Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 30/3/2019 14:45'(GMT+7)

Bố trí cán bộ thế nào sau sáp nhập đơn vị hành chính?

(Ảnh: VGP)

(Ảnh: VGP)

Đây là ý kiến của nhiều địa phương khu vực phía Nam tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp và mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 29/3, tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất và cho rằng cần sớm triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, đại biểu nhiều tỉnh, thành cũng nêu một số băn khoăn, vướng mắc, đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ, như: Quy định việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị; giải pháp về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; số liệu chính thức về dân số, diện tích các đơn vị sáp nhập; việc lấy ý kiến của cử tri tại các đơn vị thuộc diện sắp xếp; biểu mẫu hồ sơ xây dựng đề án, mẫu tờ trình Chính phủ, phương án tổng thể; vấn đề về kinh phí triển khai; sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập…

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh này không có đơn vị nào không đảm bảo 2 tiêu chí (diện tích và dân số) để thực hiện xắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, chỉ có một đơn vị cấp huyện không đảm bảo tiêu chí diện tích; có 26 xã không đảm bảo tiêu chí diện tích và 55 xã lại không đảm bảo tiêu chí dân số. Do đó, trong kế hoạch của Chính phủ cần có quy định riêng, để các địa phương chỉ có các đơn vị có 1 tiêu chí dân số hoặc diện tích không đảm bảo có thể tiến hành xắp xếp.

Ở chiều ngược lại, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho hay, thực trạng Thành phố hiện có những xã, phường có quy mô dân số trên 100.000 dân và để đảm bảo công tác quản lý nhà nước tại những đơn vị này hiệu quả, có cần chia tách hay không? Nếu thực hiện chia, tách đơn vị hành chính thì có trái với Nghị quyết của Quốc hội?

Khẳng định việc sáp nhập trong bối cảnh khoa học công nghệ, giao thông có nhiều tiến bộ là rất phù hợp, nên không được ngại khó, không thể bàn lùi mà cần triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Đạo, để đảm bảo ổn định tư tưởng cán bộ dôi dư sau sáp nhập cần phải có bước đệm. Hiện cán bộ xã, phường hầu hết còn trẻ, do đó cần tiếp tục được bố trí công việc phù hợp.

Đồng quan điểm này, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho rằng, công tác xắp xếp đơn vị hành chính cần quan tâm giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư, và chính sách phải cụ thể. Nhưng cũng cần chú ý đến hệ quả bộ máy hành chính sẽ có quá nhiều cán bộ, công chức. Do đó nên có khung chính sách chung hỗ trợ cán bộ dôi dư để các địa phương thực hiện, đảm bảo yêu cầu triển khai đề án được nhanh chóng.

Về thời gian triển khai, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam Trần Ngọc Hòa đề nghị lùi thêm thời gian để địa phương xây dựng phương án tổng thể, căn cứ để làm bản đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn trình Bộ Nội vụ. Cùng với đó, triển khai đề án cần hoàn thành trong năm 2019, trước khi triển khai đại hội Đảng cấp cơ sở; riêng cấp huyện có thể hoàn thành trong quý 1/2020.

Với quy định lấy ý kiến cử tri, đại diện tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị chỉ nên lấy ý kiến đại diện hộ gia đình, vì nếu thực hiện lấy ý kiến cử tri sẽ không khả thi. Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành cần chủ động cung cấp các số liệu chính thức như địa giới hành chính, dân số, hay có hướng dẫn kinh phí thực hiện, không để các địa phương phải đi xin số liệu chính thức; đồng thời bổ xung quy định liên quan đến phân loại đơn vị hành chính sau khi sáp nhập.

Còn theo đại diện Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, trong kế hoạch triển khai của Chính phủ, cần có hướng dẫn cụ thể các biểu mẫu, phiếu lấy ý kiến cử tri…, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện, đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo của các địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tại các huyện, xã thuộc diện sắp xếp để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ.

Liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến đối với Bộ Tài chính để có hướng dẫn kinh phí triển khai thực hiện; ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến trách nhiệm công bố các số liệu chính thức về dân số, địa giới hành chính… các tỉnh, thành. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng sẽ làm việc với các đơn vị liên quan khác sớm có hướng dẫn chung, tạo căn cứ và thuận tiện cho các địa phương trong triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng. Vì vậy, qua các ý kiến góp ý của các địa phương phía Nam tại Hội thảo, Bộ Nội vụ tiếp thu, sớm dự thảo trình Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai./.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất