Thứ Tư, 6/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 9/5/2017 8:57'(GMT+7)

Bộ Y tế lên tiếng vụ lãng phí 20.000 viên thuốc trị ung thư

Sau hơn một tuần thông tin phản ánh về vụ việc “lùm xùm” liên quan tới 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư với trị giá gần 14 tỷ đồng bị buộc phải tiêu hủy vì hết hạn dùng, Bộ Y tế khẳng định đã tiến hành đúng quy trình cấp phép 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư phải tiêu hủy.

Cụ thể, ngày 3/5, Cục Quản lý Dược tiếp nhận từ các phương tiện thông tin, truyền thông về việc 20.000 viên thuốc Tasigna điều trị ung thư được tài trợ từ Công ty Novartis bị tiêu hủy do hết hạn dùng.

​Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan này đã yêu cầu Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về vụ việc trước ngày 7/5. Tuy nhiên đến ngày 8/5, đơn vị này vẫn chưa nhận được báo cáo về vụ việc trên.

Cục quản lý Dược cũng khẳng định việc cấp phép nhập khẩu thuốc Tasigma đã được thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 47/2010/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc và đáp ứng quy định về thời gian không quá 15 ngày làm việc.

[Thông tin về việc 20.000 viên thuốc trị ung thư bị lưu kho đến hết hạn] 

Theo đó, cơ quan này đã liệt kê chi tiết những mốc thời gian liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư này, dù chưa nhận được báo cáo cụ thể của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Chi tiết toàn bộ sự việc như sau: Ngày 28/11/2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1639/TMHH-KHTC gửi Cục Quản lý Dược đề nghị tiếp nhận thuốc Tasigna do Công ty Novartis Pharma viện trợ.

Đến ngày 12/12/2013, Cục Quản lý Dược có Công văn số 20956/QLD-KD trả lời Bệnh viện, yêu cầu phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận viện trợ. Việc yêu cầu này căn cứ điểm C khoản 1 Điều 16 Thông tư 47/2010/TT-BYT, yêu cầu trong hồ sơ phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép cơ sở nhận thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo.

Ngày 01/07/2014, Bệnh viện có Công văn số 1011/TMHH-KHTH gửi Cục QLD kèm theo Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 24/06/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ từ Công ty Novartis Pharma. 

Ngày 14/7/2014, Cục Quản lý Dược có Công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện nhận thuốc Tasigna từ Công ty Novartis theo quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT trong đó quy định rõ hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.

Ngày 22/8/2014, Bệnh viện có Công văn số 1449/TMHH-KHTH gửi Cục Quản lý Dược đề nghị tiếp nhận thuốc Tasigna có hạn dùng dưới 12 tháng.

Tại công văn này, Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thuốc Tasigna là thuốc điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy thay thế thuốc Glivec sử dụng cho nhiều bệnh nhân đang có tình trạng không dung nạp thuốc Glivec, đồng thời bệnh viện cam kết sử dụng thuốc Tasigna đúng mục đích và quy định chuyên môn hiện hành.

Căn cứ vào giải trình và cam kết của bệnh viện, ngày 28/08/2014, Cục quản lý Dược có Công văn số 14735/QLD-KD đồng ý cho bệnh viện tiếp nhận thuốc có hạn dùng dưới 12 tháng lô thuốc Tasigna số lô S0052A hạn dùng tháng 5/2015.

Trước đó, như VietnamPlus đã thông tin, liên quan đến vấn đề phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư này, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt.

Theo thông tin vừa được Bộ Tài chính cho biết ngày 8/5, lô thuốc Tasigna (nilotinib) 200mg viên nang cứng được công ty Novatis Pharma trao tặng cho Bệnh viện Huyết học truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh được sản xuất từ tháng 6/2013 và hết hạn vào tháng 5/2015.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) khẳng định lô thuốc đặc trị ung thư phải tiêu hủy đã được ngành hải quan làm thủ tục thông quan chỉ trong 1 ngày chứ không hề kéo dài.

Như vậy, cho đến thời điểm này, cả Bộ Y tế và Bộ Tài chính đều khẳng định việc cấp phép và thông quan cho 20.000 viên thuốc Tasigna (nilotinib) 200mg đặc trị ung thư của hai đơn vị trên đều được tiến hành đúng quy trình. 

Tuy nhiên, câu hỏi nguyên nhân vì sao mà 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư đắt tiền trên lại bị lưu kho đến hết hạn, lãng phí hơn chục tỷ đồng vẫn là một uẩn khúc cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ trong thời gian tới./.

Hồng Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất