Trong tháng 6/2016, Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị ở cả 3 miền Bắc,
Trung, Nam để hướng dẫn triển khai một số quyết định quan trọng đã được
Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn
thông tin (ATTT) trên toàn quốc.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quan
trọng, chỉ đạo định hướng công tác ATTT đến năm 2020 như: Quyết định số
99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" (Đề án 99), Quyết định
số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020 (Đề án 893), và
gần đây nhất là Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 phê duyệt phương
hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án
898).
Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để hướng dẫn triển khai các quyết định quan trọng này.
Các hội nghị được tổ chức vào tháng 6/2016, trong bối cảnh các cơ quan,
tổ chức đang chuẩn bị xây dựng và đăng ký dự toán ngân sách nhà nước năm
2017 nhằm huy động nguồn lực và sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành,
địa phương trong việc triển khai các Đề án ATTT lớn đã được TTgCP phê
duyệt.
Nội dung được hướng dẫn bao gồm: Một số sự cố ATTT điển hình tại Việt
Nam và bài học kinh nghiệm; Mục tiêu tổng thể và nội dung chính của các
Đề án 99, 893 và 898; Hướng dẫn tổ chức, lập kế hoạch, quản lý kinh phí
thực hiện các hoạt động về đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về
ATTT; Hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm ATTT.
Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, triển khai 3 Đề án nói trên, đơn vị
chuyên trách về CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị
chuyên trách về CNTT của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tham
mưu để bộ, ngành, địa phương mình xây dựng và ban hành kế hoạch thực
hiện.
Việc xây dựng và ban hành kế hoạch có thể dưới hình thức kế hoạch 5
năm hoặc kế hoạch hàng năm, lồng ghép hoặc không lồng ghép (kế hoạch
riêng) với kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của bộ, ngành, địa
phương mình.
|
Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị khu vực miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/6/2016
|
Đối với các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch
thực hiện Đề án 99 và Đề án 893, lưu ý khi triển khai cần triển khai
đồng bộ, gắn kết các nội dung đào tạo và tuyên truyền, tránh việc triển
khai rời rạc, thiếu đồng bộ, dẫn đến lãng phí nguồn lực mà không có tác
dụng cộng hưởng, lan tỏa cần thiết.
Còn đối với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch thực
hiện Đề án 99 và Đề án 893 nên kết hợp, xây dựng và ban hành một kế
hoạch chung để triển khai đồng bộ, gắn kết các nội dung đào tạo và tuyên
truyền hiệu quả theo mục tiêu đặt ra.
Quan điểm xuyên suốt của 3 Đề án nêu trên là phát triển khả năng
thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe
dọa mất ATTT trên mạng (Cyber Resilience). Theo đó, cách tiếp cận bảo
đảm ATTT mạng thay vì chỉ tập trung vào đầu tư hệ thống trang thiết bị
từ nguồn vốn đầu tư phát triển như trước đây, sẽ được chuyển sang hình
thức kết hợp hài hòa sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn ngân
sách chi sự nghiệp thường xuyên.
Trong khuôn khổ các Hội nghị, Cục ATTT, Bộ TT&TT đã giới thiệu về
các nội dung hỗ trợ về mặt chuyên môn cho tổ chức, cá nhân như: Đăng ký
nhận cảnh báo định kỳ về ATTT thông qua Cổng thông tin điện tử của Cục;
Hỗ trợ giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất ATTT; Khai thác,
sử dụng phòng thực hành trực tuyến về ATTT.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị khu vực miền Trung và miền Nam, đại diện
Cục Tin học hóa cũng giới thiệu nội dung Quy chuẩn số 102:2016 về cấu
trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ
thống quản lý văn bản điều hành. Quy chuẩn này sẽ có hiệu lực từ
1/10/2016./.
Theo ICtnews