(TG) - Sáng ngày (9/7), tại
Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo thường kỳ
Quý II/2015. Buổi họp báo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin định kỳ
cho báo chí về hoạt động của Bộ KH&CN, trong các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Bộ theo quy định của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc dự và chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Trong Quý II, Bộ KH&CN đã tổ chức rất nhiều hoạt động. Cụ thể, về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/5/2015 về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST); Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 về việc thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; Thông tư số 08/2015/TT-BKHCN ngày 05/5/2015 hướng dẫn thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN và Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020; Quyết định 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020;…
Một trong những văn bản quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với giới khoa học giai đoạn này là Thông tư liên tịch (TTLT) số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. TTLT 55 có hiệu lực từ ngày 8/6/2015 thay thế TTLT số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN, ngày 7/5/2007. So với TTLT số 44, TTLT số 55 có rất nhiều điểm mới. Cụ thể, việc xây dựng nhiệm vụ KH&CN có tính đến chi phí tiền lương, chi phí công lao động và hoạt động bộ máy. Thay thế cách tính tiền công lao động theo các chuyên đề nghiên cứu bằng cách tính tiền công lao động theo ngày công thực tế của người tham gia nghiên cứu và mức lương cơ bản để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bổ sung một số nội dung chi, định mức chi trong khi triển khai nhiệm vụ mà TTLT 44 chưa rõ định mức: chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước; mua bí quyết công nghệ, sáng chế, thiết kế phần mềm; chi cho chuyên gia tư vấn độc lập;… TTLT 55 sẽ cải tiến căn bản các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Đồng thời, trong Quý II, rất nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 lần thứ 2 đã diễn ra đồng loạt trong tháng 4 và 5 trên cả nước, do Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,… tổ chức. Với chủ đề “Khoa học và Công nghệ - Động lực phát triển nhanh và bền vững”, các sự kiện tại các bộ, ngành, địa phương, viện, trường,… đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong đời sống chính trị - xã hội của cả nước, thực sự là ngày tôn vinh của các tầng lớp nhân dân đối với đội ngũ KH&CN Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết thêm: Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trả đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành KH&CN trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH&CN theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN.
Trong kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực KH&CN bởi đây là lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước nhà và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian qua, sự nghiệp nghiên cứu KH&CN của nước nhà đã đạt được rất nhiều thành tựu. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học, công nhân, trí thức, cán bộ KH&CN, chiến sĩ quân đội,… tất cả đều tham gia làm khoa học và đã có những kết quả cần được đánh giá cao. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đưa ra chỉ đạo cũng như các giải pháp để ngành KH&CN phát huy được những thành tựu và giải quyết những khó khăn hiện tại nhằm góp phần đưa đất nước sớm đạt mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của các khu công nghệ cao quốc gia; hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi; phát triển thị trường KH&CN và đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy xúc tiến phát triển thị trường KH&CN thông qua việc tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu các kết quả nghiên cứu KH&CN có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; tăng cường công tác hợp tác quốc tế về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường và đánh giá sự phù hợp; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững đất nước; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN./.
Duy Phong