Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/6/2018 10:22'(GMT+7)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Cần đãi ngộ hợp lý để tránh tiêu cực trong giáo dục

 


Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.

Bức xúc nạn xuống cấp đạo đức trong trường học

Một số đại biểu bày tỏ sự bức xúc về những hiện tượng tiêu cực và xuống cấp đạo đức trong trường học. Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) và K’ Nhiễu (Lâm Đồng) đề cập đến một số sự việc đau lòng như cô giáo phạt trẻ uống nước giẻ lau bảng, ngậm dép… đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục mầm non thời gian qua có nhiều hiện tượng gây bức xúc trong xã hội. Hiện chúng ta có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non, về cơ bản các thầy cô rất tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. “Nhưng cũng còn một số giáo viên đã có những hành động bạo hành trẻ, những vụ việc mà báo chí nêu, theo tôi là không thể chấp nhận được, điều này không thể xảy ra trong xã hội đặc biệt là ngành giáo dục. Cá nhân tôi là người đứng đầu ngành, tôi rất bức xúc và đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề bạo hành trẻ, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực. Đối với các cơ sở để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ phải đình chỉ, cần thiết sẽ đóng cửa vĩnh viễn”.

Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về hiện tượng một số thầy cô đã có những hành vi, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo: “Tôi thấy đây là thiếu sót lớn, nguyên nhân có nhiều nhưng có trách nhiệm của ngành là khâu đào tạo bồi dưỡng, kiểm soát chưa thường xuyên dẫn đến một số thầy cô không có năng lực, kém phẩm chất. Trong thực tế, chắc chắn còn nhiều nhưng với hành vi lên án, hành hạ trẻ, đây là cảnh tỉnh lớn đối với ngành, hiệu trưởng các trường. Các thầy cô có những áp lực, cả vật chất, tinh thần, tôi luôn động viên các thầy cô giáo phát huy những gì tốt, xã hội sẽ ghi nhận”.

Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây sẽ có chương trình đào tạo giáo viên, giáo dục đạo đức trong giáo viên và học sinh, khi thi THPT quốc gia Bộ nghị đưa môn này vào. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. “Tôi cũng nhận trách nhiệm của ngành trong phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng” – Bộ trưởng nói. Một giải pháp nữa là quy hoạch, đào tạo thường xuyên và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ giáo viên.

Giáo dục bao giờ hết giai đoạn quá độ?

Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục. Bộ trưởng từng nói, giáo dục đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận thay đổi để đổi mới”.

Đại biểu Vân đặt câu hỏi: “Xin Bộ trưởng cho biết, chúng ta mất bao lâu để hết giai đoạn đoạn quá độ này. Hiện nay sau quá nhiều thay đổi, chúng ta đang đến giai đoạn nào của con đường quá độ. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng dự kiến bao nhiêu % đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đổi mới, đặc biệt đổi mới giáo dục đào tạo không nóng vội vì liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Trước khi đổi mới, phải có tuyên truyền, tranh thủ ý kiến chứ không thể cứ thấy vướng là làm ngay. Đây là vấn đề nhạy cảm, cần có lộ trình, bước đi. Ngay trong thi cử chúng ta đi từ giai đoạn 2 kỳ thi/năm rất tốn kém chuyển 1 kỳ thi/2 mục đích. Đến năm 2017 chúng ta duy trì và được nhân dân, cử tri cơ bản đồng tình, giữ ổn định. Chúng tôi có chỉnh sửa ở những vấn đề tốt hơn, tiếp tục nghiên cứu cùng với chương trình đổi mới sách giáo khoa chứ không làm ngay.

Hiện Việt Nam đang thực hiện nhiều nhiệm vụ và có kết quả. Với giáo dục mầm non, chúng ta hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi. Đây là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân. Ghi nhận, huy động trẻ 5-6 tuổi vào lớp 1 cao tại khu vực ASEAN, cao hơn Singapore.

Tuy nhiên, giáo dục còn nhiều vấn đề. Quốc hội chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 88, trong chương trình xây dựng tổng thể, cụ thể các môn học và đang thẩm định kỹ lưỡng và triển khai sách giáo khoa. Trong lúc chờ, Bộ chỉ đạo địa phương quyết liệt đổi mới dần để hiện hình giảm tải hơn, phù hợp hơn với chủ trương chuyển từ phương thức đào tạo về nội dung sang phẩm chất năng lực. Đây là “quá trình chuyển không sốc nhưng vô cùng gian nan”.

“Tôi mong cử tri, nhân dân chia sẻ với ngành trong quá trình chuyển đổi”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trương cho biết phải hoàn thành chương trình sách giáo khoa. Về chất lượng phải có chuyển biến rõ nét. Các trường đại học đặc biệt tự chủ và đổi mới có tính chất đột phá về tự chủ, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng.

 

“Chúng tôi cố gắng triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động”, Bộ trưởng nói tiếp.

200 nghìn sinh viên thất nghiệp là do chất lượng

Đại biểu Đào Tú Hoa cho biết, hiện có 200 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm gây gánh nặng cho xã hội và bức xúc của nhân dân. Có nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Theo Bộ trưởng, giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới như thế nào?

Từ góc độ ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, tới đây Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Việc thất nghiệp của 200 nghìn sinh viên là hiện tượng có thật nhưng để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp thì Bộ trưởng cho rằng, cái gốc vấn đề chính là chất lượng.

“Mà chất lượng ở đây không phải là chất lượng thầy, cô cho điểm mà là chất lượng chuẩn, được kiểm định quốc tế; giải pháp để phối hợp với thị trường lao động, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và đào tạo theo tiêu chí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Vừa rồi, chúng tôi có quyết định cho một số ngành công nghệ thông tin và du lịch được quy chế đặc biệt, đào tạo gắn với thị trường lao động. Chúng tôi mở rộng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau của đào tạo, nâng cao chuỗi đào tạo”, Bộ trưởng nói thêm.

Theo ông, ngành giáo dục không phải chỉ đợi thông tin cung cấp về thị trường lao động của Bộ LĐ-TB-XH, mà từng trường đại học phải nghiên cứu thị trường trước khi mở đào tạo.

 

“Tới đây các trường đang chuyển biến mạnh, phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, trách nhiệm với người học chứ không tuyển sinh hứa hẹn nhưng học xong lại không có trách nhiệm. Bộ tăng cường hậu kiểm, công khai minh bạch để dùng thông tin, kiểm chứng lại việc các trường tuyển sinh và có chất lượng đào tạo không tốt”, Bộ trưởng Nhạ hứa.

Học sinh mất 3-4 tỷ USD đi du học mỗi năm

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn: hiện nay một số nước có mức mức học phí khá cao, trả từ 400-500 triệu đồng mỗi năm. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào và giải pháp làm sao để ủng hộ nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng vấn đề này được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa, đạo đức. Xu hướng chung, các nước đang phát triển muốn đưa con sang nước phat triển tiếp cận giáo dục tiên tiến hơn.

Đảng và Nhà nước có chính sách, quan tâm giáo dục rất lớn, coi giáo dục là cốt sách hàng đầu, trong thực tế đã dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, yêu cầu nâng cao chất lượng với số lượng tuyệt đối chưa nhiều thì vai trò tham gia đóng góp của xã hội, nhất là doanh nghiệp lớn. Đây là bài học thành công của nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc. Chủ trương này được Đảng và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao quan tâm vấn đề này. Chúng tôi có tham mưu, có đề án, có nghị quyết để tăng cường thu hút các hoạt động xã hội cho tư nhân.

Theo nguồn thống kê không chính thức, hàng năm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập dạng học bổng và không học bổng nhiều, mất khoảng 3-4 tỷ USD dưới dạng các chi phí khác nhau.

"Làm sao thu hút được các học sinh, gia đình có điều kiện con em mình tốt hơn, không chỉ ra nước ngoài mà ngay tại trong nước có hưởng nền giáo dục tốt. Chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư cho giáo dục với yêu cầu chất lượng cao", Bộ trưởng nói.

 

Ngân sách tập trung cho vùng khó khăn, còn chất lượng cao thì nhà nước có trách nhiệm nhưng rất trông đợi vào đầu tư của nhà đầu tư, theo hướng chuẩn quốc tế, tăng sự đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực với nhà nước. Đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước mà chúng tôi đang thực hiện. Tới đây khi sửa Luật Giáo dục sẽ ưu tiên điểm này trong khuyến khích xã hội hóa. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã thực hiện nhưng chưa sát với sự khuyến khích nên nhà đầu tư có đầu tư nhưng chưa thật sự mạnh.

Chưa hướng nghiệp và phân luồng nên học sinh học lệch

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc vai trò của Bộ chỉ đạo thế nào khi triển khai đổi mới giáo dục tới đây?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc phân luồng không phải vấn đề mới và Chính phủ có đề án cụ thể. Nhưng thời gian qua, việc thực hiện phân luồng chưa tốt, trong đó có nguyên nhân từ ngành giáo dục. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề đầu tiên mang tính căn cốt là trong chương trình giáo dục hiện hành chưa thể hiện cụ thể giáo dục hướng nghiệp và phân luồng khiến học sinh tập trung về kiến thức, nhẹ về phần năng lực thực tế thực hành, ít gắn với bên ngoài.

Nghị quyết Trung ương 29 đã nhận định và chỉ đạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng nêu cần phải tiếp tục thực hiện thiết thực, hiệu quả phân luồng. Tháng 5 này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ LĐTBXH tham mưu tư vấn cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 về giáo dục phân luồng giai đoạn 2018 - 2025 trong đó nêu rõ các giải pháp. Một nhóm giải pháp là nhiệm vụ của ngành giáo dục, cụ thể là trong chương trình phổ thông phải chú trọng giáo dục hướng nghiệp, gắn nội dung kiến thức với thực tiễn, đồng thời xây dựng đội ngũ tư vấn hướng nghiệp, khắc phục tình trạng đại biểu nêu.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay Đề án của Bộ GD-ĐT có khảo sát mới đạt 76,9% số học sinh sau tốt nghiệp THCS học lên THPT, chưa đạt tỷ lệ 30% như Chính phủ chỉ đạo. Chúng tôi cố gắng cùng Bộ LĐ-TB-XH đạt chỉ tiêu này vào năm 2020.

Về điều kiện thực hiện cho các em tiếp cận với thị trường lao động, tiếp cận nghề nghiệp mới có đạt, nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang tiếp cận với cách mạng 4.0 thì thông tin cho các em tiếp cận với thị trường lao động, tiếp cận với sự phát triển khoa học công nghệ quan trọng, cần đưa vào chương trình, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp. Vừa rồi kiêm nghiệm, không chuyên nghiệp, thậm chí có nơi còn hình thức. Trong chương trình có giáo dục hướng nghiệp, thậm chí được miễn điểm để xét tốt nghiệp nhưng thực chất các địa phương báo cáo lại chưa cao.

“Chương trình phổ thông là chương trình lớn, khi thiết kế chúng tôi đã chỉ đạo, quán triệt các nhóm tác giả, là trong các nội dung kiến thức phải lồng ghép các vấn đề thông tin, đặc biệt cuộc cách mạng khoa học 4.0 để các em từ lớp 1, đặc biệt THCS và THPT có thông tin và bám nhu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng nói.

Ông Phùng Xuân Nhạ mong muốn nhóm giải pháp cụ thể phải tạo sự đam mê của học sinh chứ không phân luồng học sinh bắt buộc. Qua thi cử học sinh nào không đỗ mới vào nghề. Đây chỉ là giải pháp tình huống. Về lâu dài, chúng tôi đã thiết kế tạo sự đam mê cho các cháu. Gần đây, phong trào về giáo dục STEM, khởi nghiệp sáng tạo mà Thủ tướng chỉ đạo các cháu hăng hái tham gia. Khi tạo được sự đam mê, động lực, thì lúc đó mới tốt. Nếu kéo dài tình trạng phân luồng bắt buộc cũng không thành công.

 

“Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH, một bên giáo dục hướng nghiệp phân luồng, một bên tạo sự hấp dẫn. Nếu không, khi các cháu bước chân ra ngoài trường, các cháu không thấy hấp dẫn thì khó. Tới đây chúng tôi có chương trình cụ thể trong chương trình phối hợp”, Bộ trưởng hứa.

* Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời về nhóm vấn đề gồm thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Nhóm phóng viên/ Báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất