Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 4/3/2019 8:0'(GMT+7)

Duy trì lối sống có lợi cho sức khỏe

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

“Cần tuyên truyền các hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Mỗi người mỗi ngày cần vận động ít nhất 10 ngàn bước chân, điều này nên trở thành thói quen hàng ngày”. Đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam vừa được tổ chức cuối tháng 2/2019, tại Hà Nội.

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Điều hiển nhiên đó ai cũng biết, nhưng không phải người nào cũng có ý thức, nhận thức đúng về việc giữ gìn, rèn luyện sức khỏe cho bản thân. Thời bao cấp trước đây, do đời sống còn nhiều khó khăn, một bộ phận khá lớn người dân phải lam lũ, bươn trải mưu sinh nên chưa có điều kiện sống văn minh, khoa học. Tuy vậy, những năm gần đây, khi không phải lo toan cơm áo thường ngày, thì nhiều người lại tự “phung phí” sức khỏe của chính mình.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dù cơ bản đã kiểm soát được các bệnh lây nhiễm, song thời gian qua chúng ta phải đối mặt với nhiều bệnh không lây nhiễm, như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Đây là những căn bệnh hiện chiếm hơn 70% số ca tử vong hằng năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các yếu tố về hành vi lối sống chưa lành mạnh, khoa học.

Không khó để nhận diện những thói quen thiếu lành mạnh của nhiều người dân, nhất là người trẻ, như: Lười tập thể dục, ít vận động, “nghiện” mạng xã hội, ăn uống không điều độ, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… Những hành vi lối sống thiếu tích cực như vậy làm cho xu hướng “trẻ hóa” bệnh tật gia tăng trong cộng đồng, gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển của đất nước và xã hội.

Vì vậy, việc rèn luyện những thói quen tốt, thực hiện hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe được coi là một trong những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để góp phần phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật cho mọi người. Ai cũng có thể thực hiện hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe ở mọi lúc, mọi nơi, từ những việc khá đơn giản, như: Ăn chín uống sôi, hợp vệ sinh, giảm tiêu thụ đồ uống có cồn, hạn chế đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, giảm lượng muối trong chế biến thức ăn... Mỗi người cần duy trì bền bỉ, đều đặn chế độ luyện tập thể dục, thể thao hằng ngày, nhất là thói quen đi bộ. Theo các chuyên gia y tế, đi bộ thường xuyên sẽ giúp con người phòng ngừa, giảm đáng kể nguy cơ về bệnh béo phì, xương khớp, tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, ung thư…

Một trong những việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức trong việc rèn luyện thể lực, giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ. Tại “Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học” vừa được tổ chức, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận, giáo dục thể chất lâu nay tại các cơ sở giáo dục vẫn bị coi nhẹ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng học đường, vệ sinh trường học còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản và có tới 70% cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước thiếu sân chơi, bãi tập.

Muốn thay đổi thói quen, hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe, trước hết phải bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy, việc phát triển phong trào thể dục, thể thao, tăng cường rèn luyện thân thể phải được đặc biệt chú trọng trong hệ thống giáo dục, như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng các khu vui chơi giải trí, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, sử dụng không gian công cộng và cơ sở luyện tập thể dục, thể thao; vì đây chính là tiền đề vật chất quan trọng để mọi người có môi trường thuận lợi thực hiện hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe./.

Bảo Như (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất