Thứ Năm, 10/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 23/11/2011 16:26'(GMT+7)

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Kể từ 2012, mỗi năm giảm 5%-10% số vụ tai nạn giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Minh Điền

Với 24 câu hỏi chất vấn, trong đó có 4 đại biểu chất vấn tới 2 lần, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng - thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn - đã được yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến  tai nạn, ùn tắc giao thông, chất lượng thi công và tiến độ các công trình giao thông trong điều kiện phải tiết giảm chi tiêu công. Ba vị Bộ trưởng khác đã cùng ông làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Tai nạn giao thông: sẽ phấn đấu giảm 5%-10%/năm từ năm 2012 

Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình tai nạn giao thông hiện nay và coi đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố, từ cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đến quản lý nhà nước còn bất cập, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, song Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước còn yếu kém. Đây được coi là khâu đột phá quan trọng sẽ được vị Tư lệnh ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát.

Chưa hài lòng với “giải pháp chung chung”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn lại lần thứ 2: “Bộ trưởng có thể cam kết trong mấy năm thì giảm được tai nạn, ùn tắc”? Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt ra. Ông Nghĩa “đòi” quyền phát biểu hết 2 phút và kết luận bằng chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với Bộ Công an đưa ra chỉ tiêu cụ thể về vấn đề này để cử tri theo dõi, giám sát”?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Minh Điền

Đáp lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã xác định mục tiêu kể từ năm 2012 mỗi năm giảm 5%-10% số vụ tai nạn giao thông. Trước mắt, năm 2012 được ngành giao thông lựa chọn là năm An toàn giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ thêm: “Khó có thể nói được bao giờ thì hết được tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đó là vấn nạn song hành cùng với quá trình phát triển, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải sẽ không ngồi đợi mà làm được gì thì sẽ làm ngay, làm kiên quyết”. 

Tư lệnh ngành giao thông cũng kêu gọi toàn hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia giao thông cùng chung sức thực hiện mục tiêu này.

Khắc phục tình trạng công trình làm chậm, hỏng nhanh

Một thực tế được nhiều đại biểu như ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)… phản ánh là chất lượng một số công trình giao thông kém, tiến độ thi công chậm góp phần gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phê bình một cách hình ảnh: “Công trình làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, hậu quả người dân gánh”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, bên cạnh nguyên nhân khách quan là phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, dẫn đến tình trạng một số công trình thiếu vốn nên không đảm bảo tiến độ thi công, còn có những nguyên nhân chủ quan liên quan đến chất lượng ban quản lý dự án, chất lượng nhà thầu.

“Không loại trừ có tình trạng bán thầu, thậm chí tiêu cực như đại biểu đã nêu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các ban quản lý, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu. Đơn vị nào có sai phạm sẽ xử lý thích đáng, sai phạm nặng thì kiên quyết thay thế”, ông Thăng nói.

Một động thái được ông nêu ra để dẫn chứng cho quyết tâm này là việc đình chỉ công tác đối với Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để làm rõ trách nhiệm.

Bộ trưởng cho biết, sau khi nhận được thông tin về chất lượng kém của công trình này, sáng Chủ nhật vừa rồi ông đã vào tận nơi kiểm tra và xác nhận nhiều đoạn đường không đảm bảo. Ngoài việc đình chỉ công tác của Giám đốc Ban quản lý dự án, Bộ đã yêu cầu nhà thầu thi công phải khẩn trương khắc phục và phải chịu mọi chi phí.

Là một trong 4 đại biểu đăng ký chất vấn tới 2 lần, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kiên trì yêu cầu Bộ trưởng cho biết về tuổi thọ công trình gắn với suất đầu tư một cách cụ thể. Mặc dù cho rằng vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện sử dụng, tải lượng, điều kiện thời tiết… và cho đến nay chưa có văn bản nào quy định; song tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn theo hướng này để cử tri có thể giám sát, kiểm tra. 

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội). Ảnh: Minh Điền

Nhiều vấn đề khác như định hướng quy hoạch đầu tư mạng lưới đường sắt, kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo lái xe, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia; minh bạch hóa thu – chi quỹ bảo trì đường bộ cũng đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn trao đổi với các đại biểu.

Bộ trưởng Thăng cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ được thu trực tiếp trên đầu phương tiện, vì thế không có chuyện tùy tiện sử dụng tiền thuế của người dân vào mục đích duy tu, sửa chữa đường bộ.

Được sự yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, ba vị Bộ trưởng khác cũng đã đăng đàn giải trình thêm về tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông và huy động vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng yếu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Phải thay đổi tư duy địa phương chủ nghĩa

Ảnh: Minh Điền

Theo ông Trịnh Đình Dũng, trong phạm vi chức trách của mình, Bộ Xây dựng sẽ xúc tiến việc xây dựng các quy hoạch đô thị theo tư duy vùng để chia tải cho các đô thị trung tâm. Đặc biệt, từng khu đô thị cần xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội, tránh việc cư dân phải giao thông “con lắc” giữa các khu. Bộ mong muốn chính quyền các đô thị thực hiện các quy định về cho phép xây dựng nhà cao tầng, dành đất cho các công trình giao thông; đẩy nhanh tiến độ di chuyển các trường đại học ra ngoại thành, kiểm soát quy mô bệnh viện trong đô thị trung tâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Cần nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, công chức trong bộ máy chính quyền can thiệp vào việc xử phạt vi phạm luật lệ giao thông

Ảnh: Minh Điền

Tổ chức giao thông hợp lý, xử lý kịp thời những “điểm đen” hiện nay, xóa bỏ đường ngàng trái phép, bố trí trực ở đường ngang nguy cơ cao, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về giao thông… là những biện pháp mà ngành công an sẽ nỗ lực thực hiện để phối hợp với ngành giao thông và chính quyền địa phương nhằm làm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng  mức phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông hiện nay chưa đủ sức sức răn đe. Ông đề nghị một mặt nâng mức phạt tiền, mặt khác áp dụng thêm những hình phạt bổ sung, chẳng hạn như kiên quyết tịch thu xe của đối tượng tham gia đua xe; ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện. Bộ trưởng cam kết sẽ xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh, kiên quyết xử lý những trường hợp tiêu cực; nhưng yêu cầu “nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, công chức trong bộ máy chính quyền can thiệp vào việc xử phạt vi phạm luật lệ giao thông”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Hoàn thiện khung pháp lý để xã hội hóa đầu tư

Ảnh: Minh Điền

Ba sự thay đổi cần có trong lĩnh vực đầu tư để góp phần cải thiện bức tranh về giao thông hiện nay, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bao gồm thay đổi tư duy về đầu tư, hoàn thiện khung pháp lý để xã hội hóa đầu tư, chấp nhận giá và phí hợp lý, đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Tới đây, khi tổng mức đầu tư công giảm dần thì phải mở ra nguồn đầu tư mới cả trong và ngoài nước. Vốn Ngân sách Nhà nước  thay vì đầu tư 100% cho công trình thì nay sẽ chỉ làm “vốn mồi”, những công trình nào, hạng mục nào có thể thu hồi vốn thì huy động vốn ngoài ngân sách. Nhưng muốn vậy, người dân cần chấp nhận thay đổi thói quen sử dụng các công trình giao thông miễn phí. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong tác gảii phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Giá xăng dầu phải minh bạch, chống lạm thu trong trường học

 Mở đầu phiên họp, trước khi bắt đầu hoạt động chất vấn, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII.

 Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII đã có gần 2.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó tập trung nhiều vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giáo dục và đào tạo; lao động, thương binh xã hội… Sau khi phân loại những kiến nghị đã được giải quyết, trả lời tại các kỳ họp trước và kiến nghị thuộc trách nhiệm giải quyết của địa phương, còn lại 1.591 kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan trung ương. Đến nay, tất cả các kiến nghị đều đã được trả lời đầy đủ.

Qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, đánh giá việc ban hành văn bản pháp luật để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát, đánh giá toàn diện các văn bản về tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trước hết là sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đối tượng được miễn giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa… bảo đảm phù hợp với nghị quyết của Quốc hội; xem xét lại việc quy định tất cả các cơ sở giáo dục đồng loạt trích lại 40% học phí thu được để đảm bảo thực hiện mức lương tối thiểu tăng thêm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành sơ kết, đánh giá cơ chế trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm tra việc thu, chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp ngoài học phí, lệ phí.


(Theo: SGGP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất