhấn mạnh đến niềm tin vào trí tuệ và tư bi. Tin Phật là tin vào chính mình vì Phật ở trong tâm mỗi người. Mỗi thành viên của Giáo hội tự tin, tin ở con đường vì Đạo, vì Đời của Giáo hội.


Hơn 1.500 đại biểu và hàng nghìn tăng ni, phật tử về dự ĐH.

Theo Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), trên cả nước đã thành lập 58/63 tỉnh, thành hội Phật giáo. Giáo hội đã thành lập mới 8 tỉnh hội Phật giáo; thành lập các hội Phật tử Việt Nam tại Séc, Ba Lan, Đức, Hungary, Ukraine, Nga... Những ngôi chùa Việt Nam đã có mặt tại tất cả các châu lục gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc. Hiện nay Giáo hội có hệ thống giáo dục đào tạo Tăng ni tương đối hoàn chỉnh ở tất cả các cấp đào tạo. Giáo hội đã phát huy văn hóa nghi lễ truyền thống vào công tác tổ chức các lễ hội Phật giáo, các sự kiện mang tầm quốc tế như Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày nhập diệt của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; tổ chức thành công Đại hội Ni giới quốc tế Sakyaditta năm 2010 với sự tham dự của 30 quốc gia thành viên… Đặc biệt trong hoạt động từ thiện, nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; các trung tâm khám chữa bệnh, Tuệ tĩnh đường đông y và bệnh viện tây y đã ra đời và hoạt động tích cực. Tổng kết công tác từ thiện của nhiệm kỳ VI của tăng ni, tín đồ Phật tử đã làm từ thiện hàng ngàn tỷ đồng.

Tham dự và phát biểu tại buổi Khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, với đường hướng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hoà hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã làm tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, với trí tuệ Phật giáo, với tinh thần đoàn kết lục hòa của tăng ni, Phật tử, với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương tiện để tu hành đạt giác ngộ, giải thoát; khẳng định và xiển dương những giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, để xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm, nương cậy của tăng ni, Phật tử và đồng bào có thiện cảm với Phật giáo trên toàn quốc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ tin tưởng: Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc có có đạo hạnh và trí tuệ, đủ uy tín và năng lực, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm” đảm trách các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, cũng mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bức trướng có dòng chữ "Phật giáo Việt Nam-Hộ quốc-An dân" tặng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

Đại hội diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/11. Trong hai ngày làm việc, Đại hội sẽ tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), thảo luận, thông qua chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017); suy tôn bổ sung thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử thành viên Hội đồng Trị sự, thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Hội nghị sẽ xem xét, thông qua Hiến chương tu chỉnh lần thứ V của GHPGVN; tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa và tuyên dương công đức đối với tăng, ni, Phật tử có nhiều đóng góp cho Phật sự trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời thông qua các văn kiện quan trọng liên quan GHPGVN và tăng, ni, phật tử trong nước và ngoài nước.

Sau hơn 31 năm thành lập (1981-2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nối tiếp truyền thống hòa hợp, "hộ quốc an dân" của các bậc cao tăng trong suốt 2.000 năm Phật giáo đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Sự ra đời, hoạt động và lớn mạnh của GHPGVN đã khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của Giáo hội là tổ chức duy nhất, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Yếu tố cơ bản để thực hiện đường hướng “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội” cũng như tạo nên những thành tựu là do sự lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Trung ương Giáo hội với ý thức vun bồi, bảo vệ sự nghiệp đoàn kết, thống nhất Phật giáo Việt Nam và tôn trọng truyền thống tu học đúng chính pháp.

Sáng ngày mai 24/11, trong khuôn khổ đại hội, GHPGVN sẽ vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của UBTWMTTQVN trao tặng.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất