Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm (2008 - 2013) thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Mạng lưới Đông y phát triển đều khắp, từng bước phát huy hiệu quả
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được 05 kết quả nổi rõ:
Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh đã kịp thời quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X); quá trình đó, đã lồng ghép với việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Việc tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về y dược học cổ truyền và cách phòng, trị bệnh bằng Đông y được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nền Đông y và Hội Đông y các cấp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Hội Đông y ở cấp mình; nhờ đó, hệ thống Hội Đông y các cấp trong tỉnh phát triển khá nhanh, đều khắp và từng bước phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 10/10 Hội Đông y cấp huyện và 109/127 Hội Đông y cấp xã, với tổng số 1.028 hội viên, tăng 80 hội viên so với cuối năm 2008. Đội ngũ cán bộ Đông y ở tuyến tỉnh hiện có 128 người, tuyến huyện 56 người, đang công tác ở các khoa, tổ y dược học cổ truyền thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện; trong đó có 01 thạc sĩ, 31 bác sĩ, 12 dược sĩ; riêng cấp xã có 48 cán bộ chuyên trách y dược học cổ truyền, phần lớn là y sỹ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lương y, lương dược tiếp tục được quan tâm. Trường Cao đẳng Y tế đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về Đông y cho gần 900 học viên; tổ chức liên kết với Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Hội Đông y thành phố Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng chuyên môn cho 94 lương y. Toàn tỉnh có 322 cơ sở khám, chữa bệnh bằng Đông y, 74 nhà thuốc Đông y, 01 Trung tâm thừa kế - ứng dụng Đông y thuộc Hội Đông y tỉnh.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng Đông y ở các cơ sở y tế công lập; công tác xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh bằng Đông y được đẩy mạnh, đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở khám, chữa bệnh bằng Đông y và ngày càng có nhiều bệnh nhân tham gia điều trị bệnh, góp phần giảm tải số lượng bệnh nhân ở các tuyến y tế công lập. Trong 5 năm (2008 - 2012), toàn tỉnh có hơn 1,6 triệu lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chiếm 30% tổng số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh; trong đó: Số người khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến tỉnh chiếm 10%, tuyến huyện chiếm 40% và tuyến xã chiếm 45% so với tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở mỗi tuyến.
Công tác bảo tồn quỹ gen, nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu, kế thừa, phát triển các thành tựu y dược học cổ truyền được chú ý hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 115/127 trạm y tế cấp xã có vườn thuốc Nam với tổng diện tích 13.000 m2, chủ yếu trồng các loại cây thuốc để làm mẫu; có khoảng 7.593 hộ gia đình hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Đông y, Hội Chữ thập đỏ trồng nhiều loại cây thuốc Nam quý hiếm với tổng diện tích 63.673 m2. Trong 02 năm (2008 - 2010), Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Viện Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Điều tra khảo sát nguồn dược liệu tự nhiên tỉnh Bình Thuận”; qua đó đã xác định thành phần hóa dược của một số loài cây thuốc quý, có giá trị dược liệu cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu, đánh giá đạt loại khá. Ngoài ra, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức 10 hội nghị thừa kế, vận động tập hợp 250 thầy thuốc tham gia giới thiệu 87 bài thuốc và những kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh bằng phương pháp Đông y. Ngoài ra, các cấp Hội Đông y trong tỉnh đã chú trọng tham mưu cho chính quyền cùng cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển ngành Đông y địa phương gắn với các cơ sở tín ngưỡng của các tôn giáo, hoạt động của các câu lạc bộ dưỡng sinh, vật lý trị liệu như: Tịnh độ cư sĩ Phan Thiết, phòng chẩn trị Đông y giáo xứ Tân Hà, Tuệ Tỉnh đường Tân Thắng (huyện Hàm Tân), Tuệ Tỉnh đường Đức Chính (huyện Đức Linh), Tuệ tỉnh đường Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc)…
Công tác phối hợp giữa Hội Đông y với ngành y tế, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) được tăng cường với những nội dung và hình thức phù hợp, góp phần nâng cao vai trò và sự chủ động của Hội Đông y trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế đáng lưu ý là: Việc củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Đông y có nơi còn chậm. Đội ngũ y, bác sĩ y dược học cổ truyền ở các tuyến y tế huyện, xã còn thiếu; việc huy động các lương y, lương dược giỏi tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các trạm y tế tuyến xã còn rất khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh bằng Đông y tại các tuyến y tế, nhất là tuyến xã còn hạn chế, bất cập; kinh phí triển khai phát triển mạng lưới Đông y trong tỉnh còn hạn chế so với yêu cầu. Công tác xã hội hóa hoạt động y dược học cổ truyền chưa đồng bộ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng các loại cây dược liệu phục vụ việc chữa bệnh bằng Đông y. Việc nghiên cứu, kết hợp giữa Đông y, Tây y trong điều trị bệnh cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý nhà nước còn bất cập; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân chưa thường xuyên, chưa kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện y đức cho đội ngũ thầy thuốc y dược cổ truyền…
Một số kinh nghiệm bước đầu
Một là, nơi nào cấp ủy, chính quyền nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác Đông y, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ thầy thuốc, lương y, lương dược; chỉ đạo kết hợp giữa Đông y và Tây y trong việc điều trị bệnh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí đủ cán bộ y dược học cổ truyền phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân ở các tuyến y tế; coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội Đông y… thì nơi đó công tác Đông y và hoạt động Hội Đông y đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hai là, nơi nào các cấp Hội và hội viên Hội Đông y thực sự có tâm huyết với nghề y dược học cổ truyền; luôn đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp hoạt động, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X); chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể… thì nơi đó công tác Đông y và Hội Đông y phát triển thuận lợi, hoạt động có hiệu quả.
Ba là, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), nơi nào tập trung làm tốt việc ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách có liên quan thì nơi đó việc xây dựng nền Đông y và Hội Đông y đạt kết quả tích cực.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Đông y các cấp trên địa bàn tỉnh
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu kỹ trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để nâng cao nhận thức và quyết tâm lãnh đạo triển khai thực hiện đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Quá trình đó, tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Tập trung củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Đông y trong tỉnh theo Kế hoạch số 798/KH-UBND, ngày 01/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước, phân công, phân cấp quản lý hợp lý, có hiệu quả lĩnh vực y dược cổ truyền.
- Có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ngành Đông y; tiếp tục làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ lương y, lương dược vào tổ chức Hội Đông y các cấp trong tỉnh, gắn với tăng cường giáo dục, nâng cao y đức cho đội ngũ lương y, lương dược trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh bằng Đông y. Trước hết, tập trung đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Khoa Đông y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Bệnh viện Đa khoa khu vực và các bệnh viện tuyến huyện; chú ý triển khai thành lập tổ chẩn trị Đông y và bố trí cán bộ chuyên trách về y dược học cổ truyền ở các trạm y tế tuyến xã (ở những nơi có điều kiện).
- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đồng bộ các lĩnh vực Đông y, gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động hành nghề y dược tư nhân theo đúng quy định của pháp luật. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao bằng Đông y.
- Nghiên cứu, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng các đề tài, các mô hình khám, điều trị bệnh bằng phương pháp kết hợp giữa Đông y và Tây y. Tăng cường hướng dẫn nhân dân sử dụng các biện pháp cơ bản trong phòng ngừa, chữa trị bệnh bằng Đông y, gắn với khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình trồng các loại cây thuốc tại vườn, tại nhà để phục vụ việc phòng ngừa, chữa bệnh.
- Phát huy đúng mức vai trò nòng cốt của Hội Đông y trong việc phối hợp với ngành Y tế và các đoàn thể các cấp trong việc nghiên cứu, bảo tồn quỹ gen các loài cây thuốc quý, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập hợp, sưu tầm, kế thừa những cây thuốc quý, những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý của các lương y, lương dược có uy tín trong và ngoài tỉnh để phục vụ tốt yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện bằng Đông y cho nhân dân ở những vùng khó khăn trong tỉnh.
- Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hội Đông y; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Đông y các cấp; làm tốt công tác phát triển, nâng cao chất lượng hội viên, nhất là ở cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Đông y phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong các hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và công tác phát triển lĩnh vực y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh; chú trọng nêu gương “người tốt, việc tốt” trong việc xây dựng, phát triển nền Đông y và Hội Đông y các cấp trong tỉnh.
Bài, ảnh: Ngô Minh Hòa