Sáng 20/10, ông Keiji Furuya, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan công dân
Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, đã tới viếng đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo. Đây là
bộ trưởng thứ hai trong Nội các Nhật Bản tới viếng ngôi đền chiến tranh gây
tranh cãi này.
Ông Furuya khẳng định chuyến thăm không nhằm khiêu khích các nước láng giềng, mà
chỉ để thể hiện sự biết ơn đối với những binh sỹ Nhật đã hy sinh vì đất nước và
nguyện cầu cho hòa bình lâu dài. Ông nói thăm đền không có nghĩa "tôn vinh"
chiến tranh.
Cách đây hai ngày, Bộ trưởng Nội vụ và Bưu chính Nhật Bản
Yoshitaka Shindo và 160 nghị sỹ cũng đã đến viếng đền Yasukuni nhân lễ hội mùa
Thu tổ chức tại ngôi đền này từ ngày 17-20/10.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe không tới thăm đền nhưng gửi đồ lễ tới viếng hôm 17/10, trong khi Thứ trưởng
Ngoại giao Nobuo Kishi, em trai Thủ tướng Abe, đến viếng đền ngày
19/10.
Việc giới chức và các nghị sỹ Nhật Bản dồn dập tới thăm đền
Yasukuni, nơi thờ khoảng 2,5 triệu binh sỹ Nhật Bản tử trận trong Chiến tranh
thế giới thứ hai, đã gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thứ
trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh
Masato Kitera tới trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc để phản
đối.
Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng đền Yasukuni là biểu tượng
của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vì trong đền có thờ 14 tội phạm chiến
tranh.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Nhật Bản cần hiểu đúng lịch sử và tôn trọng
cảm nghĩ của người dân Trung Quốc cũng như người dân các nước châu Á
khác.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng
thời kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản hành động thích hợp trong vấn đề này để
nhận được sự tin cậy của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc
tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 18/10 yêu cầu Nhật
Bản đối thoại với các nước láng giềng về vấn đề thăm đền Yasukuni và cho biết Mỹ
khuyến khích Nhật Bản tiếp tục cùng các nước láng giềng giải quyết những "lo
ngại về lịch sử" thông qua đối thoại và hòa giải./.
(TTXVN)