Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Sáu, 10/9/2021 15:0'(GMT+7)

Bình Định triển khai đồng bộ các giải pháp đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống

Hoạt động giao lưu trực tuyến, giải đáp các vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thường xuyên được Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức

Hoạt động giao lưu trực tuyến, giải đáp các vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thường xuyên được Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Thường vụ  Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 12/12/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 26/9/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; ban hành, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản, chính sách và hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong có di chứng tàn tật đang sinh sống, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh…

Từ năm 2012 đến nay, Bình Định đã tổ chức trên 812 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, đối thoại, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; 20 cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phát hành trên 400.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền/năm; 2.120.470 tờ gấp “Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” đến từng hộ gia đình và mọi người dân; in 35.000 vở học sinh, 10.500 tờ bìa kẹp tài liệu, 9.700 áo mưa, 3.700 mũ, áo thun có nội dung tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Để thực hiện thuận lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền thông tin từ tỉnh đến cơ sở. Nhất là tăng cường truyền thông về việc sử dụng hình thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số trong hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến mọi người dân, đến nay, có trên 200 nghìn người trong tỉnh cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID thuận lợi và nhiều tiện ích trong hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Qua 9 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực; làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị ở tỉnh ta đạt và vượt chỉ tiêu, đó là, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh tăng dần qua từng năm. Công tác thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, với số thu tăng bình quân 11,48%/năm.

Công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đẩy mạnh, vừa đảm bảo giải quyết các chế độ, chính sách kịp thời cho người dân,vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành bảo hiểm xã hội đã phối hợp với hệ thống bưu điện và ngân hàng chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua phương thức chuyển khoản; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 2 tháng/đợt thuận lợi cho người dân; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam; chế độ hưu trí, tử tuất được thiết kế theo hướng tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước hướng đến sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng.

Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các cơ quan, doanh nghiệp kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp trốn đóng, nợ đọng; từ năm 2012 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 814 đơn vị; phối hợp kiểm tra liên ngành tại 67 đơn vị tại 82 đơn vị sử dụng lao động. Kết quả, đã thu hồi được trên 6.995 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu so với quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiệu quả chưa cao; việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp mặc dù có chuyển biến so với trước nhưng còn hạn chế; tỷ lệ nhập viện, số ngày điều trị, chi phí sử dụng giường bệnh, chi phí một lần khám, chữa bệnh ngoại trú...luôn cao hơn mức bình quân chung cả nước, làm gia tăng chi phí bảo hiểm y tế, gây mất cân đối dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nguyên nhân hạn chế nêu trên do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định, làm ảnh hưởng đến việc tham gia và thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân và doanh nghiệp, trong lúc nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, chế tài xử phạt các vi phạm theo Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều vướng mắc, chưa phù hợp thực tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian tới, để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội; góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trong tỉnh cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; cải tiến quy trình nghiệp vụ quản lý và thủ tục giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các sở, ngành; tiếp tục thực hiện thay thế sổ bảo hiểm xã hội bằng thẻ điện tử; giảm số giờ giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, tăng mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Nhất là thực hiện hiệu quả việc chi trả tại nhà cho người hưởng thuộc địa bàn đang có dịch và bị phong tỏa; đối tượng là người cao tuổi. Tăng cường tổ chức triển khai các giải pháp thu, đôn đốc thu nợ bằng hình thức thông báo, trao đổi qua điện thoại, intenet, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Huỳnh Huyện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất