Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật gốc, có tác động to lớn tới
xã hội. Trong thời gian hai tháng, đã có hơn 7 triệu lượt ý kiến góp ý
về Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), những quy định đối với pháp
nhân phạm tội được quy định tại chương XI từ Điều 74 đến Điều 89 và một
số điều luật khác. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau xung
quanh quy định này.
Phát biểu tại một hội nghị gần đây của Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý
Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc
sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này nhằm xây dựng Bộ luật Hình
sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, sau Hiến pháp năm
2013; phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công
cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp
phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước; bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền
con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế
thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội, tạo môi trường an toàn cho người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội
nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới…
Cũng tại hội nghị, sau khi nghe Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an trình bày tóm
tắt dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến tham gia về dự thảo Bộ luật Hình
sự (sửa đổi) trong Công an nhân dân, các đại biểu đã phát biểu tham luận
về dự thảo Báo cáo và các nội dung khác của dự thảo Bộ luật.
Các ý kiến tham luận đã tập trung vào những nội dung quan trọng của dự
thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc
hội và Chính phủ yêu cầu... Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia góp ý
kiến vào từng chương, điều, khoản cụ thể của dự thảo Bộ luật, góp phần
xây dựng, hoàn thiện Bộ luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia,
bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm trong tình hình
mới.
Tại Hội nghị tham gia ý kiến về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) do Bộ
Công an tổ chức gần đây, có ý kiến đại biểu cho rằng trong giai đoạn
hiện nay, chưa nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Bởi
lẽ, theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Một tổ chức được
công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”.
Trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được công nhận là pháp nhân, ngoài
tổ chức Đảng, còn có các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ;
ngoài bộ máy lãnh đạo, đại đa số là người lao động. Do vậy, sẽ là bất
hợp lý nếu chỉ vì một số cá nhân trong pháp nhân phạm tội mà quy kết cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp phạm tội, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và quyền và
lợi ích hợp pháp của người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
đó.
Thêm vào đó, pháp nhân do con người lập ra và hoạt động của nó chỉ có
thể được thực hiện thông qua con người cụ thể, cho nên pháp nhân không
thể và không bao giờ có lỗi, vì nó chỉ là một thực thể trừu tượng không
có nhận thức và lý trí. Chỉ có các cá nhân cụ thể mà thông qua nó pháp
nhân hoạt động mới có thể có lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Hơn nữa, do không trực tiếp liên quan đến quyền, tự do thân thể của con
người, nên các chế tài pháp lý phi hình sự trong các ngành luật dân sự,
luật hành chính áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối,” tức là quy
trách nhiệm pháp lý chỉ căn cứ vào hành vi khách quan. Nếu coi pháp nhân
phạm tội và áp dụng chế tài hình sự, tức là quy trách nhiệm pháp lý chỉ
căn cứ vào hành vi khách quan, mà trong luật hình sự, thì không chấp
nhận nguyên tắc “quy tội khách quan,” bởi lẽ chế tài hình sự liên quan
trực tiếp đến quyền, tự do thân thể của con người.
Đại biểu cũng dẫn chứng rằng cho thấy thời gian qua xảy ra một số vụ
việc gây hậu quả nghiêm trọng, như các vụ gây ô nhiễm môi trường của
Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh Hóa)... thì chủ thể
thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là những con
người cụ thể. Nếu những người này phạm tội thì phải truy cứu trách nhiệm
hình sự, còn đối với pháp nhân, phải áp dụng các chế tài hành chính,
dân sự.
Chẳng hạn, đối với Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh
Hóa), cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành
chính bằng hình thức phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi
phạm gây ra. Các chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy
định tại Điều 77, 78, 79, 80, 81, 82 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, vấn đề là cơ quan
có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ, nghiêm minh các quy định của Luật
này.
Theo ý kiến này, nếu qua thực tiễn áp dụng, chế tài hành chính, dân sự
chưa đủ sức răn đe và cơ chế xử phạt vi phạm hành chính tỏ ra bất cập,
kém hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật dân sự, pháp luật
hành chính và cơ chế xử phạt, chứ không thể vì lý do này để quy định
trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như trong Bộ luật Hình sự (sửa
đổi).
Trong khi đó, đánh giá về đợt lấy ý kiến nhân dân lần này, hom 25/10, Bộ
trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc bổ sung quy định xử lý
hình sự đối với pháp nhân (đối với doanh nghiệp) vào dự thảo Bộ luật
Hình sự (sửa đổi) xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, thực tiễn vừa qua cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của
các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, có vụ việc nghiêm trọng, gây
bức xúc dư luận, trong khi cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi
thường thiệt hại dân sự tỏ ra rất bất cập, kém hiệu quả, tính răn đe,
phòng ngừa không cao và không bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt
hại.
Thứ hai, bảo đảm sự chính xác, không bỏ lọt tội phạm và sự công bằng
trong xử lý hành vi phạm tội, vì thực tế nhiều quyết định quan trọng,
trong đó có quyết định dẫn đến hành vi phạm tội, do tập thể (Hội đồng
thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông) thông qua; nếu chỉ
quy trách nhiệm hình sự cho cá nhân thì sẽ không chính xác, bỏ lọt tội
phạm.
Bộ trưởng nêu quan điểm trong điều kiện hội nhập quốc tế sẽ không công
bằng khi cùng một vi phạm tương tự như nhau, nếu doanh nghiệp Việt Nam
thực hiện ở nước khác thì có thể bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu
doanh nghiệp nước ngoài thực hiện ở Việt Nam thì chỉ bị xử phạt hành
chính. Thứ ba, đây là nghĩa vụ bắt buộc theo một số công ước quốc tế mà
Việt Nam đã tham gia.
Làm rõ hơn việc bổ sung quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân nhưng
chỉ là đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ trách nhiệm
hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, phức tạp. Kinh nghiệm các nước đều
có bước đi thận trọng, thích hợp, tập trung giải quyết những vấn đề thật
bức xúc trước. Vì thế, Chính phủ đã đề xuất trước mắt chỉ nên áp dụng
quy định này đối với pháp nhân kinh tế (các doanh nghiệp) và cũng chỉ
tập trung vào một số tội phạm về kinh tế, môi trường, an toàn lao động,
vệ sinh an toàn thực phẩm và các tội phạm mà theo cam kết quốc tế Việt
Nam phải trừng trị (mua bán người, tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng
bố). Sau này, qua thực tiễn áp dụng, nếu thấy cần thiết sẽ nghiên cứu để
mở rộng thêm./.
(Vietnam+)