Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 12/6/2009 16:11'(GMT+7)

Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm về yếu kém trong điều hành xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Sáng nay (12/6), dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Nội dung chính được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phần chất vấn này tập trung vào một số vấn đề: Làm rõ chức năng, vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Tình hình xuất khẩu gạo; Công tác quản lý thị trường đối với những sản phẩm hàng hoá không đạt chất lượng của nước ngoài nhập vào Việt Nam; Công tác di dân ra khỏi vùng điện 220 KV ở Quảng Bình và Tuyên Quang; Người dân ở vùng khó khăn được hưởng thụ điện…

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), Lê Thanh Liêm (đoàn Long An), Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích rõ hơn về quá trình điều hành xuất khẩu gạo; Nhiệm vụ, chức năng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam có thiếu sót trong điều hành xuất khẩu gạo

Trả lời xung quanh những câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Tính đến hết ngày 31/5/2009, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo là 4,1 triệu tấn và đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, giá bình quân là 412 USD/tấn. Đây là số lượng xuất khẩu gạo lớn nhất từ trước đến nay. Theo đà này, tính đến hết năm 2009, Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu từ 4-4,5 triệu tấn gạo.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, để có được kết quả này phải kể đến sự nỗ lực của bà con nông dân, đặc biệt là người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong đó có Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam và vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo Nghị định 12/2006 của Chính phủ, xuất khẩu gạo phải căn cứ vào khả năng sản xuất ở trong nước để tính đến xuất khẩu; Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, không tác động xuấu tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Các doanh nghiệp được bình đẳng trong xuất khẩu gạo. Nếu tình hình lương thực có sự thay đổi đột xuất thì Chính phủ có quyền quyết định việc điều chỉnh xuất khẩu.

Về vai trò điều hành đến xuất nhập khẩu lương thực nói chung và xuất nhập khẩu gạo nói riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chính trong việc dự báo và tính toán khả năng lượng gạo hàng hoá có thể xuất khẩu. Bộ Công thương có trách nhiệm tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam trên cơ sở số lượng gạo được xuất khẩu trong 1 năm hoặc trong khoảng thời kỳ nhất định thì có sự điều hành cụ thể trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam hoạt động theo điều lệ Hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội có quyền quyết định từ khâu tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự của Hiệp hội. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm thống nhất ký kết hợp đồng, giao dịch hàng hoá xuất khẩu gạo theo hợp đồng xuất khẩu gạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có những thiếu sót trong việc điều hành nên để xảy ra thực trạng hàng nghìn tấn gạo vẫn chưa được xuất khẩu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm đối với các đại biểu và cử tri cả nước và hứa sẽ cùng với các Bộ, ban, ngành chỉ đạo, sắp xếp, điều hành việc xuất khẩu gạo nhanh chóng, minh bạch hơn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết: Ngày 5/6/2009, Thủ tướng giao trách nhiệm điều hành cụ thể cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành xuất nhập khẩu gạo nhưng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong quản lý xuất khẩu.

Yếu trong quản lý hàng ngoại nhập kém chất lượng

Cần quản lý chặt chẽ hơn đối với đồ chơi nhập ngoại

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (đoàn Phú Thọ) chất vấn: Các mặt hàng trò chơi điện tử nước ngoài chất lượng kém đang ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em. Dư luận đang xôn xao về chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đồ chơi trẻ em có chất độc hại. Vậy Bộ Công thương đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng hàng ngoại nhập kém chất lượng tràn vào Việt Nam?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thời gian qua, Bộ Công thương đã có nhiều hạn chế trong công tác quản lý thị trường. Đặc biệt là ở các tỉnh biên giới, lực lượng quản lý thị trường rất mỏng, công tác quản lý hàng hoá còn gặp nhiều khó khăn nên đã để xảy ra tình trạng hàng hoá nước ngoài không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới tầng lớp thanh thiếu niên.

Để giải quyết thực trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương sẽ cùng với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh sản phẩm nước ngoài kém chất lượng nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu vào Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm quản lý thị trường đối với những hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu và được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị quản lý thị trường ở các địa phương đưa ra nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát quá trình kinh doanh, mua bán xăng dầu tại các cơ sở, trạm xăng dầu. Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan có trách nhiệm đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm như: Gian lận trong đong đếm xăng, giá xăng niêm yết chưa đúng so với quy định…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục cùng với các ngành chức năng quản lý thị trường xem xét, xử lý kịp thời và sẽ đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối những cơ sở kinh doanh có những hành vi gian lận trong niêm yết và đong đếm xăng, dầu.

Người dân ở vùng khó khăn mong chờ mạng lưới điện được kéo đến từng xã

Đến năm 2010, tất cả các xã khó khăn sẽ có điện

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) nêu câu hỏi: Nghệ an còn 27 xã chưa có điện, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và là những địa bàn rất quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng. Bộ Công thương đã có những chủ trương gì để những xã khó khăn của Nghệ An nói riêng và những xã khó khăn của cả nước nói chung được thụ hưởng điện?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước là người dân, không phân biệt ở thành thị hay nông thôn, vùng khó khăn đều được cung cấp và hưởng thụ điện. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2010 có 95% số xã có điện. Nhưng cho đến thời điểm này, nước ta đã đạt được con số 97,74% số xã có điện. Số xã còn lại chưa có điện chủ yếu rơi vào những vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Công thương chỉ đạo các Bộ, ban, ngành cố gắng để các xã còn lại có điện.

Trong trường hợp kéo lưới điện quốc gia không khả thi thì Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, biogas hay những năng lượng khác để đến năm 2010, tất cả những xã còn lại sẽ có điện phục vụ người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (đoàn Quảng Bình), Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) chất vấn: Nhiều người dân vẫn sống trong hành lang đường dây cao thế điện 220 KV bị ảnh hưởng. Bộ đã có chính sách như thế nào trong việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Bộ Công thương sẽ có các biện pháp điều tra, điều hành cụ thể đối với những người dân sống trong hành lang đường dây cao thế 220 KV bị ảnh hưởng. Căn cứ vào hình thực tế và đo đạc những thông số có liên quan, Bộ sẽ cùng với các ban, ngành liên quan có giải pháp khắc phục phù hợp.

Cho đến hết phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được 28 câu hỏi và đã trả lời trực tiếp 15 câu hỏi chất vấn.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân./.

DT (theo VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất