Ngày 22/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã họp sơ kết Chương
trình phối hợp xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với
sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Trước việc Chính phủ giao Bộ Nội vụ xác
định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ
quan hành chính Nhà nước, tháng 7/2015, 3 cơ quan gồm MTTQ Việt Nam, Bộ
Nội vụ, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp thực
hiện khảo sát xã hội học nhằm xác định chỉ số này.
Mục đích của cuộc khảo sát nhằm đánh giá
khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; nắm bắt được
yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức. Từ đó đề xuất biện pháp cải
thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự
hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Đồng thời, đánh giá này còn góp phần
tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và tổ chức
trong việc chấp hành quy định của pháp luật về thủ tục hành chính
(TTHC); giúp cán bộ, công chức, người giải quyết TTHC nhìn nhận lại kết
quả công việc mà mình đã thực hiện để hoàn thiện hơn. Trong đó, sự tham
gia của MTTQ và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam nhằm bảo đảm sự khách quan,
chính xác của kết quả đánh giá.
Hài lòng về chuyên môn, chưa hài lòng về “thái độ”
Trên cơ sở kết quả tổng hợp, phân tích
dữ liệu khảo sát với đối tượng khảo sát được chọn ngẫu nhiên từ danh
sách người dân đã giải quyết và nhận kết quả giải quyết 6 thủ tục hành
chính tại 108 xã, phường, thị trấn trong cả nước từ 29/9 tới 13/10/2015;
Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo báo cáo và chỉ số này sẽ được công bố
ngay trong tháng 3.
Kết quả từ cuộc điều tra xã hội học này
cho thấy người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết TTHC. Cụ thể, thủ
tục cấp chứng minh thư nhân dân đạt 72,9%; thủ tục cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất 63,1%; thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở 69,9%; thủ
tục chứng thực 70,4%; thủ tục kết hôn 79,9%; thủ tục cấp giấy khai sinh
77,8%. Đáng chú ý, người dân đánh giá cao chất lượng chuyên môn; tuy
nhiên, lại chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt
tình chu đáo của công chức.
Kết thúc khảo sát, Bộ Nội vụ kiến nghị
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính Nhà nước quan tâm đầu tư điện
tử hóa việc kê khai TTHC nhằm hạn chế việc người dân phải đến tận nơi để
thực hiện. Ngoài ra, cần nâng cấp hạ tầng và tăng cường ứng dụng CNTT
trong giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, tuyên truyền để thúc đẩy người dân
tiếp cận việc giải quyết TTHC qua mạng.
Đặc biệt, cần quán triệt việc thi tuyển
kết hợp với tuyển chọn cán bộ công chức, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán
bộ công chức có thái độ hách dịch, thờ ơ, cửa quyền gây khó dễ cho người
dân, hướng dẫn dân làm nhiều TTHC không cần thiết. Bên cạnh đó, cần
tiếp tục rà soát để loại bỏ các TTHC không cần thiết.
Mức độ hài lòng là nguyên tắc vận hành của bộ máy hành chính
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết cuộc khảo sát này nhằm đưa ra
một cái nhìn sòng phẳng, khoa học về mức độ hài lòng của người dân đối
với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, tới
đây sẽ thực hiện sơ kết để nhân rộng ra 63 tỉnh, thành phố trong cả
nước. Bằng những giải pháp kỹ thuật như ghi nhận sự đánh giá của người
dân ngay tại văn phòng một cửa thông qua điện thoại di động, máy tính
như đã thực hiện tại một số địa phương, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định
cần phải quyết tâm làm tốt cuộc khảo sát này, để góp phần đẩy mạnh cải
cách hành chính, thúc đẩy chất lượng phục vụ và cung cấp dịch công.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam, Chính phủ đã nêu rõ trong những năm tới, cần coi sự hài lòng
của người dân là tiêu chí để đánh giá hiệu quả cải cách hành chính. Các
cơ quan hành chính phải biết mức độ hài lòng của người dân, phải coi đó
là nguyên tắc để vận hành bộ máy hành chính, hướng tới việc dự báo chứ
không chỉ là xử lý tình hình.
Từ kết quả khảo sát năm
2015, năm nay, Chương trình phối hợp triển khai xác định Chỉ số hài lòng
của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà
nước trong giai đoạn 2017-2020 còn có sự phối hợp, hỗ trợ về CNTT của
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhằm tạo ra một bộ công cụ khảo
sát phù hợp.
Theo đó, các bên liên quan
sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất bộ công cụ khảo sát, tham vấn, hỏi ý
kiến người dân và doanh nghiệp qua hệ thống mạng điện tử một cách thuận
tiện, hiệu quả; tăng nhóm dịch vụ và tập trung vào những nhóm dịch vụ mà
người dân, doanh nghiệp quan tâm để xác định chỉ số hài lòng./.
(Theo: VPG)