Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 21/9/2013 21:7'(GMT+7)

Bình Dương: Đồng bào Công giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước

(Ảnh minh hoạ: cpv.org.vn)

(Ảnh minh hoạ: cpv.org.vn)

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, phong trào thi đua yêu nước của hơn 75 ngàn giáo dân trong tỉnh đã “nở rộ” với nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến ở tất các lĩnh vực của đời sống - xã hội, theo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, trong đó chỉ riêng sự đóng góp về vật chất của đồng bào Công giáo trong 5 năm gần đây đã lên đến trên 44 tỷ đồng.

Khu điều trị phong Bến Sắn (huyện Tân Uyên) xây dựng năm 1959, hiện có 12 nữ tu thuộc Cộng đoàn Nữ thuộc Tu hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, ngày đêm âm thầm chăm lo cho 450 bệnh nhân phong với tinh thần "Thầy thuốc như mẹ hiền", chia sẻ và xoa dịu phần nào những đau khổ, bất hạnh đang đè nặng trên cuộc đời của bệnh nhân. Nữ tu Nguyễn Thị Thơm, người quản lý Khu điều trị cho biết: Ngoài việc chăm sóc các bệnh nhân phong về mặt y tế, các nữ tu còn vận động nhiều cách, nhiều nguồn khác nhau từ các tổ chức từ thiện và cá nhân để tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho bệnh nhân, bình quân mỗi người thêm 180 ngàn đồng/tháng (bên cạnh tiền trợ cấp của Nhà nước là 240 ngàn đồng/người/tháng). Trong 5 năm gần đây, tổng số tiền các nữ tu vận động hỗ trợ thêm cho bệnh nhân gần 4,9 tỷ đồng; đồng thời vận động cấp học bổng cho 185 học sinh là con bệnh nhân, tổng trị giá trên 1,56 tỷ đồng.

Gian nan và khó khăn không kém so với Khu điều trị phong, Trung tâm khiếm thính Thuận An (thường gọi là Trường câm điếc Lái Thiêu) tại thị xã Thuận An, có bề dày hơn 100 năm do linh mục chánh xứ họ đạo Lái Thiêu là Azema thành lập năm 1886 và đến năm 1903 các nữ tu dòng thánh Phaolo quản lý điều hành. Trung tâm là cơ sở trực thuộc trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh chuyên nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khiếm thính từ lứa tuổi tiền học đường (mầm non) cho đến hết cấp trung học cơ sở dưới hai hình thức: Nội trú và bán trú. Đồng thời, Trung tâm còn là nơi huấn luyện đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chuyên ngành khiếm thính của các Trường khuyết tật thuộc các tỉnh phía Nam . Hiện Trung tâm có 9 nữ tu và 59 cán bộ, viên chức, lao động chăm lo sự nghiệp giáo dục cho 370 trẻ khiếm thính và 15 người lớn khiếm thính từ 37 đến 70 tuổi. Nữ tu Trịnh Thị Đào, Phụ trách Trung tâm bộc bạch: Dù vòng tay không đủ dài, dù con tim bé nhỏ và năng lực giới hạn, các nữ tu luôn tâm nguyện làm hết sức mình vượt qua khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nối sứ vụ yêu thương, chăm sóc và giáo dục những người đang sống tách biệt và xa rời cuộc sống cộng đồng vì khiếm khuyết khả năng nghe và hạn chế trong ngôn ngữ giao tiếp, để mai ngày các em trở thành những công dân tốt cho xã hội và có thể tự tin bước vào đời, hòa nhập cộng đồng bằng đôi chân và khối óc đầy nghị lực...

Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của giáo dục đối với sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhiều giáo xứ và Tu viện trong tỉnh đã có nhiều chương trình khuyến học dành cho các học sinh nghèo hiếu học và đã huy động đồng bào Công giáo đóng góp trên 10 tỷ đồng chăm lo sự nghiệp giáo dục. Các giáo xứ huyện vùng xa Phú Giáo, ngoài đóng góp trên 2 tỷ đồng kinh phí học bổng, còn tạo điều kiện cho các giáo viên sử dụng phòng hội của nhà xứ để mở lớp phụ đạo các môn học trọng điểm, cũng như hỗ trợ các thầy cô và học sinh gặp khó khăn về kinh tế. Nhiều Cộng đoàn tu sĩ mở các lớp học tình thương, mẫu giáo, nhà trẻ phục vụ con em nghèo. Nhiều giáo xứ tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi, tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn chốn ở cho sĩ tử đi thi như các Cộng đoàn, dòng tu và giáo xứ ở thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An; trong đó có Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam tổ chức miễn phí việc tiếp đón, lo chỗ ăn nghỉ cho thí sinh và phụ huynh, cũng như đưa đón thí sinh đến nơi thi...

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp cao, thu hút trên 700 ngàn lao động nhập cư, dẫn đến phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự ở các khu dân cư và khu nhà trọ. Để góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, nhiều giáo xứ đã có sáng kiến nâng đỡ đời sống tinh thần của người lao động Công giáo xa nhà như: Tiếp đón, hướng dẫn, thăm viếng và cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm tệ nạn xã hội... Giáo xứ An Bình, Đông hòa, Dĩ An (thị xã Dĩ An) thường xuyên thăm hỏi và trợ giúp công nhân tại các khu nhà trọ; Giáo xứ Chánh tòa Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) tổ chức những chuyến xe buýt hàng tuần để đưa đón công nhân từ khu công nghiệp Tân Định đi lễ Chúa nhật; giáo xứ Búng, Bình Hòa, Bà Trà, Phú Long (thị xã Thuận An) hàng năm tổ chức các lớp giáo lý hôn nhân, buổi tĩnh tâm cho giới trẻ công nhân. Nhóm thanh niên thiện chí giáo xứ Bến Cát tổ chức gặp gỡ, giao lưu với công nhân trẻ xa nhà để trao đổi, giúp nhau kiện toàn đời sống... Các giáo xứ ở thị xã Dĩ An, Thuận An còn vận động hàng ngàn gia đình công giáo kinh doanh dịch vụ nhà trọ cho công nhân thuê, chỉ cho thuê đối với những người có giấy tạm vắng, tạm trú, thẻ công nhân hoặc những người có việc làm rõ ràng...

Về nguyên nhân đạt được của phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Bình Dương, Đại hội đại biểu Người Công giáo Bình Dương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (2013-2018) mới đây đã đúc kết: C uộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động có nội dung cơ bản phù hợp với tinh thần Tin Mừng, phù hợp với nếp sống của người Công giáo; phù hợp với truyền thống dân tộc đậm tính nhân văn; là những việc làm thiết thực với nếp sống người dân, phát huy tính chủ động, đề cao tinh thần tự giác tự nguyện, cùng hợp tác vì lợi ích của dân./.

(Theo: QĐND/TTXVN)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất