Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 14/10/2009 15:19'(GMT+7)

Bỏ tiêm vaccin - Đánh mất cơ hội tốt phòng bệnh cho trẻ

Tiêm chủng để phòng bệnh là quyền lợi của trẻ em.

Tiêm chủng để phòng bệnh là quyền lợi của trẻ em.

Trẻ em được thụ hưởng công bằng về quyền lợi trong TCMR

Tại Hội nghị phổ biến kết quả đánh giá Chương trình TCMR quốc gia giai đoạn 2004-2009 vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS. Jean Marc Olivé - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, ông và các chuyên gia quốc tế đánh giá cao các kết quả đạt được của TCMR Việt Nam trong thời gian qua. Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam được tổ chức khoa học từ trung ương đến cơ sở. Cán bộ làm công tác tiêm chủng đều rất nhiệt tình và có năng lực chuyên môn tốt. Có sự lồng ghép đáng kể giữa chương trình TCMR với các chương trình chăm sóc sức khỏe khác. Việc thực hiện tiêm chủng lưu động cho các vùng xa cũng là một thế mạnh của TCMR góp phần vào nỗ lực củng cố hệ thống y tế bằng cách tạo điều kiện để việc cung cấp các dịch vụ tới được các vùng xa xôi của đất nước.

Kết quả điều tra tại 6 tỉnh (Lào Cai, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bến Tre) đại diện cho các vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ, các chuyên gia đều nhận thấy ở các địa phương này duy trì tốt chất lượng quản lý vaccin và dây chuyền lạnh, có nguồn điện cung cấp chạy tủ lạnh ổn định, có theo dõi nhiệt độ và các kế hoạch dự phòng. Chất lượng báo cáo tiêm chủng rất tốt và nhất quán. Thế mạnh cơ bản của hệ thống tiêm chủng tại các địa phương được thiết lập giữa y tế thôn bản và cán bộ y tế xã. Chương trình tiêm nhắc sởi mũi 2 cho trẻ được thực hiện tốt ở các trường học đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các tổ chức địa phương cũng như mạng lưới xã hội trong việc hỗ trợ khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.

TCMR là một chương trình mục tiêu y tế quốc gia thu hút sự quan tâm của các Chính phủ và nhiều tổ chức trên thế giới cả về chuyên môn và ngân sách. Việt Nam đã tận dụng tốt những điều kiện giúp đỡ đó để phát triển chương trình TCMR của mình một cách hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng những thành tựu của TCMR đã tác động to lớn đến lĩnh vực y tế công cộng, thể hiện bằng việc duy trì bền vững thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ toàn quốc đạt trên 95%, thực hiện loại trừ sởi vào năm 2012, nỗ lực đưa vaccin viêm não Nhật Bản có độ bao phủ ngày càng nhiều và tiến tới cả nước, đưa vaccin Hib vào danh mục các vaccin trong tiêm chủng... Điều đó đã và đang làm thay đổi mô hình bệnh tật ở trẻ em Việt Nam cũng như đem lại cho trẻ sự thụ hưởng công bằng về quyền lợi trong tiêm chủng.

TCMR đã sẵn sàng đáp ứng những thách thức mới

Mặc dù các kết quả tiêm chủng đạt được nhiều khả quan song các chuyên gia cũng dành nhiều quan tâm về tỷ lệ tiêm vaccin viêm gan B mũi 1 cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh như hiện nay. TS. Olivé cho rằng, truyền thông không đầy đủ về các phản ứng sau tiêm chủng trong năm 2007 và 2008 đã cản trở hoạt động của TCMR, dẫn đến sự suy giảm độ bao phủ của vaccin viêm gan B mũi 1 cho trẻ sơ sinh thời gian qua. Theo bà Diana, chuyên gia của UNICEF, TCMR cần phải có một chiến lược truyền thông về tiêm chủng hiệu quả và ứng phó thường xuyên đối với các trường hợp có phản ứng sau tiêm. Các bậc cha mẹ cần hiểu rõ rằng vaccin viêm gan B được tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh là biện pháp bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi các bệnh viêm gan mạn tính, ung thư gan, xơ gan... Việt Nam cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccin này cho trẻ 24 giờ sau sinh mới có thể đạt được mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2012. Trong số các nguyên nhân khiến trẻ bỏ mũi tiêm, có nguyên nhân do cha mẹ quá bận việc hoặc quên lịch, do vậy truyền thông cần phải làm cho cộng đồng hiểu được sâu sắc hơn nữa vai trò quan trọng của các mũi tiêm vaccin đúng lịch và bỏ nhỡ mũi tiêm là đánh mất cơ hội tốt nhất bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Kể từ khi bắt đầu triển khai năm 1981, Chương trình TCMR đã mang lại những hiệu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên những thách thức mới lại nảy sinh trong chính quá trình thực hiện thành công chương trình. Dựa trên những đánh giá sát thực, các chuyên gia nhận định TCMR Việt Nam đã sẵn sàng để đối phó với những thách thức nảy sinh trong giai đoạn 2010 - 2015. Việt Nam có thể duy trì những thành quả của chương trình nếu được đầu tư quốc gia đầy đủ về ngân sách cho các hoạt động dịch vụ y tế và cho xây dựng nhân lực y tế ở các vùng nông thôn. Cần có những quy định phù hợp cho y tế tư nhân và quy định về quản lý vaccin ngoài TCMR tại các cơ sở y tế công. Đồng thời phải mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch bệnh cùng với các chiến lược truyền thông cần được cải thiện.

SK&ĐS                 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất