Ngoài ra, vấn đề liên quan tới quy hoạch, quản lý đô thị, quy hoạch, quản lý đô thị ở các khu đầu tư, các khu công nghiệp, các khu dân cư, các dự án đầu tư đô thị và những vấn đề tiêu cực trong ngành xây dựng cũng được các đại biểu nêu ra.
Chất lượng các công trình xây dựng hiện ở mức nào?
Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cùng đặt vấn đề về chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở tái định cư, thủy điện, điện hạt nhân đang là những bức xúc và lo lắng của đông đảo cử tri, nhiều công trình xây dựng chất lượng kém nhưng chỉ sau khi sự cố đã xảy ra cơ quan chức năng mới phát hiện được. Sự cố rò rỉ đập nước thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Đăkrông 3, đổ tháp truyền hình Nam Định là những ví dụ. Bên cạnh đó là những câu hỏi liên quan đến tình hình kinh doanh bất động sản, nợ xấu và tồn kho bất động sản đang là vấn đề lớn của nền kinh tế. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng với trách nhiệm là người được giao cần làm rõ những vấn đề này.
Trả lời những câu hỏi này, đại biểu Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết:
Thứ nhất, về thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng không phải hôm nay mới có mà có từ lâu rồi, đây là bệnh nan giải và rất khó khắc phục một cách triệt để. Nguyên nhân của tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng là do thể chế. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn ví dụ như việc đang hoàn thiện Luật Đất đai và một loạt các luật khác cũng cần phải nghiên cứu để sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, v.v.. Ngay trong Luật Xây dựng, công tác kiểm soát về chất lượng xây dựng chủ yếu giao cho chủ đầu tư, nhưng chất lượng của không ít chủ đầu tư còn rất thấp. Cho nên, vấn đề quản lý những công trình xây dựng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cũng khó khăn.
Về công tác quy hoạch, có ý kiến cho rằng rằng chất lượng quy hoạch còn thấp, còn chậm, chưa kịp thời cũng là nguyên tố gây nên lãng phí. Chẳng hạn xây dựng công trình rồi mới làm quy hoạch. Cho nên tiền giải phóng mặt bằng có những dự án còn lớn hơn tiền để đầu tư xây dựng công trình. Chính vì vậy, vấn đề thể chế cần được hoàn thiện.
Thứ hai, do chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng dự án, chất lượng thiết kế kỹ thuật, chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, chất lượng công tác thi công, nghiệm thu, bàn giao, thanh quyết toán, đưa công trình vào khai thác, sử dụng đều có những nhân tố để làm thất thoát, giảm chất lượng công trình. Chẳng hạn như khảo sát một tuyến đường dài hiện nay có những tuyến đường chỉ khảo sát từng điểm hoặc khảo sát những đoạn điển hình. Cho nên có những đoạn sình, lầy không phát hiện được khi xây dựng lên có thể tiền bỏ vào đấy nhiều hơn nhưng đường đó vẫn bị hỏng, lãng phí mà không thất thoát, tiền không vào túi ai cả nhưng không đảm bảo chất lượng công trình.
Thứ ba là do công tác thanh tra, kiểm soát công trình còn chưa hiệu quả.
Thứ tư là do năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc những chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng.
Thứ năm là chúng ta thiếu cơ chế để xã hội và người dân tham gia kiểm soát, phát hiện kịp thời để xử lý, chúng ta cũng chưa có những chế tài mạnh để xử lý quyết liệt, có tính chất răn đe đối với những sai phạm gây ra trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.
Để khắc phục những tình trạng này, Bộ Xây dựng đã triển khai một số nhiệm vụ:
Một là, trình với Chính phủ Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng thay cho Nghị định 2009 ở trong đó với hướng là tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Theo Nghị định 2009 và theo Luật Xây dựng thì công tác quản lý chính, chịu trách nhiệm chính, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và chi phí là do chủ đầu tư. Có nhiều chủ đầu tư càng nhỏ, càng ở dưới địa phương thì chất lượng chủ đầu tư càng thấp cho nên đều phụ thuộc vào tư vấn, phụ thuộc vào nhà thầu, cho nên việc quản lý để có hiệu quả rất khó. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải tham gia thẩm tra trước khi chủ đầu tư quyết định. Đây có thể cũng là một lỗ hổng mà chúng ta cần phải khắc phục nhanh chóng, Bộ Xây dựng đã trình với Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định này.
Hai là, tăng cường kiểm soát các chủ đầu tư, tăng cường kiểm soát năng lực của các nhà thầu từ tư vấn, khảo sát cho đến thiết kế kỹ thuật, cho đến nhà thầu giám sát chất lượng công trình để loại ra khỏi danh sách những nhà thầu kém năng lực và thi công kém chất lượng hoặc thực hiện công trình kém chất lượng. Có những thông tin để công bố danh sách các nhà thầu để chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu một cách tốt nhất và đảm bảo chất lượng.
Ba là, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, những chủ thể tham gia trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng, đây là điều rất quan trọng. Nhưng không chỉ năng lực về chuyên môn mà còn phải về phẩm chất, trách nhiệm để chống thất thoát, lãng phí những công trình xây dựng.
Bốn là, cần phải có một cơ chế, mở rộng cơ chế để cộng đồng, để xã hội, để người dân tham gia vào giám sát và phát hiện. Ví dụ Thủy điện Sông Tranh vừa rồi, rất nhiều nhà khoa học tham gia để phản biện, cho nên công trình đó luôn luôn được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý và các nhà tư vấn thiết kế, thi công cũng phải tập trung để nghiên cứu.
Nguyên nhân tồn đọng bất động sản đã rõ, nhưng cách phá “băng” còn phục thuộc.
Sau phiên giải lao, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản, quy mô đối với thị trường tồn đọng và liệu trong vài năm tới có giải quyết được không ?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ các nguyên nhân:
Thứ nhất, quá trình phát triển các dự án bất động sản nói riêng, trong đó có dự án đô thị phát triển tự phát, phong trào và thông lệ của nhiều nước trên thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. Cho nên dẫn đến các dự án bất động sản quá nhiều và nó vượt rất xa so với nhu cầu thực của xã hội, của thị trường.
Thứ hai, cơ cấu bất động sản rất bất hợp lý, vừa thừa, thừa là thừa những cái bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu những bất động sản phục vụ những người dân thu nhập thấp, cho nên vừa thừa vừa thiếu.
Thứ ba, vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng là chủ yếu và một phần vốn đóng góp của người dân mua nhà. Còn chủ đầu tư bất động sản đa số là những doanh nghiệp mà vốn chủ sở hữu rất thấp cho nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và lãi suất tăng cao thì các dự án bất động sản đóng băng và không tiếp tục thực hiện được. Chúng ta còn thiếu các thiết chế tài chính để hỗ trợ về nguồn vốn dài hạn cho bất động sản như quỹ tiết kiệm nhà ở hay quỹ phát triển bất động sản v.v…
Về giải pháp Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan được giao nhiệm vụ quy định kinh doanh bất động sản đã đề nghị với Chính phủ và được Chính phủ chỉ đạo trong Chỉ thị số 2196 về khắc phục những khó khăn của thị trường bất động sản. Đồng thời được thể hiện trong nghị quyết của phiên họp Chính phủ tháng 10 vừa qua trong đó tập trung là phải rà soát toàn bộ những dự án bất động sản để phân loại những dự án nào chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại, còn những dự án nào đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư hạ tầng thì tạm thời giãn tiến độ. Những dự án nào đang đầu tư hạ tầng thì phải tiếp tục cơ cấu lại dự án theo hướng tập trung để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn năm 2011, 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản có thể tùy theo từng vị trí, từng đô thị và từng dự án cụ thể mà cho phép cơ cấu lại các căn hộ bất động sản để phù hợp với khả năng thanh toán của người dân có thu nhập thấp, đặc biệt khuyến khích chuyển những sản phẩm bất động sản thương mại sang nhà ở xã hội, trong đó nhà nước sẽ hỗ trợ tiền sử dụng đất và có thể hỗ trợ những chính sách về thuế theo quy định của nhà nước. Đó là hướng giải quyết trước mắt thị trường bất động sản hiện nay. Mặt khác đề nghị với ngân hàng tiếp tục cho vay với những người mua nhà, đặc biệt những người mua nhà sử dụng lần đầu, những người mua nhà ở xã hội, đề nghị Quốc hội cho phép miễn giảm thuế VAT đối với những người mua nhà ở lần đầu.
Những giải pháp để khắc phục những tồn kho này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, cả Trung ương và địa phương, liên quan đến cả người dân. Nên việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản yêu cầu phải có một giải pháp đồng bộ, tổng thể trách nhiệm của các bộ, các ngành cùng quan tâm tháo gỡ và đặc biệt là vai trò của các địa phương, vì các địa phương là trực tiếp quản lý các dự án bất động sản. Có điều chỉnh được hay không, có cơ cấu lại căn hộ được không, cơ cấu lại được dự án hay không, có nhanh thời gian hay không, tất cả phụ thuộc vào địa phương và phụ thuộc vào các cơ quan chuyên tham mưu, vấn đề này có xử lý được không còn phụ thuộc vào quyết tâm của doanh nghiệp. Muốn tháo gỡ thị trường bất động sản phải cân đối cung cầu mà cung thì có nhưng cầu phải có tiền. Nền kinh tế của chúng ta đang khó khăn, đang nghèo thì việc để giải quyết một cách triệt để rất khó khăn, cho nên phải từng bước tháo gỡ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong trả lời của mình: thị trường bất động sản hiện nay đang là những giai đoạn khó khăn nhất, và chắc chắn vẫn phải tiếp tục khó khăn và chúng ta tháo gỡ từng bước. Nếu để càng khó khăn thì nợ xấu càng tăng thêm, cho nên cần phải quyết tâm rất cao và chắc chắn thị trường sẽ ấm lên cùng với sự hồi phục của nền kinh tế của chúng ta để tăng cầu của nền kinh tế thì thị trường sẽ khá hơn./.
Tuấn Nghĩa