Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 17/1/2019 14:32'(GMT+7)

Bộ Công Thương: Phấn đấu năm 2019 nhập siêu khoảng 3 tỷ USD

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương.

Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, góp phần đạt tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8%, ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9 - 10%; xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7% và nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,5 - 12%.

Để làm tốt điều này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngành Công Thương sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

Thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để tăng dư địa phát triển của toàn ngành, ngay từ trong năm 2018, nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành, trong đó tiêu biểu như: Dự án Formosa Hà Tĩnh; dự án thép của Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast; Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda; Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công;...

“Toàn ngành đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước, có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất chế biến sữa và thực phẩm, sắt thép, kim khí, hóa chất… là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước”, ông Vượng nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, công tác xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy đạt kết quả tích cực.

“Kết quả đến nay đã có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi; 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại; 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi, các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, mặc dù có sự phát triển nhất định, nhưng mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành./.

Theo vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất