Thứ Bảy, 4/5/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 15/12/2017 9:9'(GMT+7)

Biến quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hành động cụ thể, thiết thực

“Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”, vì thế đã trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”, đó là vấn đề đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW (Khóa X) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Và từ đó đến nay, với các bước đi cẩn trọng, chắc chắn về quan điểm và sự thống nhất trong Đảng, giữa hệ thống tổ chức của Đảng với cơ quan Nhà nước từ trung ương tới địa phương, kết hợp xây dựng chủ trương, đường lối có tính nguyên tắc và sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp liên quan, chú trọng hoạt động với tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong điều tra, khám phá, khởi tố, xét xử,… mà nhiều vụ án tham nhũng đã bị đưa ra ánh sáng. Cần khẳng định đó là kết quả bước đầu của một quá trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31-7-2017 tại Hà Nội: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong…”.

Nhìn trên toàn cảnh và theo tiến trình thời gian, có thể liệt kê một số vụ án tham nhũng đã thu hút sự chú ý và được dư luận hoan nghênh như: vụ án tại Công ty Vifon, vụ án do Dương Chí Dũng đứng đầu tại Vinalines, vụ án tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank, vụ án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Đác Lắc - Đác Nông, vụ án tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt Việt Nam, vụ án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), vụ án tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy (Vinawaco), vụ án tại Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, vụ án Hà Văn Thắm tại OceanBank… Đáng chú ý là trong những vụ án này, có phiên tòa xét xử kéo dài trong nhiều ngày (như xét xử Phạm Công Danh tại Ngân hàng VNCB hơn 50 ngày), và bên các án tù được tuyên và yêu cầu phải khắc phục hậu quả, đã có một số bị cáo phải nhận án tử hình…

Gần đây, ngày 8-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; sau đó cơ quan này tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng về hành vi tham ô tài sản đã thật sự trở thành sự kiện làm chấn động dư luận không chỉ ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Tuy nhiên, một số cá nhân vốn thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam thì hành động phòng, chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả nêu trên lại trở thành mục tiêu công kích, xuyên tạc. Với sự công kích, xuyên tạc đó, họ tự bộc lộ bản chất đen tối, mục đích xấu xa, tự đẩy họ vào nghịch lý của sự bất lương: họ ra rả phỉ báng Đảng và Nhà nước về tham nhũng, rồi họ kêu gào phải chống tham nhũng, nhưng khi Đảng và Nhà nước kiên quyết chống tham nhũng thì họ lại trở mặt coi đây là “tiếp tục của sự thanh trừng các bè phái”, “thâu tóm quyền lực chính trị”, đặt ra câu hỏi gợi nghi ngờ: “Đánh nhau kịch liệt hay chống tham nhũng?”, hoặc viết trên facebook ví von: “cắt vài cái ung nhọt, chứ không chữa được căn bệnh ung thư”…!

VOA, BBC, RFA,… cũng nhanh chóng “chộp” lấy sự kiện để đưa tin, bình luận. Nếu VOA bình luận theo lối phiếm chỉ: “những người chỉ trích Chính phủ Việt Nam bày tỏ nghi ngờ”, “nhận định của các nhà phân tích cho rằng”,… thì ngoài lối đưa tin, bình luận vốn rất thiếu thiện chí với Việt Nam, BBC còn lập ra mục gọi là “tường thuật trực tiếp” để tống vào đó đủ loại ý kiến thiếu thiện chí, thậm chí bỉ ổi, mà cơ quan truyền thông này đã nhặt nhạnh được trên in-tơ-nét… Với các luận điệu như vậy, không cần phải bàn luận nhiều, vì như một tác giả đã nhận xét trên in-tơ-nét thì qua đó: “nhìn thấy rõ hơn, mục tiêu “đấu tranh dân chủ” của chúng là chỉ muốn đất nước tan hoang vì tham nhũng, chỉ muốn Đảng Cộng sản mất uy tín, mất khả năng điều hành, dân chúng mất tín nhiệm, đất nước rối loạn, trở về năm Ất Dậu 1945 thì chúng mới có cơ hội lật đổ được Đảng Cộng sản”! “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - đó là cách nói đầy hình ảnh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày trước cử tri khi đề cập vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Và thực tế cho thấy, khi kỷ cương, phép nước được đặt lên hàng đầu, tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành động lực duy nhất để tất cả các cơ quan chính quyền và toàn dân cùng vào cuộc phòng, chống tham nhũng thì hoàn toàn không có cái gọi là “vùng cấm”, không có “kim bài miễn tội” cho bất kỳ cá nhân nào đã có hành vi tham nhũng, hoặc có hành vi làm tổn hại quyền lợi chính đáng của nhân dân và xã hội, dù cá nhân đó có cương vị trong Đảng, trong Nhà nước quan trọng đến đâu. Từ Dương Chí Dũng, Phạm Công Danh,… đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cho thấy rất rõ điều này, mà nổi lên là trường hợp của ông Đinh La Thăng.

Bên cạnh đó, cùng với phòng, chống và nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng, Đảng và Nhà nước còn hết sức chú ý tới các đảng viên, cán bộ vi phạm kỷ luật, mà một danh sách khá dài cán bộ cao cấp hoặc nguyên là cán bộ cao cấp đã về hưu tại các cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… và tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hậu Giang, Đồng Nai,… bị xử lý kỷ luật vì đã có sai phạm là các minh chứng rất cụ thể.

Liên quan tới phòng, chống tham nhũng, ngày 15-11 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Quy định đề cập chi tiết, cụ thể về hình thức kỷ luật đối với vi phạm của đảng viên từ nhận thức, phẩm chất chính trị, tư tưởng, quan điểm,… cho đến công việc xã hội, hoạt động, phát ngôn…

Quy định đã khẳng định một trong các nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với đảng viên là: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”, đồng thời nhấn mạnh: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật”. Tiếp đó, ngày 29-11-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP “Về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”. Chương trình được xác định là kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và thực hiện Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Chương trình đặc biệt nhấn mạnh việc: nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định công tác tổ chức, cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Qua việc ban hành Quy định và Chương trình có thể thấy, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã có những bước đi mới, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ vừa phù hợp với diễn biến phức tạp của hiện tượng tham nhũng, vừa giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhằm giữ nghiêm kỷ luật Đảng và kỷ cương, phép nước. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp, Quy định và Chương trình đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với những cá nhân ở vị trí có thể tham nhũng, hoặc có thể dung túng cho tham nhũng. Bởi, dù trực tiếp hay gián tiếp thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi việc làm và vai trò gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu chính quyền các cấp trong phòng, chống tham nhũng đều có ý nghĩa tích cực, hoặc có thể tác động tiêu cực tới uy tín của Đảng, của Nhà nước. Nếu các cá nhân này xây dựng được ý thức nghiêm túc, thường trực về phòng, chống tham nhũng khi tổ chức, quản lý, lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực hoạt động xã hội thì chắc chắn tham nhũng sẽ “không còn đất dung thân”.

Biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp và xảy ra trên diện rất rộng của hiện tượng tham nhũng khiến cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Song, do tham nhũng có thể cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc và làm suy giảm niềm tin, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, cho nên không có cách nào khác, chúng ta cần phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi. Nhìn nhận tham nhũng là một thứ “giặc nội xâm” cũng tức cần phải xác định chỉ những người Việt Nam yêu nước, luôn hành động hướng tới tương lai tươi sáng cho dân tộc mới là người chiến thắng. Và trong cuộc đấu tranh đó, để cái xấu phải bị loại trừ, và yếu tố quyết định thắng lợi là niềm tin vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, từ đó củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng biến quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trước mắt, các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương vào cuộc một cách kiên quyết, điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra trong các phiên họp của Ban Chỉ đạo. Dứt khoát không để "chìm xuồng" hoặc "nhẹ trên, nặng dưới".

Trần Quang Hà/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất