Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 2/11/2012 22:5'(GMT+7)

Bộ phim sử thi Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Yên Tử được Vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Yên Tử được Vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

 

Bộ phim do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa cùng Xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS) và Công ty CP Truyền thông iGen Media phối hợp thực hiện, được kỳ vọng sẽ khắc họa một cách chân thực và đầy đủ thân thế, sự nghiệp oai hùng của vị vua Anh hùng - Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong một không gian rộng lớn với bối cảnh sinh hoạt của thế kỷ 13. Theo kịch bản ban đầu, dự định bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông là phim tài liệu truyền hình 15 tập. Nhưng sau đó, thực hiện phương thức xã hội hóa, huy động tài trợ cùng sự đóng góp xây dựng kịch bản của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và hoạt động điện ảnh, các đơn vị sản xuất đã chuyển hướng xây dựng kịch bản thành 45 tập phim truyện truyền hình cùng tên. Từ đề cương kịch bản chi tiết tạo dựng cốt truyện - tuyến truyện, hệ thống nhân vật, đoàn làm phim đang bắt tay nghiên cứu, tiến hành thiết kế bối cảnh, phục trang, đạo cụ... khá kỹ lưỡng, với cả một khối lượng công việc khá lớn. Tổng đạo diễn - NSƯT Văn Lượng và là Giám đốc HFS cho biết: "Chúng tôi không cầu mong điều gì, chỉ mong sao thể hiện được vẻ đẹp và bản sắc của văn hóa và con người Việt, tích tụ thành tinh hoa trong phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông".

Mong muốn nhận thêm những đóng góp nhằm hoàn thiện công tác chuẩn bị và kịch bản để có được một công trình nghệ thuật xứng tầm, các đơn vị sản xuất phim vừa phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức tọa đàm "Hướng tới bộ phim về Phật Hoàng Trần Nhân Tông" tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Cuộc tọa đàm không chỉ ghi nhận các ý kiến đóng góp về bộ phim mà còn hé lộ nhiều nghiên cứu mới về Trần Nhân Tông dưới góc độ của một vị vua, một triết gia và một đại thi nhân. Trong thời đại của ông, nhân tài tuấn kiệt nườm nượp kéo ra giúp nước. Ông đã quy tụ quanh mình một thế hệ những vì sao chói sáng trong lịch sử dân tộc như các danh tướng: Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật..., những danh sĩ như: Trương Hán Siêu, Mạc Ðĩnh Chi, Nguyễn Thuyên... Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, dưới chế độ phong kiến, khó có vị vua nào toàn diện về phẩm cách như Trần Nhân Tông, bao gồm cả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế... Chỉ riêng một hội nghị Diên Hồng đã được xem như một biểu tượng của tinh thần dân chủ, ý chí đoàn kết dân tộc.

Trong hai lần đại thắng Nguyên Mông, dưới sự lãnh đạo của Vua Trần Nhân Tông mà cả thế giới phải khâm phục, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn được suy tôn là thánh, nhưng liệu có vị thánh đó không nếu thiếu đi bậc vua hiền biết dụng nhân như Trần Nhân Tông. Có thể nói, cái thời khắc "vặn mình" của một dân tộc nhỏ bé, né tránh sự soi mói, áp bức của đế quốc Nguyên Mông, đã rèn khắc, đúc tạc nên một vị vua nổi tiếng anh minh. Thế nhưng khi thế sự đã thành, đất nước qua binh đao, bước sang giai đoạn thái bình, thịnh trị thì Trần Nhân Tông lại nhường ngôi rồi chọn đường hướng Phật. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: "Tháng 7, năm Kỷ Hợi, dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử. Tháng 8, xuất gia tu khổ hạnh...". Tại đây ông ngộ được niềm đạo với giáo lý "Phật ở tại tâm" và là một trong Tam Tổ tạo dựng nên Thiền phái Trúc Lâm.

Khi Trần Nhân Tông viên tịch, triều đình và thần dân thương khóc vang động cả đất trời. Ông được dâng tôn hiệu Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu Ðà Tịnh Huệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật. Một nhà nghiên cứu sử học nhận xét: "Ít có vị vua nào trong lịch sử dân tộc lại được ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như thế...".

Trần Nhân Tông là vậy, ông đại diện cho một thời đại "khoan giản - an lạc", cuộc đời ông không chỉ là một kho di sản vô giá dành cho hậu thế, hình tượng ông không còn trong khuôn khổ quốc gia, mà đã trở thành một đề tài nghiên cứu mang tầm quốc tế. Với tâm huyết của các đơn vị sản xuất và đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, hy vọng bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ là một công trình nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc của một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử dân tộc và thế giới.

Ðạo diễn - NSƯT Văn Lượng, sinh năm 1957 tại Hải Phòng vừa được Tổ chức Kỷ lục

Việt Nam ghi nhận là đạo diễn có nhiều phim truyền hình nhất về đề tài đất nước - con người và biển đảo Việt Nam và đang được đề cử xét tặng Kỷ lục châu Á trong năm 2013. Chỉ tính từ năm 1998 đến năm 2012, ông đã thực hiện 206 bộ phim truyền hình nhiều thể loại về đề tài nêu trên. Ông và Xưởng phim Ðài PT&TH Hải Phòng vừa thực hiệc thành công 15 tập phim trong phần một của bộ phim truyền hình Con mắt bão, ngợi ca vùng đất và con người Hải Phòng anh dũng, quật khởi với nhiều đóng góp, sáng tạo trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế.


Theo Nhân Dân điện tử
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất