Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/6/2009 16:2'(GMT+7)

Bức xúc lao động, việc làm

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: hiện tại ngành mới nắm được và cấp giấy phép chưa được 50% trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Ảnh VOV

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: hiện tại ngành mới nắm được và cấp giấy phép chưa được 50% trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Ảnh VOV

Sáng nay (11/6), Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng nhận được 20 chất vấn của các đại biểu. Sau kỳ họp, Bộ nhận được 39 kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố và Bộ đã có văn bản gửi cử tri và đồng gửi tới Ban dân nguyện, các đoàn đại biểu Quốc hội có kiến nghị.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri, sau kỳ họp thứ 4, Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, rà soát lại hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực trình lao động-xã hội để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng hướng dẫn các chế độ chính sách đáp ứng được nguyện vọng cử tri trong cả nước.

Mới quản lý được 50% lao động nước ngoài

Đại biểu Võ Thị Thuỷ (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: Lao động nước ngoài du nhập vào nước ta ngày càng nhiều trong khi lao động trong nước thiếu việc làm, điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc tìm kiếm việc làm của lao động trong nước?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, khi đã hội nhập thì việc di chuyển lao động giữa các nước là không tránh khỏi. Việt Nam đưa lao động của mình đi làm việc ở nước khác, và nước khác cũng đưa lao động vào Việt Nam làm việc. Bộ Luật Lao động và Nghị định 34 quy định rõ là không tiếp nhận lao động phổ thông của nước ngoài mà chỉ tiếp nhận các lao động có kỹ thuật, nhưng thực tế đã có nhiều lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam. Số này vào qua con đường du lịch, thăm thân nhân và nhiều con đường khác.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện tại ngành mới nắm được và cấp giấy phép chưa được 50% trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Sở dĩ có tình trạng này, theo Bộ trưởng Kim Ngân là do đơn vị sử dụng lao động không báo cáo với cơ quan quản lý nên không nắm được số lao động này.

Về giải pháp để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước hết là phải tuân thủ pháp luật và dựa vào quan hệ song phương giữa các nước; đòi hỏi thời gian chứ không thể trong một - hai tuần là giải quyết được.

“Trước mắt, ngành Lao động sẽ kiểm tra, nếu lao động nào đủ điều kiện thì cấp giấy phép còn những người đã hết hạn visa, không đủ điều kiện thì sẽ thuyết phục hướng dẫn cho họ về nước”.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết về lao động nước ngoài tại Việt Nam để chúng ta quản lý cho chặt chẽ. “Chúng ta đã có Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Nay theo thực tế phát sinh, chúng ta phải cụ thể hoá việc đưa người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam’ - Bộ trưởng Kim Ngân nói.

 

Chỉ tạo được 1,45 triệu lao động năm 2009

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm chất vấn: Năm 2009, Chính phủ giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, vậy Bộ có đề nghị điều chỉnh số lao động được tạo việc làm mới hay không?

Bộ trưởng Kim Ngân khẳng định: “Vừa rồi, Chính phủ có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng nhưng không điều chỉnh chỉ tiêu việc làm. Nhưng điều chỉnh GDP sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu việc làm. Thực tế, không có quốc gia nào tăng trưởng chậm lại mà chỉ tiêu tạo việc làm mới lại tăng lên”.

Theo hệ số co-giãn, cứ tăng trưởng 1% thì tạo ra 0,34% tạo việc làm mới. “Với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% thì sẽ tạo ra việc làm mới cho khoảng 1,45 triệu lao động” - Bộ trưởng Kim Ngân nói.

Bộ trưởng Kim Ngân cho biết: Hiện nay Bộ đang hoàn thành giai đoạn cuối trình Đề án đổi mới về phát triển dạy nghề đến 2020 và đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trình Thủ tướng ký trong tháng 6 này), Đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề giai đoạn 2009-2005; đang dự thảo các đề án: Dạy nghề cho thanh niên dân tộc, cho người tàn tật,… đều nằm trong nhóm vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (đoàn Ninh Thuận) đặt câu hỏi: "Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2100 có 80.000 lao động khuyết tật có việc làm, nhưng hiện tại mức hỗ trợ để đào tạo nghề cho đối tượng này còn thấp, Bộ có kế hoạch gì để thay đổi chính sách hỗ trợ?".

Bộ trưởng Kim Ngân cho biết: “Sắp tới, Bộ sẽ sửa để nâng mức hỗ trợ này lên. Tôi đồng ý với việc, người tàn tật phải được hỗ trợ cao hơn người bình thường. Căn cứ vào mức đề án hỗ trợ lao động nghèo, lao động nông thôn thì sẽ có mức hỗ trợ người tàn tật cao hơn. Ngoài việc hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề, mỗi người đi học sẽ được hỗ trợ tiền ăn, tài liệu và đi lại”.

Mâu thuẫn giữa đào tạo - việc làm nông thôn

Còn đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) yêu cầu Bộ trưởng làm rõ đề án dạy nghề cho các đối tượng ở nông thôn. “Việc sử dụng tài chính cho việc đào tạo này như thế nào? Không nên xé lẻ ra mà tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn” - đại biểu đưa ra ý kiến với Bộ trưởng Kim Ngân.

Bộ trưởng Kim Ngân cho biết: “Đề án dạy nghề có 3 thành phần, 1 là dạy nghề cho nông dân làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, 2 là dạy nghề cho nông dân chuyển dịch sang làm lĩnh vực khác và 3 là đào tạo chính đội ngũ trong nông dân tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở. Nhóm đầu thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, và việc dạy này có nhiều hình thức, không nhất thiết phải đến lớp, chẳng hạn như dạy nghề bằng cách đứng đầu bờ, qua truyền hình. Dạy nghề để chuyển đổi thì đưa vào các trung tâm dạy nghề, Nhà nước sẽ có hỗ trợ để thành lập các trung tâm dạy nghề ở huyện. Đề án này tốn khoảng 32.600 tỉ đồng, kéo dài trong 12 năm từ 2009 đến 2020, mỗi năm dạy cho 1 triệu nông dân. Nếu chia bình quân cho 63 tỉnh thành và bình quân từng năm thì đó là giá quá thấp cho đào tạo nghề khu vực nông thôn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát làm rõ nội dung hiện nay nông dân cần dạy cái gì. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo chuẩn bị đề án đào tạo 1 triệu lao động nông thôn, trong đó có 700.000 người thôi không làm nông nghiệp chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp khác, 300.000 người tiếp tục làm nông nghiệp theo phương thức hiện đại. Với 300.000 người tiếp tục làm nông nghiệp, bước đầu chúng tôi xác định có 76 ngành nghề và đề nghị có cơ chế, chính sách thực hiện có hiệu quả vấn đề này”.

Cần những con số chính xác về lao động việc làm

Cơ sở đào tạo nghề của Cty TNHH Hồng Ngọc, Chí Linh, Hải Dương. (Ảnh: VBN)

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng, số liệu công bố lao động mất việc làm không thống nhất khiến việc đánh giá, nhận định tình hình rất khó khăn. Đại biểu đặt câu hỏi: “Cách thức thống kê như hiện nay có đủ bảo đảm để đánh giá tình hình?”. Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, số liệu thống kê chỉ dựa vào báo cáo của 46 tỉnh thành phố thì liệu có chính xác?

Bộ trưởng Kim Ngân khẳng định: “Các phát ngôn của cơ quan Nhà nước về tình hình lao động việc làm luôn thống nhất”.

Bộ trưởng cũng nghiêm túc nhìn nhận: “Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác thống kê. Thời gian tới, cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động, mất việc, tìm việc làm mới. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi nhận trách nhiệm để sau này các số liệu đưa ra chính xác hơn. Khi phân tích, các cơ quan cũng lưu ý là cần dựa vào báo cáo do Chính phủ và cơ quan Tổng cục thống kê công bố”.

Theo Bộ trưởng Kim Ngân, số liệu báo cáo về tình hình lao động phải đề cập nhật thường xuyên. Số liệu về lao động 5 tháng trước không thể giống số liệu của tháng này bởi luôn có sự thay đổi về số lao động từ nước ngoài về, lao động trong nước mất việc tìm được việc làm mới… Còn việc thống kê dựa trên báo cáo của 48 tỉnh thành là bởi lý do các tỉnh, thành phố này tập trung nhiều lao động, số còn lại chủ yếu là làm nông nghiệp, không bị ảnh hưởng nhiều của tình hình lao động, việc làm.

Đại biểu H`Luộc Ntơr (đoàn Đắc Lắc) nêu thực trạng, một bộ phận lao động là thanh niên ở nông thôn chưa có việc làm; thanh niên học xong cao đẳng, trung học dạy nghề cũng không xin được việc làm, trong đó có đối tượng cử tuyển. Thời gian tới, việc hỗ trợ cho thanh niên người dân tộc đi làm việc trong nước, nước ngoài sẽ được thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Kim Ngân trả lời như sau: Lao động có nghề thì mới có việc làm. Chúng ta phải phát triển kinh tế thì mới tạo ra được việc làm. Do đó, các chương trình phát triển kinh tế trên địa bàn rất quan trọng. Cùng với việc mở rộng đối tượng, nâng cao chất lượng và phạm vi dạy nghề, trong các đề án (dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên dân tộc nội trú, dạy nghề cho người nghèo ở 61 huyện nghèo…) sau khi hoàn thành sẽ có cơ hội tạo ra việc làm mới.

“Còn những đối tượng có cơ hội xuất khẩu lao động , chúng tôi đang có chương trình thí điểm cho xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30A (ngoài 61 huyện nghèo còn cả những vùng miền sâu, miền núi) để các thanh niên vùng này được tiếp cận với chính sách xuất khẩu lao động và được đi làm việc ở nước ngoài.

Sinh viên cử tuyển (tức là có địa chỉ để công tác) thì không thể nói là ra trường không có việc làm. “Nếu việc này có thì tôi sẽ đề nghị các địa phương xem lại vì đây là đối tượng được các cơ quan Nhà nước cử đi học” - Bộ trường Kim Ngân nói.

Chính sách với người có công

Đại biểu H'Luộc Ntơr (Đắc Lắc) nêu vấn đề: Lâu nay thương binh hạng 1/4, 2/4 được miễn giảm các khoản đóng góp ở địa phương, nhưng thương binh hạng 3/4 vẫn đóng góp bình thường như những công dân khác. Thực tế, nhiều cử tri kiến nghị đối với thương binh hạng 3/4 từ 65 tuổi trở lên cần xem xét miễn giảm các khoản đóng góp?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Kim Ngân trả lời: “Chính sách thuế thì phải theo luật định, còn các khoản thu nghĩa vụ khác ở địa phương thì do chính quyền địa phương qui định. Nếu thấy cần giảm cho đối tượng thương binh hạng ¾ thì hoàn toàn trong thẩm quyền của địa phương.

Bộ trưởng Kim Ngân cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại những đối tượng thương binh 3/4 tuổi cao hoặc những đối tượng người có công khác mà đang chịu những khoản thuế của Nhà nước. Hai bộ sẽ ra soát lại xem khoản thuế nào có thể giảm, có thể miễn.

Đại biểu Võ Văn Liêm (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Kim Ngân cho biết hướng giải quyết tồn đọng người có công trong kháng chiến chưa được hưởng chế độ, chính sách vì vướng thủ tục.

Bộ trưởng Kim Ngân cho rằng, bất cứ khoản trợ cấp nào cũng phải có thủ tục. Sau mấy chục năm chiến tranh, nước ta vẫn tồn đọng đối tượng thực sự là liệt sĩ, thực sự là thương binh nhưng chưa được công nhận vì không có hồ sơ. Các địa phương, những người có liên quan phải có trách nhiệm làm thủ tục cho các đối tượng này.

“Đã có thời kỳ chúng ta gặp thương binh giả rất nhiều, dư luận rất bức xúc… do đó chúng ta phải làm rất chặt chẽ” - Bộ trưởng Kim Ngân nói.

Cuối buổi sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục các phiên chất vấn tại Hội trường./.

DT (theo Vũ Hạnh – Bích Lan- VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất