Trong hai ngày 9-10/5, tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính và Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả 9 năm thực hiện và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước" (Luật NSNN). Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, đại diện Uỷ ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan của Chính phủ và đại diện Sở Tài chính, Phòng Ngân sách thuộc 26 Sở Tài chính các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp đã đưa ra một số định hướng cơ bản trong quá trình Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi để Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách thực sự thiết thực, khắc phục được những tồn tại cơ bản của Luật hiện hành, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, đồng thời có tầm nhìn dài hạn trong tương lai cho những vấn đề của quản lý ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp, ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước để nghị Hội nghị cần tập trung vào ba nhóm vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, về lý do phải sửa Luật, hai vấn đề lớn tồn tại trong Luật NS hiện hành là tính lồng ghép trong hệ thống ngân sách cũng như sự phân tán của ngân sách đang tồn tại làm giảm tính chủ đạo và chủ động của NSTW. Dự thảo sửa đổi phải khắc phục được về cơ bản những tồn tại này. Thứ trưởng cũng nêu rõ, Luật được sửa đổi gắn với việc sửa đổi Hiến Pháp đang được tiến hành cũng sẽ là một thuận lợi lớn vì có cơ hội để đưa các yêu cầu quản lý ngân sách vào trong Hiến Pháp. Nhưng cũng đồng thời chúng ta tiến hành sửa đổi trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người làm chính sách cần có cái nhìn tổng thể về quản lý ngân sách, NSNN sẽ đảm nhận vai trò như thế nào, quản lý ra sao là những câu hỏi mà dự thảo Luật phải làm rõ.
Thứ hai, về mục tiêu và phương hướng sửa Luật: Luật NS phải phù hợp với Hiến pháp và các Luật khác đã đang và sẽ có hiệu lực; đảm bảo sự thống nhất giữa NSTW và NSĐF; đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW và có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho những địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách; đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai và minh bạch của ngân sách, Chú ý cơ chế đặc thù cho những địa phương trọng điểm thu để bồi dưỡng nguồn thu tăng hơn nữa; phân cấp mạnh hơn, đảm bảo tính chủ động của các địa phương nhưng cũng đồng thời gắn liền với trách nhiệm của các địa phương trong quản lý, sử dụng NS địa phương.
Thứ ba, về các nội dung trong dự thảo: Tập trung lấy ý kiến, chỉnh sửa cho phù hợp để khắc phục được một phần tính lồng ghép trong hệ thống ngân sách; phân cấp nguồn thu đảm bảo công bằng giữa NSTW và NSĐF; Chú ý đến nội dung tương đối mới là xây dựng NS trung hạn và cam kết chi nhằm đảm bảo cho các dự án thực hiện được và thực hiện đúng tiến độ đặt ra. Đối với nội dung quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đây là nội dung rất quan trọng không chỉ được quy định trong Luật NSNN và Luật Đầu tư công (cũng đang được xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội). Quản lý vốn đầu tư là nội dung đặc thù cần làm rõ nội hàm, quản lý chặt, quy định chặt và xác định rõ ranh giới điều chỉnh đối với nội dung này giữa Luật NSNN và Luật Đầu tư công có như vậy mới tránh được sự chồng chéo, lãng phí không cần thiết.
Khái quát một số nét cơ bản về những kết quả đạt được trong 9 năm thực hiện Luật NSNN, cũng như đưa ra những tồn tại hạn chế dẫn đến việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật NSNN, ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN đã khẳng định, qua 9 năm tổ chức thực hiện Luật NSNN năm 2002, dưới sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng NS, Luật NSNN đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý NSNN, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tăng tích luỹ để thực hiện CNH-HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hôi, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh. Theo ông Đỗ Việt Đức, những đánh giá được nêu trong báo cáo đã khái quát được nhưng vấn đề cơ bản cần xem xét tại Hội Hội nghị, cụ thể như:
Những kết quả đạt được
Cân đối NSNN tích cực, vững chắc; cơ cấu NSNN có chuyển biến tích cực: Tốc độ thu NSNN hàng năm tăng khá (giai đoạn 2004-2012 bình quân đạt trên 20%/năm và đến năm 2012, thu NSNN tăng đến 4,87 lần so với năm 2003), thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN đã đảm bảo bố trí ưu tiên cho chi đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân trên 16,2%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 7% GDP; chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dậy nghề đạt 20%, chi lĩnh vực khoa học công nghệ đạt 2%; Vay bù đắp bội chi NSNN đã bảo đảm được nguyên tắc chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho tiêu dùng. Đến hết ngày 31/12/2012, dư nợ công bằng 55,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP và dư nợ quốc gia bằng 43,7% GDP.
Công tác quản lý và điều hành NSNN ngày càng chủ động hơn, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên; công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh: Đảm bảo vai trò, quyền hạn của Quốc Hội và tăng thực quyền, tính chủ động của HĐND trong việc quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách. Phân cấp quản lý NSNN tiếp tục bảo đảm vai trò chủ đạo của NS trung ương để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của đất nước và hỗ trợ địa phương khó khăn; Quy trình ngân sách được cải tiến mạnh mẽ; Công tác quyết toán, thanh tra, kiểm toán được chú trọng; Công khai ngân sách đã đi vào nề nếp và phát huy tác dụng.
Tồn tại hạn chế
Về hoạt động của NSNN: Nguồn thu NSNN từ xuất khẩu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất-kinh doanh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp nói riêng nhìn chung còn thấp; Hiệu quả chi NSNN chưa cao, cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; công tác xã hội hoá tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, dẫn đến gánh nặng chi NSNN; tình trạng chi tiêu kém hiệu quả, lãng phí chưa được khắc phục.
Về cơ chế quản lý NSNN: Hệ thống NSNN hiện nay mang tính lồng ghép, NS cấp dưới là một bộ phận hợp thành của NS cấp trên. Quy định về phạm vi NS chưa rõ ràng, việc quản lý các khoản phí, lệ phí còn chưa thống nhất; cách xác định bội chi và phạm vi bội chi NSNN còn chưa đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế; Việc phân cấp nguồn thu giữa NSTW với NSĐP, giữa các cấp NS còn có điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế; Đối với ban hành chính sách, chế độ chi tiêu ngân sách cần công khai, minh bạch để việc giám sát chi tiêu ngân sách thực hiện có hiệu quả hơn; Căn cứ xây dựng dự toán NSNN hàng năm còn chưa đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ giữa dự toán NS hàng năm với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn; Chưa có quy định về thẩm quyền thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách (lạm phát); Chưa có quy định trách nhiệm giải trình của các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp dưới; Chưa quy định rõ việc xác định nhiệm vụ cấp bách được bổ sung từ dự phòng ngân sách; chưa có quy định các Bộ, cơ quan trung ương và các đơn vị ở địa phương thường xuyên phát sinh các nhiệm vụ chi đột xuất (thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh).
Luật NSNN chưa quy định đầy đủ về quản lý vốn đầu tư (lập dự toán, phân bổ, thanh toán…) giảm hiệu quả vốn đầu tư NSNN. Việc phân công trách nhiệm quản lý vốn đầu tư là chưa phù hợp, cơ quan bố trí vốn thì không nắm được thực tế triển khai các công trình, dự án dẫn đến một số trường hợp bố trí vốn chưa đúng; cơ quan tài chính không tham gia bố trí vốn, kiểm soát, thanh toán nhưng lại quyết toán vốn đầu tư.
Luật NSNN quy định dự toán, quyết toán, kết quả kiểm toán NSNN, ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ phải thực hiện công khai, nhưng chưa quy định công tác đánh giá, giải trình số liệu công khai dẫn đến việc công khai còn thiếu minh bạch.
Mục tiêu và quan điểm sửa đổi
Để khắc phục những tồn tại của Luật NSNN đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật NSNN
Luật NSNN sửa đổi cần phải khắc phục được những tồn tại của Luật NSNN hiện hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý NSNN, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách một cách hợp lý, đảm bảo công bằng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, ổn định và phát triển nền tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện xoá đói giảm nghèo;
Làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các bộ ngành trung ương, HĐND, UBND các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách trong lĩnh vực NSNN;
Đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của nhà nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Từng bước đổi mới cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được NSNN cấp kinh phí.
Dựa trên những mục tiêu trên, dự thảo tập trung vào những nội dung chủ yếu như: về hệ thống ngân sách; phạm vi ngân sách và bội chi ngân sách; Phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi; vấn đề quản lý vốn đầu tư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả tài chính. Đây cũng là những nội dung chính được các đại biểu tham dự Hội nghị thảo luận và cho ý kiến trong phiên các phiên thảo luận tại Hội thảo.
* Trong khuôn khổ Hội nghị, sáng 10/5, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp cũng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các Sở Tài chính 26 tỉnh thành phía Bắc tham gia Hội thảo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của ngành 4 tháng đầu năm 2013. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ của ngành Tài chính được Quốc hội, Chính phủ giao là hết sức nặng nề đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị đã được giao. Do vậy, từ nay cho đến cuối năm đề nghị các đơn vị ngành Tài chính tại địa phương hết sức nỗ lực, chỉ đạo sát sao để hoàn thành mục tiêu ngân sách đặt ra, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
(mof.gov.vn)