Tròn 50 năm, lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Trị, trở thành vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến nơi này, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm của lãnh tụ Fidel Castro - “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
NHỮNG KÝ ỨC VỀ "NGƯỜI BẠN LỚN" CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
Giữa tháng 9/1973, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Trong tâm
khảm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta ai ai cũng nhớ đến lãnh tụ Fidel
Castro - “người bạn lớn” của Việt Nam hiên ngang, dũng cảm nhưng luôn
gần gũi, thân thiết và sâu sát với từng nơi ông đặt chân đến.
Lãnh tụ Cuba đã đến thăm nhiều nơi vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, khi vùng đất này vẫn còn vương mùi thuốc súng. Nhiều nơi lãnh tụ Fidel Castro đến thăm cũng chỉ cách bờ Nam sông
Thạch Hãn hơn 10km - nơi lúc bấy giờ địch còn tạm chiếm đóng và luôn
chĩa nòng pháo về phía Bắc sông Thạch Hãn.
Lãnh tụ Fidel Castro đã đi bộ từ cầu Đông Hà, thị xã Đông Hà (nay là
thành phố Đông Hà) ngược lên phía Tây (nay là đường Trần Hưng Đạo) để
thị sát những lô cốt, vũ khí của địch bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của
quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Tiếp đó, lãnh tụ Fidel Castro ngược lên Đường 9 đến thăm Cao điểm 241 ở
xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; thăm Dốc Miếu
(huyện Gio Linh) là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ có phòng tuyến hàng
rào điện tử McNamara.
Sáng 15/9/1973, lãnh tụ Fidel Castro dẫn đầu phái đoàn của Cuba đến
Cao điểm 241 trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chiến sĩ
và nhân dân ta. Tại đây, lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ truyền thống của Sư
đoàn 304 trên cao điểm 241 vẫn còn ngổn ngang xác xe tăng và khí tài
của Quân đội Mỹ.
Ông Dương Tú Anh, 87 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ kể lại ở
những nơi lãnh tụ Fidel Castro đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta tiếp
đón hết sức nồng nhiệt và chân thành khi xếp hàng dài, cùng những tràng
vỗ tay liên hồi, rền vang. Tất cả đều dành sự
cảm phục với lãnh tụ Fidel Castro, bởi là nguyên thủ quốc gia nhưng ông
rất gần gũi, thân thiết và không sợ hiểm nguy.
Tại buổi míttinh ở Cao điểm 241, lãnh tụ Fidel Castro đã diễn thuyết
hơn nửa giờ. Ông đã được các cán bộ, chiến sĩ trao tặng lá cờ Bách chiến
Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị
Thiên-Huế. Cầm lá cờ trên tay, lãnh tụ Fidel Castro hô to trước đông đảo chiến
sĩ: “Các đồng chí hãy mang lá cờ Bách chiến Bách thắng này cắm tại Sài
Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Trong suốt hơn 30 phút diễn thuyết, lãnh tụ Cuba ca ngợi lòng dũng
cảm, sự can trường, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn
kết đặc biệt, thủy chung giữa Việt Nam và Cuba.
Sự hiện diện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên ở vùng đất vừa mới được giải phóng Quảng Trị đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta
trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Trị còn nhớ mãi hình ảnh lãnh tụ
Cuba đến thăm Căn cứ Dốc Miếu ở huyện Gio Linh vào đầu giờ chiều
15/9/1973. Dốc Miếu là căn cứ quân sự nổi tiếng của Quân đội Mỹ gần với
giới tuyến (Vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương - sông Bến Hải) và có phòng tuyến
hàng rào điện tử McNamara, để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền
Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Sau 50 năm, bà Hoàng Thị Chẩm (73 tuổi, thôn Xuân Long, xã Trung Hải,
huyện Gio Linh) nữ du kích 9 lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ” giai đoạn
1969-1972, vẫn giữ bức ảnh được bắt tay với lãnh tụ Fidel Castro tại
Căn cứ Dốc Miếu. Bà Chẩm luôn trân trọng gìn giữ và xem bức ảnh này là kỷ vật vô giá.
Bà kể lại, khoảng gần giữa tháng 9/1973, nhận được thông báo của cấp
trên là chuẩn bị “đi công tác”, bà không biết đi công tác là đi đâu, chỉ
nghĩ cấp trên cử đi học do quê hương Gio Linh đã được giải phóng.
Để chuẩn bị “đi công tác”, bà được mẹ mua cho bộ áo mới. Đến tối
14/9/1973, cấp trên báo sáng 15/9 sẽ bắt đầu “đi công tác” và tập trung ở
Căn căn Dốc Miếu. Sáng 15/9/1973 bà cùng các nữ du kích tiêu biểu, cán
bộ, chiến sỹ tập trung ở Căn cứ Dốc Miếu như thông báo. Đến đầu giờ chiều thì nhận được tin từ cấp trên: “15
phút nữa sẽ được đón lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ Đông Hà ra thăm”. Mọi người có mặt tại Căn cứ Dốc
Miếu đều rất bất ngờ và tự hào khi được đón lãnh tụ Cuba.
Đến Căn căn cứ
Dốc Miếu, lãnh tụ Fidel Castro đi một quãng đường trên đồi để thị sát,
tận mắt chứng kiến căn cứ quân sự quan trọng của Quân đội Mỹ còn ngổn
ngang bom đạn; ân cần thăm hỏi, động viên từng cán bộ, chiến sĩ có mặt tại Căn cứ Dốc Miếu.
Bà Chẩm nhớ lại, lãnh tụ Fidel Castro rất gần gũi, thân
thiện với mọi người. Ông bắt tay những nữ du kích tiêu biểu và cán bộ,
chiến sĩ có mặt ở Dốc Miếu. Khi lãnh tụ Fidel Castro bắt tay bà, ông dừng lại nhìn kỹ khuôn mặt,
bày tỏ trân trọng và cảm phục một cô gái mới 20 tuổi đã chiến đấu anh
dũng kiên cường, lập được nhiều chiến công ngay ở một trong những nơi ác
liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Do đó bà luôn tự hào và trân
trọng khoảnh khắc được lãnh tụ Cuba bắt tay và động viên.
"Mỗi hình ảnh, lời nói, cử chỉ của lãnh tụ Phidel Castro đều in sâu
trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời là sự cổ vũ mạnh mẽ
đối với toàn thể nhân dân Quảng Trị nói riêng, miền Nam Việt Nam nói
chung", bà Chẩm chia sẻ.
Chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng đất vừa mới được giải
phóng ở Quảng Trị, đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để quân
và dân ta “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.
Theo TS. Nguyễn Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến Việt Nam thắt chặt quan hệ
ngoại giao giữa hai dân tộc. Cuba tiếp tục tái khẳng định là người bạn
chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là với cuộc kháng chiến chính
nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam mà người đại diện chân chính là
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Tại cuộc míttinh ở vùng giải phóng Quảng Trị, lãnh tụ Fidel Castro
nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam luôn luôn là một dân tộc thống nhất và tự
do. Không có một dân tộc nào trong thời đại ngày nay đã chiến đấu một
cách gian khổ như nhân dân Việt Nam vì độc lập của mình. Thắng lợi to
lớn thắng lợi thần kỳ của Việt Nam”.
Tấm bia tại Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam ghi lại sự kiện lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm.
(Ảnh: TTXVN)
TÔN VINH SỰ GIÚP ĐỠ CHÍ TÌNH
Sau chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro tháng 9/1973, Chính phủ và nhân dân Cuba đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhiều công trình để phát triển kinh tế - xã hội như Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi.
Tại tỉnh Quảng Trị, Cuba đã hỗ trợ xuyên suốt từ ngay sau chiến tranh
cho đến nay. Theo TS. Nguyễn Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh, ngoài thắt chặt quan hệ và tiếp tục tái khẳng định Cuba là
người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam, chuyến thăm của lãnh tụ Fidel
Castro còn có ý nghĩa kinh tế. Bởi lúc đó, Việt Nam đang bị tàn phá do
chiến tranh và nghèo nàn lạc hậu.
Nằm ở phía Nam cầu dây văng Đakrông, xã Đakrông, huyện miền núi
Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tấm bia lưu niệm “Đoạn đường hữu nghị Việt
Nam - Cuba” ghi rõ: “Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, đoạn Đakrông - A
Lưới do Bộ đội Trường Sơn xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân
dân Cuba, sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro vào tháng
9/1973”.
Tại lễ khánh thành tấm bia này vào ngày 11/12/2020, Thiếu tướng Võ Sở,
Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam đã chia sẻ sau khi Hiệp định Paris được
ký kết (ngày 27/1/1973), Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận nhiệm vụ dốc toàn
lực củng cố hoàn thiện hệ thống hạ tầng đường giao thông cả ở Tây và
Đông Trường Sơn; trong đó ưu tiên xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn
từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 1.200km.
Phó
Chủ tịch Cuba Salvado Valdés Mesa đặt vòng hoa trước tượng đài lãnh tụ
Fidel Castro tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới. (Ảnh: TTXVN)
Đây là thách thức lớn đối với Bộ đội Trường Sơn bởi lúc đó đơn vị
thiếu cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị thi công. Với quyết tâm cao, Bộ
Tư lệnh Trường Sơn đã huy động gần như toàn bộ lực lượng công binh đồng
loạt thi công đường Đông Trường Sơn đoạn từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Bù
Gia Mập (Bình Phước).
Riêng đoạn từ Đakrông (Quảng Trị) đi Bù Lạch (Quảng Nam) do Trung đoàn 6 và Trung đoàn 515 của Sư đoàn 473 thi công.
Tháng 9/1973, lãnh tụ Fidel Castro sang thăm Việt Nam và đến vùng đất
Quảng Trị vừa giải phóng. Biết được những khó khăn thiếu thốn của Bộ
đội Trường Sơn, Chính phủ Cuba đã tặng Việt Nam, trực tiếp là cho bộ đội
Trường Sơn dàn thiết bị thi công cầu đường trị giá 6 triệu USD.
Món quà quý giá mà Bộ đội Trường Sơn đang cần là những máy đào, xe
cẩu, máy san, máy rải nhựa, xe ben, thiết bị thí nghiệm rất hiện đại...
đã cập cảng Hải Phòng đầu năm 1974.
Trung đoàn 515 là đơn vị được tiếp nhận và sử dụng những xe máy mới
được viện trợ. Một đoàn 43 cán bộ Bộ đội Trường Sơn cũng được cử sang
Cuba tập huấn trong 4 tháng.
Nước bạn cũng cử một đoàn chuyên gia gồm sỹ quan công binh, kỹ sư cầu
đường sang Việt Nam sát cánh cùng Bộ đội Trường Sơn xây dựng tuyến
đường Đông Trường Sơn. Đoạn đường từ Bến Tắt (Gio Linh) đến Cam Lộ
(22km) và đoạn từ Đakrông đến Bù Lạch (110km) được Trung đoàn 6, Trung
đoàn 515 thi công bằng kỹ thuật và xe máy Cuba viện trợ từ năm
1974-1976.
Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh bia lưu niệm chỉ là một công trình nhỏ
nhưng có ý nghĩa lớn, đã ghi tạc và tôn vinh sự giúp đỡ chí tình của
Chính phủ và nhân dân Cuba trong giai đoạn khó khăn của Bộ đội Trường
Sơn, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Một minh chứng cho tình hữu nghị
đoàn kết giữa hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam - Cuba mãi mãi thủy chung,
đời đời bền chặt.
NHỮNG CÔNG TRÌNH MANG ĐẬM DẤU ẤN HỢP TÁC
Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông nối Quốc lộ 14 với Quốc lộ 9
tại xã Đakrông, huyện Đakrông là một trong những công trình mang đậm dấu
ấn của nước bạn Cuba.
Trong những năm 1972-1975, tại đây, từng có cây cầu treo làm bằng sắt để kết nối tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới (Thừa Thiên-Huế), sau đó tiếp tục đi vào chiến trường miền
Nam để chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Sau ngày đất nước
thống nhất, được sự giúp đỡ của Chính phủ Cuba, cầu treo Đakrông dài
100m, rộng 6m được xây dựng thay thế cho cầu treo cũ.
Cầu treo Đakrông. (Ảnh: TTXVN)
Sau nhiều năm sử dụng cây cầu treo này bị xuống cấp và hư hỏng nặng.
Một lần nữa Chính phủ Cuba tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu dây
văng Đakrông, thay thế cho cầu treo cũ và được hoàn thành năm 2001.
Cây cầu đã kết nối tuyến vận tải quan trọng trong khu vực. Theo Giám
đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng, ngoài phục vụ nhu cầu
phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở các xã
của huyện miền núi Đakrông, cây cầu còn nằm trên tuyến vận chuyển đường
bộ xuyên biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập
khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và ngược
lại.
Cầu treo Bến Tắt (xã Linh Trường, huyện Gio Linh) cũng là một trong
những công trình trên địa bàn được nước bạn hỗ trợ. Được xây dựng năm
1973, cây cầu bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải có chiều dài 150m, rộng
6m với 8 sợi dây cáp treo hai bên.
Đây là chiếc cầu treo đầu tiên và duy nhất do các kỹ sư Cuba thiết
kế, xây dựng trên tuyến đường vận tải Hồ Chí Minh huyền thoại. Công
trình đã góp phần đẩy nhanh việc chi viện từ miền Bắc cho chiến trường
miền Nam.
Sau khi bị hư hỏng do thiên tai, cầu treo Bến Tắt đã được phục dựng
vừa để ghi nhớ sự giúp đỡ của nước bạn Cuba, vừa tạo điều kiện kiện
thuận lợi cho người dân địa phương đi lại.
Trong công cuộc xây dựng quê hương, Quảng Trị tiếp tục được Chính phủ
và nhân dân Cuba hỗ trợ. Năm 2006, nước bạn cử chuyên gia cao cấp của
Viện Quy hoạch Cuba Abelardo Pérez Ayllón sang hỗ trợ tỉnh lập quy hoạch
đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch; trong đó chú trọng đến việc hạn chế
sự tác động của con người vào thiên nhiên, nhất là thảm thực vật, rừng
và biển.
Đảo Cồn Cỏ gắn với lịch sử đấu tranh kiên cường của người dân Quảng
Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Do đó trong quá trình phát
triển du lịch đảo Cồn Cỏ, địa phương luôn quan tâm đến việc bảo tồn và
tôn vinh những giá trị lịch sử.
Hiện nay, đảo Cồn Cỏ đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn
đối với du khách khi đến Quảng Trị. Năm 2023, hòn đảo cách đất liền
khoảng 17 hải lý này đã đón khoảng trên 9.000 lượt khách.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ
Viết Cường cho biết, ý tưởng quy hoạch đảo Cồn Cỏ của chuyên gia Cuba
cách nay 17 năm cơ bản vẫn được địa phương sử dụng trong định hướng phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Huyện tiếp tục phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ theo hướng bền vững; tập
trung phát triển Du lịch Xanh để du khách dễ dàng tiếp cận với thiên
nhiên và bảo vệ môi trường; giữ lại địa thế, địa hình của đảo, hạn chế
tác động của con người vào cảnh quan.
Trong những buổi tiếp và làm việc với các đoàn cán bộ Cuba thời gian
qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác
sâu rộng hơn nữa với nước bạn trên nhiều lĩnh vực như y tế, kiến trúc
đô thị, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh
mong muốn Cuba cử chuyên gia cao cấp ngành y tế hỗ trợ tỉnh; hỗ trợ
doanh nghiệp địa phương giới thiệu các mặt hàng nông sản tiêu biểu như
gạo, càphê, tiêu, ớt đến thị trường Cuba./.
NGUYÊN LÝ (TTXVN)