Thứ Bảy, 30/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 6/3/2018 20:37'(GMT+7)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng về vụ xâm hại di sản ở Tràng An

Việc xây dựng các công trình kiên cố gây ảnh hưởng đến cảnh quan vùng lõi quần thể Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Việc xây dựng các công trình kiên cố gây ảnh hưởng đến cảnh quan vùng lõi quần thể Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

Công trình xây dựng không phép

Đại diện Bộ Văn hóa, Thao và Du lịch nhấn mạnh, Danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp (di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Đây là khu vực hạn chế xây dựng nhằm đảm bảo giữ nguyên trạng di sản.

Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, vào ngày 5/3, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra việc xây dựng công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ) thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) - nằm vùng lõi quần thể Danh thắng Tràng An.

Kết quả kiểm tra cụ thể cho thấy, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An (do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc) đã tiến hành khoan cắt núi để mở đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ). Ước tính chiều dài con đường là hơn 1km, với khoảng 2.000 bậc thang lên xuống, có hệ thống lan can hai bên và nhiều trụ cột bêtông được dựng lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn xây dựng nhiều công trình phụ trợ khác như nhà vệ sinh công cộng…

“Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình và Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Sau quá trình làm việc, kiểm tra các giấy tờ, có thể khẳng định, đây là công trình không có hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng,” ông Phạm Xuân Phúc khẳng định.

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự ý xây dựng công trình này từ giữa năm 2017. Việc xây dựng kéo dài trong sáu tháng, đến nay đã hoàn thành. Ban quản lý Danh thắng Tràng An và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tiến hành thanh kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật trong việc xây dựng, khai thác khai thác vùng lõi của di sản khi chưa được cấp phép.

Cụ thể, Sở Du lịch Ninh Bình đã nhiều lần nhắc nhở, có bốn văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư đề nghị có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trái phép này. Trong thời gian từ tháng 8-12/2017, Ủy ban Nhân dân xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) cũng đã có năm văn bản gửi đến đến vị xây dựng, đề nghị dừng thi công, thu gom nguyên vật liệu, trả lại nguyên trạng mặt bằng cho di sản Tràng An.

“Mặc dù vậy, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã không chấp hành và tiếp tục thi công. Đến thời điểm hiện nay, công trình này đã hoàn thành. Tại thời điểm đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến, công trình này đã đón khách tham quan. Lượng khách đổ về đây đi qua con đường này để lên đỉnh núi khá đông,” ông Phạm Xuân Phúc cho biết.

Vi phạm chồng vi phạm

Trao đổi với báo chí sáng 6/3, ông Phạm Xuân Phúc cho biết, qua làm việc, đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phát hiện, ngoài việc xây dựng trái phép đường lên núi Huyền Vũ ở khu du lịch Tràng An cổ (nằm trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An), Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An còn vi phạm nhiều lỗi khác như: sử dụng hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên; sử dụng đội ngũ lái đò tham gia chở khách chưa được tập huấn; tự ý phát hành vé thu phí 45.000 đồng/lượt khách tham quan.

 
Trước cổng con đường dẫn lên núi Huyền Vũ đã đặt biển "Tạm dừng đón khách." (Ảnh: TTXVN)


Bên cạnh đó, đơn vị này còn tự ý phát hành, nhân bản nhiều đĩa DVD, đăng các bảng/biển giới thiệu về di sản Tràng An nhưng nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự “gắn mác” cho vùng tham quan này là khu du lịch Tràng An cổ. “Khi chúng tôi đề nghị xuất trình giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đây là vùng Tràng An cổ thì đơn vị đã không đưa ra được,” ông Phúc cho biết.

Với hàng loạt sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, Sở Du lịch Ninh Bình đình chỉ hoạt động của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An.

Sáng 6/3, Sở Du lịch Ninh Bình đã yêu cầu Công ty Cổ phần du lịch Tràng An chấm dứt hoạt động du lịch tại khu vực này.Thông báo của Sở Du lịch Ninh Bình nêu rõ, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An tự ý xây dựng trái phép bậc thang lên xuống núi Cái Hạ và đón khách lên tham quan khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Việc làm này đã xâm hại đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, gây mất an toàn cho du khách. Công ty tự ý mở tuyến du lịch Tràng An để đưa, đón khách bằng thuyền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật./.

Ngày 23/6/2014, tại Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Qatar, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha, vùng đệm có diện tích 6.079ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).

Theo VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất