(TG) - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ và UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)” với mục tiêu đề xuất đưa khám, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính vào Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế thế giới, phần các bệnh về chuyển hóa, dinh dưỡng và nội tiết. Suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được.
SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi.
Suy dinh dưỡng dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (tương đương hơn 3 triệu ca tử vong trẻ em mỗi năm trên toàn cầu). Thiệt hại do suy dinh dưỡng thấp còi gây ra đối với quá trình phát triển của trẻ nhỏ là vĩnh viễn và không khắc phục được làm tăng nguy cơ tử vong và suy giảm khả năng phát triển cả về thể chất cũng như trí tuệ. Trẻ suy dinh dưỡng khi trưởng thành dễ mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì, khả năng học tập kém. Suy dinh dưỡng cũng liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời từ đó, làm suy yếu nguồn nhân lực, làm tăng trưởng kinh tế toàn xã hội giảm ít nhất 8%.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y tế cộng đồng: số tiền ước tính cần cho điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng toàn Việt Nam với độ bao phủ 15% là 42,6 tỷ đồng chỉ chiếm 0,8% quỹ Bảo hiểm Y tế dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chi phí chăm sóc và điều trị 50% số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ 6-59 tháng tuổi ở 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất chỉ tương đương 0,42%-0.84% ngân sách BHYT đóng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chi phí chăm sóc và điều trị 50% số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ 6-59 tháng tuổi vùng dân tộc thiểu số tương đương 0,52%-1,04% ngân sách BHYT đóng góp cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho Quản lý SDD cấp tính năng tại Việt Nam. Việc mở rộng can thiệp này trên toàn quốc đòi hỏi phải có cơ chế chi trả cho việc quản lý và điều trị trẻ SDD cấp tính năng, thay vì phụ thuộc vào hỗ trợ của các nhà tài trợ.
GS. TS Hoàng Văn Minh kiến nghị, bảo hiểm y tế nên chi trả cho chi phí chăm sóc và điều trị SDD cấp tính thể nặng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi tại Việt Nam. Ưu tiên ngân sách chăm sóc và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính thể nặng cho trẻ tại các tỉnh có tỷ lệ SDD cao > 30% và vùng dân tộc thiểu số. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh là các dịch vụ này đạt tiêu chí chi phí hiệu quả. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo đưa sản phẩm điều trị SDD thể nặng vào gói dịch vụ cơ bản.
Tại Hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị cần bổ sung một quy định cụ thể về việc sử dụng thuốc và chế phẩm điều trị trong khám, chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Thoa Đỗ