Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 29/10/2012 15:26'(GMT+7)

Hội thảo Gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Anh Nguyên/Vietnam+)

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Anh Nguyên/Vietnam+)

Hội thảo do “Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam” (VIDAMO) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Youngsan (Busan, Hàn Quốc) tổ chức.

Tham dự hội thảo có Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Mạnh Đông, Hội trưởng VIDAMO Park Kwang-joo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Giáo sư Kim Hyun-jae, các giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Youngsan, chuyên gia về gia đình đa văn hóa thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, đại diện Trung tâm Gia đình đa văn hóa, phụ nư di trú và hòa hợp Busan và đông đảo các thành viên gia đình Hàn-Việt ở khu vực Busan và lân cận. Hội thảo được tài trợ hoàn toàn bởi Công ty Shindong Digitech (Hàn Quốc).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VIDAMO Park Kwang-joo nhấn mạnh “Đây là hội thảo quốc tế đề cập đến vấn đề đang được dư luận Việt Nam và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Hội thảo diễn ra đúng dịp hai bên đang có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2012).”

Theo ông Park Kwang-joo, “Hàn Quốc và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ thông gia sâu sắc. Vị trí của những người Việt Nam di trú trong xã hội đa văn hóa ở Xứ sở Kim Chi đang ngày càng được nâng cao. Đó chính là lý do để chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau chuẩn bị tốt về mặt tinh thần một cách vững vàng nhất. Tôi hy vọng hội thảo hôm nay sẽ đặt nền móng căn bản cho việc tìm kiếm con đường xây dựng hạnh phúc cho các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.”

Trong bài phát biểu đáp từ, Tham tán Công sứ Nguyễn Mạnh Đông cho rằng “Xã hội đa văn hóa đang và sẽ là đặc trưng của xã hội tương lai trong đó gia đình đa văn hóa là một bộ phận quan trọng của xã hội đa văn hóa. Trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có khoảng 50.000 phụ nữ làm dâu Xứ sở Kim Chi và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây thực sự là một bộ phận không hề nhỏ trong xã hội đa văn hóa ở quốc gia này. Thời gian qua, các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt đã có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, chính những trẻ em thế hệ thứ hai và thứ ba của gia đình Hàn-Việt sẽ góp phần đắc lực vào việc duy trì và thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa hai nước trong tương lai không xa.”

Nhân dịp này, Tham tán Công sứ Nguyễn Mạnh Đông cũng bày tỏ lòng cảm ơn với chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã dành những tình cảm chân thành và sự hỗ trợ không mệt mỏi đối với cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói chung và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt nói riêng. Ông Nguyễn Mạnh Đông cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu đó trong tương lai để góp phần giúp họ có cuộc sống ổn định và hạnh phúc.

Trong khuôn khổ một ngày, hội thảo đã được nghe các tham luận về “Những vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ ổn định cho phụ nữ kết hôn di trú” của Chuyên gia về Gia đình Đa văn hóa (thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc) Bae Su-kyeong; “Cuộc sống của người dân di trú ở Hàn Quốc” của Giám đốc Trung tâm Gia đình đa văn hóa, phụ nữ di trú và hòa hợp Busan Lee In-kyeong.

Các tham luận và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, học giả đều có chung quan điểm rằng: Hiện tại đại đa số gia đình đa văn hóa đều rơi vào tầng lớp có thu nhập thấp. Chính vì vậy, xã hội Hàn Quốc cần có sự hiểu biết đúng đắn về gia đình đa văn hóa để hỗ trợ một cách hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành một xã hội đa văn hóa thực thụ, điều cần làm trước mắt là không để những người dân di trú, đặc biệt là các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt rơi vào tầng lớp có thu nhập thấp. Theo đó, việc sớm thành lập một cơ quan chuyên trách về vấn đề đa văn hóa là điều thực sự cần thiết. Cơ quan này sẽ tập trung mở rộng sự hỗ trợ với nhiều hình thức thích hợp về vấn đề con em gia đình đa văn hóa, ổn định cuộc sống cho các cặp vợ chồng Việt-Hàn và kịp thời chấn chỉnh và lành mạnh hóa hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng chất lượng của các loại hình dịch vụ hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết về gia đình đa văn hóa và tiến tới xây dựng thành công một xã hội đa văn hóa mở ở Xứ sở Kim Chi./.

(Anh Nguyên/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất