Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; các nhân chứng lịch sử cùng đại diện các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ tư lệnh Quân khu 9, Tỉnh ủy An Giang và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đồng chủ trì, điều hành hội thảo.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng
Ngày 7-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và Lực lượng vũ trang (LLVT) Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng Phnôm Pênh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Xari. Trước đó, từ tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Campuchia, tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari đã đi ngược với truyền thống vốn có của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù dân tộc, cho quân gây rối, xâm lấn vùng biển Tây Nam của Việt Nam. Cuối năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari đã tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, giết hại và làm bị thương nhiều dân thường, phá hủy nhiều tài sản của nhân dân Việt Nam.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia Dân chủ.
|
Các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và tỉnh An Giang tại hội thảo. |
“Nhưng chúng ta càng kiềm chế thì tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari càng lấn tới, buộc Việt Nam phải chọn con đường đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn; chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh
Trong tham luận gửi tới hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: Những hành động của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari rõ ràng là xâm lược, phi nghĩa, không gì có thể biện minh được. Mặc dù lúc đó Việt Nam có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhưng xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia nên Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kiên trì tìm cách cứu vãn hoà bình, nhiều lần đề nghị đàm phán, thương lượng để giải quyết những bất đồng. Song tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari đã cự tuyệt mọi thiện chí của chúng ta, công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam. Thực tế đó đã buộc Đảng, Chính phủ Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, sử dụng vũ lực đánh đuổi xâm lược, bảo vệ nhân dân và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng
Trước hành động mở rộng chiến tranh của kẻ địch, từ tháng 12-1977, Việt Nam đã sử dụng lực lượng của các đơn vị: Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, một số sư đoàn của Quân khu 7, Quân khu 9 cùng LLVT và dân quân các địa phương mở đợt phản công.
Đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam đã phối hợp với các LLVT cách mạng Campuchia liên tục mở các đợt tiến công, đẩy lực lượng Pôn Pốt ngày càng rơi vào thế bị động. Sau thắng lợi ngày 7-1-1979, Hội đồng cách mạng Campuchia tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam do tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari gây ra.
Đại tướng Phạm Văn Trà chia sẻ: Trong đợt phản công từ trung tuần tháng 12-1977 đến đầu tháng 1-1978, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) cùng LLVT địa phương tỉnh An Giang đã giành quyền chủ động tiến công địch. Khi ta truy kích địch và giải thoát cho hàng vạn người dân Campuchia bị giam cầm trong các trại tập trung, họ gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật” đã sang cứu nhân dân Campuchia; giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng với tinh thần đoàn kết quốc tế vô tư trong sáng; phát huy truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu chống ngoại xâm của hai dân tộc, nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam là một thử thách toàn diện đối với sức mạnh Việt Nam, bởi vì sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã chịu nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh. Hơn lúc nào hết, nhân dân Việt Nam đang rất cần có thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại đất nước.
Nhiều tham luận tại hội thảo nhận định: Trong hoàn cảnh đó, với tinh thần chí nghĩa, chí tình, Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống cho nhân dân nước bạn. Việt Nam đã giúp những người yêu nước Campuchia xây dựng lực lượng chính trị, LLVT; giúp bạn đào tạo cán bộ, thành lập ban vận động cách mạng ở từng địa phương, từng địa bàn; xây dựng các tổ chức quần chúng và tổ chức đảng, mở rộng vùng giải phóng, lập vùng căn cứ kháng chiến… tạo thành nhân tố thúc đẩy phong trào đấu tranh chống tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari mạnh mẽ hơn.
Việc những người cách mạng chân chính Campuchia đứng lên chống lại chế độ Pôn Pốt và kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam đã tạo cơ sở để Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp nhân dân Campuchia làm nên chiến thắng, đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari, cứu nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng. Thắng lợi ngày 7-1-1979 là thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả, trách nhiệm với đồng loại của nhân dân Việt Nam.
Giá trị lịch sử và bài học to lớn
Với tinh thần khách quan, khoa học, hội thảo đã đánh giá tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tinh thần liên minh đoàn kết chiến đấu của quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia; đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của hai nước trong thời kỳ mới.
Theo Thiếu tướng, TS Lê Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các tham luận đã làm sáng tỏ, đầy đủ hơn nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề nổi bật là khẳng định nguyên nhân thắng lợi, rút ra ý nghĩa và bài học của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trước âm mưu, hành động của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xari, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương sách lược đúng đắn, phát huy được sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đó là nguyên nhân cơ bản và hàng đầu để quân và dân ta giành thắng lợi, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng. Chiến thắng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam một lần nữa khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động nào của thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, với trách nhiệm của một dân tộc đã chịu nhiều mất mát, đau thương vì chiến tranh, Việt Nam sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần xây dựng hòa bình khu vực và thế giới.
Hội thảo cũng đã nêu bật, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học và kinh nghiệm sâu sắc, như: Tinh thần cảnh giác cách mạng, nhạy bén trong nhận diện đối tượng và đối tác, nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động trong ứng phó với mọi tình huống, xây dựng LLVT nhân dân và thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ xa, củng cố đoàn kết hữu nghị với các quốc gia láng giềng…
Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: Sự giúp đỡ bằng xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam-Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc.
Theo QĐND