Hướng tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải
Bộ Luật Hàng hải gồm 20 Chương, 341 Điều, tăng 2 chương, 80 điều so với
Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi
hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, có vai trò quan trọng, tác động rất
lớn tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải nói riêng, kinh tế xã
hội Việt Nam nói chung.
Chính sách phát triển hàng hải đã được Bộ luật bổ sung, quy định đầy đủ,
chi tiết hơn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng
biển, phát triển đội tàu biển, đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu trong
nước và quốc tế; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa
học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải nhằm định
hướng, làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng
giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển góp phần thực hiện thắng lợi
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề an toàn hàng hải, an ninh hàng
hải, bảo vệ môi trường, Bộ luật bổ sung một chương mới quy định về an
toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường với các quy định
chi tiết về an toàn, an ninh hàng hải; tìm kiếm cứu nạn trên biển; quy
định về phạm vi bảo vệ và giải quyết sự cố trong bảo vệ công trình hàng
hải; bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, phá dỡ tàu biển.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong các mục tiêu trọng tâm trong
quá trình sửa đổi Bộ luật. Các quy định về đăng ký, mua bán tàu biển
được quy định rõ ràng, chi tiết; thời hạn tạm giữ tàu biển cũng được quy
định cụ thể trong Bộ luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế
thấp nhất tổn thất và tránh trường hợp làm khó cho chủ tàu.
Hộ chiếu thuyền viên cũng được loại bỏ để giảm thiểu số lượng giấy tờ
của thuyền viên khi hoạt động trên tuyến quốc tế; đồng thời bãi bỏ thủ
tục hành chính chấp thuận đặt tên tàu biển, đặt tên cảng biển, cảng dầu
khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước khi
đặt tên chỉ cần tuân theo nguyên tắc quy định tại Bộ luật.
Ngoài ra, Bộ luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lai dắt tàu
biển, hoa tiêu hàng hải, phá dỡ tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm, xử
lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết
và phù hợp với điều ước, thông lệ quốc tế.
Nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản
Với 8 Chương, 81 Điều, Luật Đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá
bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài
sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.
Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật
liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định tại pháp
luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các
cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật
khi bán đấu giá các loại tài sản đó.
Luật có quy định mở trong trường hợp pháp luật chuyên ngành sau này có
quy định tài sản phải bán thông qua đấu giá thì cũng thuộc phạm vi điều
chỉnh của Luật, ví dụ như pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe,
quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay... phải bán
thông qua đấu giá thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật.
Các nguyên tắc đấu giá tài sản bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực,
công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản
đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên,
tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, góp
phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Luật quy định
các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản,
người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá,
cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp
trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật quy định theo
hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề
đấu giá với thời gian là sáu tháng (người có ít nhất ba năm công tác
trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự
hành nghề đấu giá trong thời gian sáu tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết
quả tập sự hành nghề đấu giá.
Luật thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó chỉ những
người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp, có kỹ năng hành nghề
trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công
chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.
Luật quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ
thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (tên gọi của VAMC theo
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo
đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua.
Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu
giá theo quy định của pháp luật, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn
điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký
hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực
hiện đấu giá tài sản hoặc tự thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự,
thủ tục quy định của Luật./.
Theo TTXVN