(TG)- Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhà đầu tư BOT có quyền lựa chọn đơn vị lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (ETC). Tất cả các hệ thống BOT khác sẽ phải kết nối về Tổng cục. Nhà đầu tư nào không làm, sau ngày 30/10 tới sẽ phải dừng thu phí.
Tại cuộc họp về tiến độ thu phí ETC chiều 11/9, đại diện các nhà đầu tư BOT tỏ vẻ băn khoăn khi bị ép buộc phải ký với một đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ) triển khai đối với 29 trạm thu phí nên độc quyền và không có tính cạnh tranh.
Chưa kể, các nhà đầu tư cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề về các sự cố gián đoạn gây ra do lỗi của hệ thống thu phí tự động thì bồi thường ra sao; giảm thời gian ký kết dịch vụ thu phí từ 5 năm xuống 2 năm để đánh giá, trong trường hợp không đạt có thể dừng hợp đồng…
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 (nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa) cho biết, sau nhiều lần đàm phán, đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được bảng giá kê khai giá dịch vụ lắp đặt từ phía VETC.
Theo ông Ngợi, VETC đưa ra thời hạn ký hợp đồng thu phí ETC trong 5 năm nhưng nhà đầu tư chỉ đưa ra là 2 năm vì sau mỗi năm phải đánh giá lại dịch vụ, trong trường hợp không đáp ứng được thì dừng hợp đồng. Mặt khác, VETC phải xem xét lại điều khoản bảo lãnh hợp đồng ít nhất là phải bằng số tiền thu phí của một kỳ nghỉ dài nhất trong năm (tương đương 5-7 ngày).
Là lần thứ 7 đàm phán về thu phí ETC nhưng vẫn chưa đi đến được thống nhất với đơn vị cung cấp dịch vụ, bà Từ Minh Nguyệt, đại diện nhà Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp (chủ đầu tư dự án Quốc lộ 1 Cần Thơ - Phụng Hiệp) cho rằng, thực ra, Nhà nước chỉ nên giao cho VETC cung cấp, lắp đặt thiết bị phần mềm và chuyển giao công nghệ bán cho nhà đầu tư BOT để tự quản lý thu phí thì chủ trương thu phí tự động đã được giải quyết, đảm bảo tính khả thi. Thậm chí, các nhà đầu tư BOT hoàn toàn sẵn sàng triển khai thực hiện ngay.
Bà Nguyệt đưa ra hàng loạt nghi ngại khi VETC cũng là một doanh nghiệp tư nhân và đứng ra thu, quản lý tiền thay nhà đầu tư có thực sự minh bạch? 29 trạm thu phí đang triển khai lắp đặt chỉ có VETC cung cấp liệu có độc quyền và cạnh tranh, công bằng?
Đại diện BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp đưa ra tình huống, các trạm thu phí hiện đang đối mặt với ùn tắc gần đây, căn cứ nào để đảm bảo hạn chế hoặc tránh được tình trạng này. Hay, xe chưa dán thẻ Etag hoặc tiền trong thẻ hết dẫn đến việc thất thu hoặc ách tắc giao thông phải “xả trạm” thì đơn vị nào sẽ đứng ra đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư BOT?
Với vai trò là “trọng tài”, trả lời các vấn đề này, ông Huyện khẳng định: “Không có chuyện Bộ Giao thông Vận tải ép các nhà đầu tư. Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thoả mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ thẩm tra, chấp thuận”.
Để thống nhất một đầu mối quản lý, theo ông Huyện, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục đường bộ quản lý và không để cho một đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư nào không làm, sau ngày 30/10 tới sẽ phải dừng thu phí”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Trong cuộc họp về thu phí không dừng lại trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải ký hoàn thành việc Hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC trước ngày 15/7 để đơn vị này lắp đặt và triển khai trước 15/8 tới đồng thời giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đảm bảo tiến độ.
Sau nhiều mốc thời gian gia hạn cũng như lùi tiến độ, đến nay, nhiều nhà đầu tư BOT chưa chịu triển khai ký kết, lắp đặt thu phí không dừng (ETC) mà một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh chính là từ sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT./.
Việt Hùng (Vietnam+)