Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/4/2011 14:44'(GMT+7)

Bình ổn giá: Nhìn từ con cá, lá rau...

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Trong lúc toàn bộ hệ thống chính trị và mỗi người dân đang tích cực thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì một vấn đề rất “vi mô” là giá cả thịt, cá, rau dưa, củ quả ở các chợ thành phố vốn đã tăng cao từ dịp Tết, nay lại được đà tức thì "leo" theo giá xăng. Mớ rau, con cá... mà sáng một giá, chiều một giá làm chóng mặt không ít gia đình, nhất là những hộ có mức sống thấp. Để đối phó, nhà nghèo ở thành phố có người “cực đoan” nhịn bữa sáng, cắt giảm chi tiêu tối đa; có người thì thay đổi thói quen, không mua ở chợ cóc nữa mà chịu khó dậy sớm ra mua ở chợ đầu mối, lại có người cất công đi xa hàng chục km về chợ quê ở ven đô mua đồ ăn, thức uống đem về để tủ lạnh, ăn cả tuần.

Gia đình tôi, như bao nhiêu gia đình có mức sống trung bình ở Thủ đô Hà Nội, cũng phải áp dụng chiêu thức trên. Thịt, cá, rau củ quả nhờ các cụ ở tận Thanh Hóa mua hộ, gửi theo xe khách ra Hà Nội. Kết quả thật bất ngờ, chỉ trong một tháng, nhà tôi tiết kiệm được hơn một triệu đồng mà bữa ăn vẫn bảo đảm, chất lượng, thậm chí có phần khá hơn. Từ “thành công” này, tôi bất chợt mông lung suy nghĩ: Trong xu thế lương thực, thực phẩm tăng giá “té nước theo mưa” thế này, lợi nhuận rơi vào túi ai? Đi khảo sát vài vùng quê ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên lâu nay vẫn cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường Hà Nội thì thấy giá cả nhích lên nhỏ giọt. Chị Nguyễn Thị Hà, nông dân trồng rau ở Yên Phong (Bắc Ninh) bảo: Trước Tết, một củ su hào bán cất 1.500 đồng, thì nay cũng chỉ nhích lên 1.600 đồng. Thế nhưng, các chợ trên phố, giá su hào từ 2.500 đồng/củ trước Tết, nay đã tăng 4000 đồng. Rõ ràng, giá tăng, người tiêu dùng thiệt, người nông dân cũng chẳng được lợi gì, chỉ những người ở khâu trung gian hưởng lợi.

Để thực hiện thành công các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11, nhất thiết phải tổ chức, quản lý, kiểm soát tốt thị trường nông sản. Lĩnh vực nhỏ này có quan hệ thiết thân đến hiệu quả an sinh xã hội. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết 11, rất nhiều địa phương, bộ, ngành chấp hành nghiêm việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm năng lượng, thắt chặt chi tiêu ngân sách, thúc đẩy sản xuất hàng hóa… nhưng lại thờ ơ, sao nhãng khâu tổ chức phân phối các loại hàng lương thực, thực phẩm. Tư thương đã “lấp đầy” cái khoảng trống mà cơ quan chức năng chưa để ý tới và đang “vớ bẫm” trên lưng người lao động và người tiêu dùng.

Vậy giải pháp nào để bình ổn giá lương thực, thực phẩm? Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đầy đủ, công bố rõ những tác động cùng tỷ lệ tăng giá theo mức chấp nhận được sau các đợt điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giá các cấp cần tăng cường kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, đại lý, tư thương tăng giá bất hợp lý. Việc này, cơ quan quản lý giá có làm nhưng mới hô hào là chính, thực tế chưa xử lý được ai.

Còn nhớ, năm 2009, ông Pu-tin, Thủ tướng Nga đang chủ trì một hội nghị bàn cách kiềm chế giá cả thì ông dừng họp, mời tất cả đại biểu đi sang siêu thị Perekrestok nằm gần đó và chứng minh cho ông chủ siêu thị thấy rằng, ông ta đã bán thịt lợn, xúc xích… đắt gấp đôi so với giá thực. Trước chứng cớ xác thực của người đứng đầu Chính phủ, ông chủ siêu thị đã lập tức phải hạ xuống bán theo giá hợp lý.

Thị trường nông sản ở nước ta đang rất cần những hành động cụ thể như thế!./.

(Hồng Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất