Trong khuôn khổ chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm trên toàn quốc, đoàn thanh tra Bộ VH, TT & DL phối hợp với thanh tra tỉnh Bình Dương đã phát hiện Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam vi phạm bản quyền với số lượng lớn.
Đoàn thanh tra Bộ VH, TT & DL phối hợp với thanh tra tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra đột xuất công ty Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam và phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp lên tới 1 tỷ đồng.
Tại cuộc thanh tra đột xuất kéo dài trong suốt ngày 24/3 tại Công ty Kaiser Việt Nam (100% vốn của Đài Loan) có trụ sở tại Khu CN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 92 máy tính và phát hiện một số lượng lớn các phần mềm được cài đặt trong các máy tính nhằm sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của công ty mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Giống như kết quả của các đợt thanh tra trước, các phần mềm được phát hiện đa số là các phần mềm phổ biến như Microsoft Windows XP Professional 2002; Microsoft Office 2003; AutoCAD; từ điển Lạc Việt và bộ gõ Vietkey.
Trước những chứng cứ trên, Tổng Giám đốc công ty Kaiser VN ông Huang Shih Tsung đã ký vào biên bản thanh tra thừa nhận hành vi sao chép, cài đặt, sử dụng một số chương trình phần mềm trên mà chưa được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đại diện công ty Kaiser cũng cam kết sẽ làm việc với chủ sở hữu để mua các chương trình phần mềm có bản quyền hợp pháp.
Cũng vào cuối tuần trước, Đoàn thanh tra đã gửi khuyến cáo trực tiếp tới hàng loạt các công ty bán máy tính trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) và hàng nghìn khuyến cáo sẽ tiếp tục được gửi đi trong thời gian tới. Các động thái này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trên tất cả các lĩnh vực trong đó có vấn đề về bản quyền phần mềm.
Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Bộ VH, TT & DL cho biết có đến 85% phần mềm máy tính, 80-90% bản ghi âm, ghi hình đang lưu hành, sử dụng có vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành về quyền tác giả, quyền liên quan còn nhiều hạn chế và chưa nghiêm túc của nhiều tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng bản quyền. Trong khi đó, hệ thống thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của các cấp chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Đối với phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra bộ VH, TT & DL cũng khuyến cáo: “ Để từng bước thích nghi với một nền kinh tế có sự bảo hộ chặt chẽ của cơ chế Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp phải đầu tư thời gian cho việc tìm hiểu hệ thống luật pháp và chi phí để sử dụng cơ chế này. Chi phí mua phần mềm có bản quyền sẽ không còn là vấn đề quá nặng nề nếu các doanh nghiệp nhìn nhận rằng: mua phần mềm máy tính cũng là một khoản đầu tư của công ty và vốn đầu tư này sẽ giúp cho doanh nghiệp sinh lời. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ lên dự toán ngân sách hàng năm để mua các phần mềm có bản quyền sử dụng phục vụ mục đích kinh doanh của mình".
Sau các hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 36/2008/CP-TTg được Bộ VH,TT & DL được tổ chức rộng rãi tại các tỉnh thành khu vực Bắc, Trung và Nam từ giữa tháng 3 đã thể hiện quyết tâm lớn đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được đẩy mạnh hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai của chiến dịch hiệu quả đến đâu thì vẫn còn phải chờ đợi nhưng những động thái mạnh mẽ này của Chính phủ cũng hứa hẹn một năm đạt được nhiều bước tiến mới trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan tại Việt Nam.
(Theo VnMedia)